Khởi nghiệp: Tìm kiếm an toàn trong liều lĩnh

Kim Ngân| 26/04/2022 01:00

Không chỉ với vai trò là chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư độc lập, ông Trần Sĩ Chương hiện là Phó chủ tịch Công ty Nhân sự Le & Associates, còn được biết đến là người đam mê khởi nghiệp với nhiều thành công ở Mỹ và Việt Nam...

2-6052-1650860243.jpg

Ông Trần Sĩ Chương - Phó chủ tịch
Công ty Nhân sự Le & Associates

* Ông từng chia sẻ, trong quá trình khởi nghiệp, ông đã phải từ bỏ hơn 10 doanh nghiệp...

- Có nhiều lý do khiến tôi thất bại. Thứ nhất là do tuổi trẻ bồng bột, nghĩ chưa thấu mà đã hành động. Thứ hai là không định rõ mục tiêu chiến lược của việc mình đang làm. Khởi nghiệp mà không xác định được đúng mục tiêu thì sẽ khó đi đường dài. Thứ ba là nhân sự. Người hợp tác với mình không thích hợp. Ba lý do thất bại ấy thuộc về chủ quan, là do mình.

* Phải chăng đó cũng là lý do mà nhiều bạn trẻ Việt Nam hay gặp khi khởi nghiệp?

- Ở Mỹ, nếu đưa ra ý tưởng mà bị người khác chiếm dụng thì chỉ cần chứng minh ý tưởng đó là của mình thì được pháp luật bảo vệ. Nhưng ở Việt Nam thì khó, cho nên ai cũng ngại chia sẻ ý tưởng kinh doanh mới lạ với người khác. Đó là một trong những lý do các bạn trẻ Việt Nam thường khởi nghiệp một mình. Tôi nghĩ rằng không nên khởi nghiệp một mình. Vì nếu có ý tưởng tốt, mình nên tập trung vào phát triển ý tưởng đó, đừng bận rộn với những công việc khác. Cả một công ty mà chuyện gì mình cũng tự làm, từ tổ chức sản xuất, kinh doanh đến marketing, sổ sách, nhân sự... thì không có thời gian để phát triển thế mạnh của bản thân.

* 25 năm kinh nghiệm tư vấn kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp tại Mỹ và cho một số doanh nghiệp trong nước, lại bắt tay vào khởi nghiệp như một sự rẽ ngang. Điều gì đã giúp ông tiếp tục sau những thất bại?

- Tôi thích những điều mới mẻ, lại thích thử thách, đã mở công ty thì phải ở lĩnh vực khó nhất, toàn cái mình không biết, càng khó mình càng sung. Thành ra những điều mình làm xong rồi, có hệ thống đàng hoàng, mình để cho người khác quản lý, còn mình đi làm những chuyện khác. Cứ tầm một vài năm là phải khởi nghiệp một lần thì tôi mới có sức sống.

* Khi trở về nước, đối mặt với một thị trường mới mẻ và bỡ ngỡ, ông đã làm như thế nào để thích ứng?

- Trong xã hội loài người, có một nguyên tắc là tương tác để tồn tại và thành công. Mặc dù ở hai thị trường khác nhau nhưng việc tương tác và kết nối lại có những mẫu số chung. Thứ hai, mình cần tính được bài toán ngược, tức là tính xem những thành tựu nào thỏa mãn được với điều kiện mình sẵn có. Thấy cái nào mình có rồi thì tận dụng, chưa có thì có thể huy động thêm hoặc là tìm kiếm từ chỗ khác.Vấn đề còn lại là rủi ro. Rủi ro trong kinh doanh cần phải có sự chuẩn bị mới đối phó được. Có chuẩn bị kỹ thì ở đâu cũng không sợ ngã, vì ngã thì vẫn đủ sức để đứng dậy. Rủi ro cũng như cơ hội, khi nào cũng có. Nhưng mà phải có sự chuẩn bị thì mới nắm bắt được cơ hội.

* Muốn khởi nghiệp nhất thiết phải học cao?

- Không. Học cao nhiều khi là sự bó buộc. Người có học cao thường bị ràng buộc bởi nhiều kiến thức chủ quan. Những người tài giỏi xuất thần, thành công vượt bậc khi còn trẻ lại không học cao, như Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg thì giống như thiên tài vậy. Cho nên đừng ngộ nhận, vì cả thế giới mới có được một vài người như vậy. Những doanh nhân ấy tuy không học cao ở trường lớp nhưng họ tự học. Khởi nghiệp đối với tôi cũng là sự học. 

* Theo ông, một doanh nhân trẻ khi phạm sai lầm trong khởi nghiệp thì làm sao để phục hồi uy tín trong mắt đối tác?

- Có hai trường hợp cho tình huống này. Thứ nhất, bạn làm sai vì thiếu kiến thức thì người ta chỉ không hài lòng, nhưng nếu bạn lừa người ta thì điều đó khó bỏ qua, vì nó nói lên nhân cách của bạn. Còn bạn không biết, bạn làm sai là chuyện bình thường, hoặc gặp phải rủi ro bởi khách quan, như dịch Covid-19 chẳng hạn. Người kinh doanh thất bại mà biết mình sai từ đâu thì vẫn có uy tín hơn người chưa từng thất bại lần nào, bởi vì họ có trải nghiệm và có ý thức học hỏi tốt.

* Xu thế khởi nghiệp bây giờ liệu có khác so với trước đây, thưa ông?

- Ngành nghề có thể khác nhau nhưng bản chất của khởi nghiệp là giống nhau. Muốn khởi nghiệp phải nhìn thấy được cơ hội trong thời đại của mình. Như thời  4.0, người ta  thấy được những cơ hội.  Người khởi nghiệp ai cũng nghĩ về cái “cầu”. Ai khởi nghiệp cũng nghĩ là mình sẽ “cung” những cái mà thị trường đang thiếu. Khi nghĩ sai về “cầu”, tức thị trường đã đủ rồi, sản phẩm làm ra không ai mua thì sẽ thất bại.

* Ông có hỗ trợ gì để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp?

- Tôi và một cộng sự nữa là GS. Trương Nguyện Thành đang phát triển một platform (nền tảng) công nghệ, mục đích là để cho phép bất cứ ai có câu hỏi gì, định hướng nghề nghiệp về khởi nghiệp hay các vấn đề về học tập, đều có thể có được câu trả lời cho những thắc mắc, cho những vấn đề cần muốn biết. Hệ thống sẽ ghi nhận câu hỏi của bạn và “lùng khắp thế giới” tìm ra những người phù hợp với bạn để liên lạc. Vì sao tôi làm vậy? Vì tôi nghĩ là việc học suông lý thuyết không bằng được với việc có mentor. Để tìm được mentor phù hợp là rất khó. Đó cũng là một cách khởi nghiệp trong năm 2022 của tôi.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khởi nghiệp: Tìm kiếm an toàn trong liều lĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO