Tại cuộc tọa đàm "Bệ phóng mở rộng thị trường" gần đây, các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage - thức ăn và đồ uống) khuyên giới trẻ startup cần chăm chút sản phẩm ngay từ khâu đầu tiên, chú trọng xu hướng thị trường đang quay về các sản phẩm tự nhiên và đặc biệt để mắt đến thực tế hiện nay là người tiêu dùng rất mất niềm tin về thực phẩm "sạch".
Đọc E-paper
Chọn kênh phân phối
Bà Nguyễn Thị Kim Hạnh khởi nghiệp thành công với sản phẩm kim chi thương hiệu Ông Kim. Năm 2016, Ông Kim được Tập đoàn CJ của Hàn Quốc mua lại và bà tiếp tục khởi nghiệp trong lĩnh vực cà phê với Yellow Chair. Chia sẻ kinh nghiệm, bà Hạnh cho biết lần đầu đưa Ông Kim ra thị trường, bà chọn thời điểm Tết và kênh chợ truyền thống (GT).
Nhưng kim chi lên men tự nhiên không để lâu được, vậy là 5 tấn kim chi phải đổ bỏ, sau đó bà chuyển sang tìm kiếm kênh siêu thị (MT). "Tôi tập trung vào một hệ thống và làm thật tốt, đến khi trụ được thì các chuỗi siêu thị khác mời vào. Ở các chuỗi siêu thị đều có nhà thu mua đi tìm nhà cung cấp và khi sản phẩm của mình đạt chuẩn, ắt họ nhập hàng", bà cho biết.
Năm 2000, ông Võ Huân xây dựng Trí Đức Foods bắt đầu với các sản phẩm từ nha đam, đến nay Công ty xác định là một nhà sơ chế - chế biến các loại nông sản cung cấp cho các nhà phân phối lớn trong nước và các đối tác xuất khẩu. Ông Huân kể, lúc mới học ở Mỹ về, thấy mứt tết trên thị trường lôi thôi quá, nên nghĩ phải làm ra sản phẩm tinh tế và sang trọng.
Ông đầu tư cho thiết kế bao bì rất đẹp nhưng không ai mua bởi không thấy được sản phẩm bên trong, sau đó ông phải thay đổi toàn bộ thiết kế và nhận được phản hồi tốt hơn. "Sản phẩm và chiến lược phải linh hoạt theo thị trường nhưng luôn theo kế hoạch ban đầu, khi đã kiểm nghiệm thị trường thì phải đi rất nhanh mới chớp được cơ hội", ông chia sẻ.
Ông Huân tự nhận sản phẩm không thuộc dạng thiết yếu nên chọn chiến lược chậm mà chắc. Việc kiểm nghiệm thị trường là tối quan trọng để tránh "chiến lược trên bàn giấy". Ông lưu ý: "Cẩn trọng ngay cả khi sản phẩm ban đầu bán tốt, nhưng có khi chỉ do khách hàng tò mò. Cần trải nghiệm liên tục xem họ có quay lại hay không để có kế hoạch sản xuất phù hợp".
Theo bà Hạnh, nên xem MT là kênh marketing, kiếm lợi vô hình lớn hơn nhiều kênh GT nên đòi hỏi quy chuẩn chất lượng. Ở kênh MT, khách hàng "mua bằng mắt và cảm xúc nên cần đầu tư cho bao bì, chăm chút khâu trưng bày". Tương tự, theo ông Huân, bán hàng ở kênh MT giá trị vô hình cao hơn nhiều. Nếu thất bại, cần kiểm định do sản phẩm hay kênh phân phối, sản phẩm phù hợp với kênh MT, GT hay cả hai.
Ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết, tất cả chuỗi bán lẻ đều có tiêu chuẩn nhất định khi đưa sản phẩm vào hệ thống. Ông khuyến cáo các bạn trẻ khởi nghiệp cần có tầm nhìn xa khi đưa sản phẩm vào kênh MT, phải có tính liên tục và lâu dài, tránh tình trạng đứt hàng.
SATRA với hơn 150 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods đòi hỏi mất nhiều công sức cho việc chăm sóc khách hàng, mà đa phần doanh nghiệp nhỏ chưa quan tâm tới khâu này. Nhiều doanh nghiệp ít chăm chút hình thức bao bì, thậm chí chưa biết tính năng của từng loại bao bì, khi được yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn thì thường thối chí.
Chú trọng xu hướng quay về tự nhiên
SATRA và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) đã ký hợp tác hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa về chiến lược bán hàng và xây dựng kênh phân phối mở rộng thị trường. Theo đó, sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp sản phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trạm dừng chân, chợ đầu mối trong hệ thống SATRA. Các startup sẽ được thông tin, tư vấn về các quy trình, quy chuẩn sản phẩm, được chỉ dẫn để hoàn thiện chuẩn sản phẩm cho kênh phân phối hiện đại.
Các nhà kinh doanh cũng lưu ý, xu thế thị trường hiện nay là dùng thực phẩm quay về xu hướng tự nhiên, cần gầy dựng niềm tin ngay từ đầu ra của sản phẩm mới thuyết phục được người mua hàng và cạnh tranh.
Theo ông Phạm Duy Hiếu - Giám đốc Startup Vietnam Foundation, phải bắt đầu trong điều kiện thị trường mà niềm tin đã hao mòn rất nhiều là thách thức cho giới khởi nghiệp. Tuy nhiên, họ buộc phải thay đổi, nếu không có cam kết trong thị trường hiện nay sẽ khó thuyết phục người dùng. Các startup phải đánh giá chiến lược, thực lực ra sao, khi thất bại cần xem lại thực lực của mình là gì.
Ông Khoa nhận định, các công ty khởi nghiệp là nơi cái mới và tính sáng tạo được đề cao, nên chú trọng vào những sản phẩm độc đáo nhằm tạo sự khác biệt và tính cạnh tranh. Ông Khoa cho rằng, làm sản phẩm hữu cơ (organic) đòi hỏi sự bền bỉ khác xa với sản phẩm thông thường. Ví dụ như SATRA làm gạo organic chỉ quy trình đã mất 3 năm nhưng sản lượng chỉ bằng 1/3 sản xuất đại trà.
Chỉ khi người tiêu dùng có thông tin và thấy được sự an toàn họ mới chấp nhận chi trả. "Thị trường ngày càng văn minh nên sẽ đòi hỏi những sản phẩm văn minh, tính nhân bản là trách nhiệm chung trong xu thế hiện nay, các bạn trẻ cần nương theo xu thế đó để tạo được chỗ đứng trong nước trước khi muốn ra toàn cầu", ông Khoa nói.
>>Ông chủ Pizza Home lý giải vì sao các đại gia F&B "nhảy" vào trà sữa