Học từ những sai lầm để trưởng thành

DNSG| 08/04/2023 08:00

Bất kỳ một vấn đề gì mình đều chọn giải pháp là đối diện và đối thoại. Không ai hoàn hảo cả, khi nhân viên làm sai thì điều đầu tiên tôi phải chỉ cho các bạn thấy sai ở chỗ nào. Và cách của mình là gì? Bạn có thể làm tốt nhất cái gì? Nhiều khi người ở trong cuộc không nhận biết được vấn đề đó, còn tôi là người ngoài cuộc thì thấy rõ hơn. Vô hình chung, việc này giống như là cơ hội cho tôi đóng vai trò coach nhân viên của mình để họ tốt hơn, giỏi hơn. Thông thường tôi chọn cách chỉ ra những chỗ mà tôi cần các bạn làm lại và tôi cũng rất kiên nhẫn để các bạn tiếp tục với một sản phẩm đã chỉnh sửa", đó là chia sẻ của bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo Việt Nam, đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách "Phép màu để vượt lên chính mình".

Sau đây là cuộc trò chuyện giữa phóng viên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn với bà Nhan Húc Quân về nội dung cuốn sách Phép màu để vượt lên chính mình.

* Cấu trúc của cuốn sách với mở đầu luôn là một câu danh ngôn hoặc châm ngôn và kết thúc với phần đưa ra suy ngẫm. Ý tưởng để bà viết sách với cấu trúc như vậy là gì?

- Giống như hồi xưa mình đi học, mình phải có mở bài, thân bài và luôn luôn có kết luận để cô đọng lại cho người ta hiểu câu chuyện mình muốn chia sẻ là gì. Quyển sách của tôi tóm lại nằm trong đề mục của từng chương. Ví dụ như quyển sách thứ nhất gồm có 3 chương, thì chương thứ nhất chủ đề là “Đừng than thân trách phận”, chương thứ hai là “Hãy sống trọn vẹn với niềm tin, tỏa sáng với niềm tin” và chương thứ ba là “Thế giới sẽ tốt hơn vì có bạn”.  

Trong 3 năm đại dịch, nhiều người cho phép mình đi than vãn, trách móc. Thật sự chuyện đại dịch là không ai mong muốn và không ai biết cách hay có kinh nghiệm để đối phó. Như vậy thì với một khó khăn chung mà cả nhân loại phải cùng nhau giải quyết thì việc mình phải làm là đủ bình tĩnh để tìm cách giải quyết, mình có các phương pháp để giải quyết những vấn đề của mình và sự tồn tại của mình ngày hôm nay có giúp được cho ai hay không? Trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch thì mình có vai trò gì trong khó khăn chung của toàn xã hội? Đó là những câu chuyện của quyển sách thứ nhất. 

Trong quyển sách thứ hai, tôi viết có hai chương, chương thứ nhất là “Muốn đi nhanh hãy đi cùng nhau” và chương thứ hai là “Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân”. Quyển sách thứ hai của tôi đi vào công tác quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp ở một tầng cao hơn. Đó là những câu chuyện mà tôi là người trải nghiệm và đã giác ngộ trong sự va vấp của mình. Tôi nhân ra nếu như câu chuyện của mình được viết lại, biết đâu một ngày nào đó, có ai rơi vào hoàn cảnh như mình như vậy thì họ sẽ có cách để vượt qua vấn đề của họ một cách nhẹ nhàng hơn. Đó là điều tôi mong muốn khi viết sách.

bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc của Công ty New Toyo Việt Nam, đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách Phép màu để vượt lên chính mình

Bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo Việt Nam, đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách Phép màu để vượt lên chính mình

* Khi nhân viên của bà có những cảm xúc tiêu cực, bà đã chia sẻ các kỹ thuật quản lý cảm xúc cho nhân viên như thế nào?

- Nhân viên của tôi có thể gặp tôi bất cứ lúc nào. Trong công tác quản trị, tôi chọn  phương pháp đối diện và đối thoại khi cần thiết và trong công việc điều hành của mình thì hằng tháng tôi đều có một cuộc họp xem xét lãnh đạo. Tất cả các giám đốc bộ phận sẽ cùng họp cùng tôi để review lại kết quả hoạt động kinh doanh của tháng vừa rồi, xem xét vấn đề gì còn tồn động chưa giải quyết cần xin ý kiến, hoặc cần sự trợ giúp. Các bạn sẽ nêu những vấn đề đó trong cuộc họp và chúng tôi cùng nêu ra giải pháp và lựa chọn giải pháp tốt nhất để giải quyết.

* Trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19, phương thức làm việc thay đổi, nhiều người bị áp lực, căng thẳng. Bà vừa quán xuyến gia đình lại vừa phải chăm lo cho hơn 200 công nhân viên. Bà đã làm thế nào để cân bằng cảm xúc lúc đó?

- Nghĩ lại thời gian “3 tại chỗ” quả thật là “lửa thử vàng gian nan thử sức”. Thời gian đó chúng tôi phải tập hợp tất cả anh em vào nhà máy làm việc, phải lo ăn, ngủ, nghỉ, kể cả vấn đề sức khỏe cho anh em. Địa bàn khu Linh Trung 2, phường Bình Chiểu lúc đó là điểm đỏ và tất cả con đường đều có chốt chặn, phải đi đường vòng. Thời gian đó quả thật có những lúc tôi căng thẳng đến nỗi giống như là không thở được. Tại vì sao? Cứ ba ngày một lần cho anh em test Covid một lần, test nhanh, lại ra một tốp người đổ bệnh. Cứ thế con số người bệnh tăng dần, tăng dần, tăng đến có hôm 17 người bệnh. 

Và mỗi lần tôi thấy anh em phải rời khỏi nhà máy bước lên xe trung chuyển, đi đến khu thu dung, tôi rất nặng lòng. Và cho tới một hôm, thật sự tôi chịu không nổi đã gục khóc trên bàn làm việc. Khi khóc xong, tôi gọi điện gặp trưởng ban điều hành quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất lúc đó là anh Hứa Ngọc Hưng. Phải nói là vị lãnh đạo trẻ này rất kiên nhẫn nghe tôi tâm sự và tôi cũng nói ra những khó khăn cần phải được chính quyền lắng nghe và có giải pháp để giải quyết. 

Tuy nhiên, thời gian đại dịch “3 tại chỗ” cũng là lúc để tôi nhìn thấy những anh em nào thật sự chịu “chiến đấu” đến giây phút cuối cùng với công ty. Công ty của tôi lúc đó chỉ còn khoảng 30 bạn thôi và lúc đó nhận đơn hàng thì lập tức phải truyền thông, cập nhật cho khách hàng biết tình hình của công ty, đồng thời cam kết tôi sẽ tổ chức sản xuất, giao hàng như thế nào để khách hàng yên tâm. May mắn là trong thời gian đó, tôi bảo đảm chuỗi cung ứng trong nước không bị đứt gãy, đồng thời phát huy được vai trò là “giải cứu” giúp các công ty ở Singapore và Malaysia, vì họ bị giãn cách xã hội không thể sản xuất, còn Việt Nam vẫn có chính sách “3 tại chỗ”, vẫn còn được ở trong nhà máy để sản xuất. Do “gánh vác” thêm đơn hàng, nên doanh số của công ty vượt trội so với dự toán ban đầu của mình.

* Việc quản trị cảm xúc đối với doanh nhân, những người đang điều hành và quản lý doanh nghiệp, có vai trò quan trọng như thế nào?

- Quan trọng lắm. Một ngày, người ở vị trí điều hành phải tiếp nhận rất nhiều sự việc, sự vụ kể cả gặp rất nhiều người. Trong mọi tình huống mình đều phải là người ra quyết định nên khi cảm xúc của mình tiêu cực thì sẽ cho ra những quyết định sai hoặc định hướng, dẫn dắt không hiệu quả.

cuốn sách Phép màu để vượt lên chính mình

Bìa cuốn sách Phép màu để vượt lên chính mình

* Nếu một nhân viên làm việc không hiệu quả thì bà sẽ xử lý như thế nào?

- Bất kỳ một vấn đề gì mình đều chọn giải pháp là đối diện và đối thoại. Không ai hoàn hảo cả, khi nhân viên làm sai thì điều đầu tiên tôi phải chỉ cho các bạn thấy sai ở chỗ nào. Và cách của mình là gì? Bạn có thể làm tốt nhất cái gì? Nhiều khi người ở trong cuộc không nhận biết được vấn đề đó, còn tôi là người ngoài cuộc thì thấy rõ hơn. Vô hình chung, việc này giống như là cơ hội cho tôi đóng vai trò coach nhân viên của mình để họ tốt hơn, giỏi hơn. Thông thường tôi chọn cách chỉ ra những chỗ mà tôi cần các bạn làm lại và tôi cũng rất kiên nhẫn để các bạn tiếp tục với một sản phẩm đã chỉnh sửa.

* Có nghĩa là người quản lý đặt ra các câu hỏi để nhân viên tự tìm giải pháp, tự tìm câu trả lời và người quản lý chỉ đồng hành?

- Đó cũng là một kỹ năng của những người làm quản lý, làm lãnh đạo. Bản thân nhà quản trị phải có những câu hỏi đủ thông minh để khơi gợi cho các bạn, kích hoạt sự suy nghĩ của các bạn và không nên đưa giải pháp ngay cho họ. Nhiều khi các bạn vẫn có khả năng làm rất tốt nhưng các bạn có tính lười. Tức là làm như vậy cũng gọi là có sản phẩm, có trả bài, như vậy thì các bạn sẽ rất khó tiến bộ. Nhưng khi mình biết cách đặt câu hỏi thông minh, mình kích hoạt não của các bạn phải suy nghĩ thêm thì vô hình chung các bạn sẽ giỏi lên.

* Cảm ơn bà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học từ những sai lầm để trưởng thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO