Khởi động với nhiều ý tưởng mới

PHÚC AN| 16/08/2012 05:41

Sáng 16/8, 5 thí sinh đầu tiên dự thi vòng chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần 2 – năm 2012 đã bảo vệ đề án trước ban giám khảo bao gồm 3 doanh nhân có nhiều kinh nghiệm.

Khởi động với nhiều ý tưởng mới

Sáng 16/8, 5 thí sinh đầu tiên dự thi vòng chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần 2 – năm 2012 đã bảo vệ đề án trước ban giám khảo bao gồm 3 doanh nhân có nhiều kinh nghiệm: Ông Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP DV Du lịch & TM TST, bà Ngô Thị Báu - Giám đốc Công ty TNHH SX TM Nguyên Tâm (Foci), ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Lộc.

Thí sinh Bùi Vũ Hà Thanh - sinh viên năm cuối ĐH Ngoại thương TP.HCM là thí sinh đầu tiên trình bày dự án với đề tài Pik Pok - Cửa hàng cho thuê đồ chơi trẻ em.Sau phần thi của Hà Thanh, giám khảo Phạm Phú Trường góp ý chung cho các thí sinh, nếu các em đã lập kế hoạch thành công thì cũng phải lập kế hoạch thất bại, nếu chưa nhìn thấy rủi ro trong dự án của mình thì chưa nên đầu tư.

Tuy nhiên, giám khảo này vẫn đánh giá cao ý tưởng của Hà Thanh vì khai thác được một điểm mấu chốt là khách hàng ban đầu chỉ muốn thuê nhưng rốt cuộc họ sẽ phải mua vì đồ chơi trẻ em rất dễ hư hỏng. Hà Thanh cần nắm bắt tâm lý khách hàng cả phụ huynh và trẻ em thật kỹ để có chiến lược giá và chiến lược sản phẩm tốt.

Giám khảo Lại Minh Duy đánh giá cao ý tưởng “Ngày hội trao đổi đồ chơi” nhưng nhắc nhở chung các thí sinh khi đưa ra hiệu quả nhưng chưa nghĩ đến hậu quả nên dẫn đến khả năng doanh nghiệp đã chết trước khi tồn tại. "Diện tích cửa hàng quá nhỏ so với ý tưởng mở rộng hoạt động kinh doanh, bạn có hiểu rõ tâm lý trẻ em hay chưa?", "Thuê hay mua đồ chơi mới là lựa chọn của phụ huynh?" là một số chi tiết khác được giám khảo Lại Minh Duy góp ý cho dự án.

Sách cũ cho sinh viên luôn là đề tài được nhiều thí sinh chọn lựa, nhưng Lê Thế Anh - sinh viên ĐH Ngoại Thương đã mang đến phần trình bày tự tin và khá thú vị về quá trình hình thành ý tưởng và cách tiếp cận vấn đề. Thế Anh cũng đưa ra những số liệu nghiên cứu thị trường do bạn tự thực hiện và từ đó khám phá nhu cầu sử dụng sách cũng như cắt giảm chi phí của các bạn sinh viên.

Thế Anh cũng vượt qua một câu hỏi khá khó từ giám khảo Phú Trường: “Em đã học về kinh tế hiện đại, em hãy cho biết sự giống và khác nhau của nó với đạo làm giàu của Lương Văn Can?”, khi trình bày sự khác nhau trong vai trò của sản phẩm trong kinh doanh trước kia và hiện nay.

Giám khảo Lại Minh Duy khen chất “máu lửa” của Thế Anh với đề án đã lôi kéo tất cả các giám khảo, nhưng cần điều tiết trong cách trình bày. Giám khảo Phú Trường đánh giá cao cách Thế Anh nâng cao giá trị sản phẩm dù chỉ đóng vai trò cung cấp dịch vụ. Dự kiến dòng tiền là phần quan trọng mà hầu hết thí sinh chưa đáp ứng đầy đủ. Giám khảo này khẳng định, tiền là máu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thiếu tiền thì lờ đờ, không có tiền thì chết. Thí sinh cần quan tâm đến việc dự kiến dòng tiền.

Bà Ngô Thị Báu nhắc chung các thí sinh nên quan tâm hơn nữa đến kênh thương mại và tiếp thị trực tuyến. Bà cũng chia sẻ, thất bại khi khởi nghiệp không chỉ mất tiền, mà còn mất rất nhiều thứ, mất lòng tin ở bản thân, mất phương hướng, mất uy tín với gia đình, bạn bè, do đó, trước khi quyết định khởi nghiệp phải suy nghĩa và chuẩn bị thật kỹ càng.

Giám khảo Phú Trường cũng khẳng định "có gan làm giàu" chỉ là một câu nói vui, tố chất quan trọng nhất của doanh nhân là quyết định đúng.

Huỳnh Ngọc Tuyền - thí sinh đến từ ĐH Mở TP.HCM sử dụng tiếng Anh cho phần trình bày đề án bột giặt Titan. Dự án của Tuyền khá lớn với giá trị hơn 11 tỷ và giới thiệu một sản phẩm hoàn toàn mới.

Giám khảo Ngô Thị Báu đánh giá rất cao ý tưởng này, nhưng cho rằng điểm yếu lớn nhất trong dự án của Tuyền cũng chính là tính mới của sản phẩm. Yếu tố kỹ thuật trong sản phẩm khá nhiều, người thuyết trình chưa nắm rõ, sản phẩm cũng chưa nên hình hài, bên cạnh đó, việc tính toán chi phí marketing cũng cần xem lại thật kỹ.

Giám khảo Phú Trường lo lắng cho sản phẩm của Tuyền vì loại bột giặt này trông giống những viên thuốc và như vậy sẽ dễ nhầm lẫn và không an toàn cho người sử dụng. Với vai trò của nhà đầu tư, giám khảo Phú Trường sẽ không đầu tư cho đến khi chưa có sản phẩm thật. Ngoài ra, mục tiêu thâu tóm thị trường tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội có thể là không khả thi vì chi phí marketing quá lớn.

Chia sẻ kinh nghiệm thất bại trên thực tế của mình, giám khảo kết luận, cần có sản phẩm cụ thể trước khi thuyết phục nhà đầu tư.

Đề án “Chợ phiên“ của thí sinh Lê Minh Trí - ĐH Tài chính Marketing với tâm huyết đưa hàng Việt về nông thôn nhận được nhiều chia sẻ từ các giám khảo.

Sau khi nghe trình bày đề tài, giám khảo Ngô Thị Báu bất ngờ vì ý tưởng này tương tự với chương trình của  Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) đã triển khai 3 năm qua, giám khảo này cũng tâm sự những khó khăn của hàng Việt trong cuộc chiến với hàng Trung Quốc tại các vùng sâu vùng xa.

Các giám khảo đều đồng tình, dự án của Trí đang có lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhưng phải có cách làm như thế nào để thành công, sau những thất bại của những chương trình trước, nghĩ ra cách tiếp cận khác mới mẻ hơn. Giám khảo Phú Trường cũng gợi ý cho Minh Trí hai hướng đi để phát triển đề án sau này.

Minh Trí cũng nhận được một câu hỏi cũng khá hóc búa từ ban giám khảo: Vấn đề nào cụ Lương Văn Can đã đưa ra mà chưa phù hợp trong hoàn cảnh Việt Nam hiện tại? Minh Trí phản biện 2 vấn đề trong số 10 vấn đề mà cụ Lương Văn Can cho rằng doanh nhân Việt Nam trước đây là giao tiếp yếu và không có sự kiên trì.

Câu hỏi này đã dẫn đến một cuộc thảo luận hào hứng giữa các thành viên ban giám khảo xung quanh khả năng giao tiếp và hội nhập của doanh nhân Việt Nam.

Thí sinh dự thi cuối cùng, Phạm Thị Ngọc Ngân, sinh viên năm 1 đến từ ĐH Ngoại thương trình bày dự án “Du lịch hành hương”. Ban giám khảo xoáy sâu vào các số liệu nền tảng dẫn đến ý tưởng và cách định vị sản phẩm dẫm chân lên điểm yếu của đối thủ cạnh tranh đã có sẵn trên thị trường. Một điểm yếu nữa của đề án này được các giám khảo chỉ ra, đó là không thấy Ngân đề cập đến sản phẩm du lịch cụ thể.

Giám khảo Lại Minh Duy cũng chia sẻ, đối thủ lớn nhất của Ngân sẽ không phải là các công ty du lịch mà chính là những đơn vị tôn giáo. Sản phẩm riêng biệt thì phải có khách hàng riêng biệt. Giám khảo Ngô Thị Báu góp ý, Ngân cần bổ sung kiến thức về ngành nghề mong muốn kinh doanh. Vì Ngân chưa nắm kiến thức, chưa có trải nghiệm nên định hướng rõ ràng cho việc kinh doanh của mình.

Giám khảo này chia sẻ thêm: “Tôi trân trọng tâm hồn trong sáng của các em, luôn có ý hướng thiện, làm việc tốt cho cộng đồng nhưng trước hết các em phải tự lo cho chính mình, cho công việc kinh doanh của chính mình trước khi quan tâm đến những người khác, tuân thủ pháp luật, và nếu không có sản phẩm cụ thể thì rất khó thành công”.

Kết quả: 3 thí sinh xuất sắc giành Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can sau ngày thi đầu tiên:

1/ Lê Thế Anh - sinh viên ĐH Ngoại Thương TP.HCM - Dự án sách cũ cho sinh viên.
2/ Bùi Vũ Hà Thanh - sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM - Dự án Cửa hàng cho thuê đồ chơi trẻ em Pik Pok.
3/ Huỳnh Ngọc Tuyền - sinh viên ĐH Mở TP.HCM - Dự án bột giặt Titan. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khởi động với nhiều ý tưởng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO