Amanotes: Đưa phím đàn lên ứng dụng khởi nghiệp

HỒNG NGA| 08/11/2017 09:39

Một bạn học công nghệ thông tin, một bạn học thương mại nhưng tâm hồn yêu nghệ thuật, thích sáng tạo đã đưa họ đến với nhau để thành lập Công ty Amanotes chuyên sản xuất các ứng dụng nhạc và game.

Amanotes: Đưa phím đàn lên ứng dụng khởi nghiệp

Một bạn học công nghệ thông tin, một bạn học thương mại nhưng tâm hồn yêu nghệ thuật, thích sáng tạo đã đưa họ đến với nhau để thành lập Công ty Amanotes chuyên sản xuất các ứng dụng nhạc và game.

Chỉ chưa đầy ba năm thành lập, Amanotes đã lọt vào Top 15 nhà phát triển ứng dụng Android được yêu thích nhất tại Mỹ và dẫn đầu ở 92 quốc gia khác trên thế giới. 

Hai tâm hồn đồng điệu

Võ Tuấn Bình - Giám đốc Điều hành Amanotes sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật và tình yêu âm nhạc đã ngấm vào người anh từ thuở bé. Với niềm đam mê đó, vào năm thứ 4 đại học, Bình đã "biến" bàn phím máy tính thành chiếc đàn piano với hy vọng âm nhạc trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người. Từ đó, chặng đường đến với các ứng dụng công nghệ di động để mang đến cho người dùng trải nghiệm việc chơi nhạc cụ, cảm nhận nhịp điệu thông qua các trò chơi một cách sáng tạo của Bình bắt đầu.

Sau gần 10 năm làm cho các công ty công nghệ lớn, năm 2013 Bình may mắn gặp Nguyễn Tuấn Cường, người sau này trở thành nhà đồng sáng lập Amanotes. Bình chia sẻ: "Cường có niềm đam mê lớn đối với sự cải tiến, đổi mới. Lần đầu tiên gặp bạn ấy, tôi đã tin rằng chúng tôi có thể chia sẻ cho nhau những suy nghĩ về sự kết hợp âm nhạc với công nghệ, mặc dù lúc đó Cường mới tốt nghiệp đại học và không có chút kinh nghiệm nào. Tôi đã đợi bạn ấy lấy bằng thạc sĩ ngành Sáng tạo Kinh doanh tại Hà Lan, và vào cuối năm 2014, chúng tôi chính thức thành lập Amanotes".

Điều lý thú là trong khi Bình tiếp cận piano từ lúc 6 tuổi, sau đó là guitar, sáo trúc thì Cường không được đào tạo về âm nhạc nhưng rất mê ca hát. Sự đồng điệu về âm nhạc đã đưa hai người đến với nhau. "Đam mê âm nhạc là một điểm cộng lớn khi chúng tôi đánh giá một ứng viên", Cường cho biết. Đây cũng là cách Amanotes thu hút nhân tài khi nguồn nhân lực trong lĩnh vực này khá khan hiếm.

Khó có thể cạnh tranh bằng chính sách lương bổng, các chế độ đãi ngộ như các công ty lớn, Amanotes xây dựng văn hóa công ty như những "sân chơi" âm nhạc. Tại đây có rất nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức thường xuyên. Các khóa học piano được triển khai cho nhân viên và hai cây đàn piano trong Công ty luôn bị chiếm giữ trong thời gian nghỉ giải lao.

Công ty còn tổ chức các đêm nhạc để các thành viên thi thố với nhau. Bất kỳ sự kiện hay bữa tiệc nào của Amanotes cũng bắt đầu bằng âm nhạc. "Nhiệm vụ của chúng tôi rất đơn giản là tạo ra môi trường để mọi người nhận ra tình yêu âm nhạc của họ”, Bình nói.

Chinh phục thế giới

Chính tình yêu âm nhạc cộng với tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ đã giúp Amanotes lập nên kỳ tích. Vào cuối tháng 9 vừa qua, bảng xếp hạng Google Play ở Mỹ nhắc đến cái tên Magic Tiles 3 - ứng dụng giả lập việc đánh đàn piano của Amanotes. Con số 30 triệu lượt tải về chỉ sau 4 tháng ra mắt đã xô đổ kỷ lục các sản phẩm trước đó của một công ty đến từ Việt Nam lập được. Và sau Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, rất hiếm trường hợp nào của Việt Nam thành công như vậy.

Tính đến nay, các sản phẩm Amanotes tạo ra đã có hơn 52 triệu lượt tải về trên toàn thế giới và mỗi ngày có từ 800.000 - 1 triệu người sử dụng ứng dụng của Công ty. Riêng Magic Tiles 3 hiện có đến 40% người tải ở Mỹ, số còn lại đến từ Pháp, Anh...

Khi hỏi điều gì khiến Amanotes quyết định chọn Google Play, Cường cho rằng vì Google Play có quy mô thị trường lớn về người sử dụng và tăng trưởng liên tục. Bên cạnh đó, một công ty "lính mới" như Amanotes cần phải thực hiện rất nhiều bài kiểm tra để xác nhận mô hình kinh doanh và điều này có thể thực hiện dễ dàng trên Google Play. Điều quan trọng nữa là Amanotes nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ đội ngũ Google về cách tận dụng giải pháp tiếp thị của Google để đưa sản phẩm đến với người dùng toàn cầu.

Để có thể duy trì công việc sáng tạo cho Amanotes và phát triển cơ sở khách hàng, Bình và Cường lấy câu nói "Hãy luôn khao khát, hãy cứ dại khờ" của cựu CEO Apple Steve Jobs làm chìa khóa cho mọi hoạt động. "Câu nói này nhắc nhở chúng tôi không chỉ nên chăm chăm giải quyết những gì đang có mà phải nghĩ tới những điều lớn hơn. Nhà xuất bản cũng là mô hình kinh doanh để tận dụng cơ sở khách hàng hiện tại của chúng tôi và mở rộng quy mô hơn nữa", Bình chia sẻ.

Một năm trước, Công ty chỉ có hơn 10 người và để có thể hoạt động, Cường và Bình đã chọn cách "lấy ngắn nuôi dài", làm "outsourcing" cho hai công ty ở Mỹ và Nhật. Sau một năm rưỡi vận hành song song hai hoạt động, Amanotes đã tự tin sống tốt với sản phẩm ứng dụng của mình và đầu tư hoàn toàn cho hoạt động sản xuất các ứng dụng di động cho nhạc và game nhạc.

Hiện nay, Công ty đã phát triển gấp đôi số lượng nhân sự và tăng gấp 10 lần số lượng người dùng. Người dùng của Amanotes chủ yếu đến từ Mỹ và các nước châu Âu, nhưng Bình và Cường đang có kế hoạch "khám phá” Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mục tiêu là vào năm 2018, Amanotes sẽ trở thành Top 5 nhà xuất bản hàng đầu về lượt tải xuống của nền tảng Google Play. Không chỉ vậy, hai chàng trai trẻ này đang muốn xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc hoàn chỉnh hơn cho người dùng trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Amanotes: Đưa phím đàn lên ứng dụng khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO