Hành trình xuyên nước Mỹ của đương kim Phó Tổng thống Hoa Kỳ

Văn Khoa| 11/06/2021 08:00

Trong cuốn hồi ký “Sự thật ta nắm giữ”, Thượng nghị sĩ Kamala Harris - giờ đây là đương kim Phó Tổng thống của Hoa Kỳ- đã kể lại những trải nghiệm hình thành nên niềm tin, lý tưởng và những thành tựu tiêu biểu bà thực hiện trong nhiều năm qua.

Không chỉ vẽ nên một bức tranh đẹp về một nhà chính trị thông minh, nhân hậu, chăm chỉ, chuyên nghiệp, cuốn sách còn truyền cảm hứng và gửi gắm tới độc giả nhiều thông điệp về sự nỗ lực, và tinh thần hành động vì một cộng đồng, xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.

Sự thật ta nắm giữ gồm 10 chương. Kamala Harris lần lượt dẫn dắt độc giả theo bước chân bà từ thời thơ ấu. Trong đó, mẹ của Kamala - một sinh viên giỏi đến từ Ấn Độ - có hiểu biết chính trị nhạy bén, luôn đề cao công lý - có ảnh hưởng mạnh mẽ đến bà hơn cả. Mặc dù nuôi con một mình sau khi ly hôn với cha của bà - một sinh viên xuất sắc đến từ Jamaica - nhưng mẹ của Kamala vẫn quyết tâm nuôi dạy bà cùng cô em gái “trở thành những phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh”.

Không chỉ được nghe kể về những cuộc đấu tranh dân quyền mà cha mẹ và bạn bè họ đã tham gia, ngoài thời gian học tập, Kamala luôn được mẹ cho tham gia những cuộc thảo luận với bạn bè về các nhà tư tưởng cấp tiến, nạn phân biệt chủng tộc, lịch sử phân biệt chủng tộc tại Mỹ, các phong trào giải phóng ở các nước đang phát triển; tham gia vào những hoạt động sôi nổi tại Rainbow Sign - trung tâm văn hóa của người da màu - nơi mọi người truyền cho nhau niềm tự hào về cội nguồn, kiến thức, nhận thức và sức mạnh hướng tới thực hiện những điều phi thường…

Chính tại đây, ngoài những kỹ năng cần thiết dành cho người làm lãnh đạo, Kamala đã nhìn thấy các phiên bản mở rộng hợp lý cho những bài học hằng ngày của mẹ bà, nơi bà có thể bắt đầu hình dung tương lai của bản thân.

“Mẹ tôi đã nuôi dạy chúng tôi tin rằng câu nói “Điều này khó quá!” là một lời bào chữa không thể nào chấp nhận được; rằng trở thành một người tốt có nghĩa là phải lên tiếng ủng hộ cho điều lớn hơn bản thân mình; rằng thành công được đo lường một phần thông qua những việc ta giúp người khác đạt được và hoàn thành. Bà nói với chúng tôi, “Đấu tranh với chế độ làm sao cho chúng trở nên công bằng hơn và không bị giới hạn bởi những điều vốn có”.

Với niềm tin, lý tưởng sống ấy, cùng sự hỗ trợ của gia đình, người thân, bạn bè, Kamala Harris lần lượt hoàn thành chương trình học tập tại Đại học Howard, Đại học luật Hasting, trở thành một công tố viên, Tổng chưởng lý, rồi trở thành một Thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ. Ở cương vị nào bà cũng nỗ lực dùng sự hiểu biết và vai trò của bản thân để đem lại công lý, những đổi thay tốt nhất cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là người da màu và những người yếu thế trong xã hội.

su-that-ta-nam-giu-4-1772-1623317297.jpg

"Mẹ tôi đã nuôi dạy chúng tôi tin rằng câu nói “Điều này khó quá!” là một lời bào chữa không thể nào chấp nhận được; rằng trở thành một người tốt có nghĩa là phải lên tiếng ủng hộ cho điều lớn hơn bản thân mình; rằng thành công được đo lường một phần thông qua những việc ta giúp người khác đạt được và hoàn thành" - Kamala Harris

Khi Kamala là công tố viên, đó là việc truy tố tội phạm tình dục, sau là giúp đỡ những người đã từng ngồi tù vì các tội danh nhẹ; nơi bà đứng về phía các nạn nhân, hoặc người tù yếu thế tìm ra phương thức hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng tốt nhất, để họ không bị tiếp tục dìm xuống bùn đen hay quay trở lại con đường tội phạm…

Khi là Tổng chưởng lý California, Kamala thành lập Lực lượng chống gian lận thế chấp, buộc các công ty cung cấp dịch vụ cho vay thế chấp sai trái phải bỏ ra 18,4 tỷ USD để xóa nợ, và 2 tỷ USD hỗ trợ tài chính cho các chủ nhà ở California. Tiếp đó là việc thu hồi tài chính từ gian lận của các công ty tài chính, đảm bảo cho lương hưu của nhân viên và giáo viên tại California…

Với tư cách là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, bà đưa ra cải cách tư pháp hình sự, nhằm xóa bỏ những bất cập còn tồn tại; tán thành dự luật tại ngoại với Thượng nghị sĩ Rand Paul, dù ông luôn đối lập với bà…

Kết hợp một cách khéo léo giữa những câu chuyện đời tư với sự nghiệp nhiều dấu ấn cùng những câu chuyện chạm vào được trái tim, Kamala Harris khiến độc giả bị cuốn theo hành trình đã qua. Ở đó, độc giả mừng cho người dân nước Mỹ, dường như đã sáng suốt lựa chọn được một nhà lãnh đạo thông minh, nhân hậu, chăm chỉ, chuyên nghiệp, có tầm nhìn xa; có thể giúp họ giải quyết được nhiều bất cập còn tồn tại trong đời sống xã hội nước Mỹ trong tương lai gần.

Sự thật ta nắm giữ còn truyền cảm hứng và gửi gắm tới độc giả nhiều thông điệp về sự nỗ lực, và tinh thần hành động vì một cộng đồng, xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.

Kamala Harris viết: “Nền dân chủ, sự tự do và công lý không thể bén rễ, phát triển và nở rộ giữa lòng căm thù, cơn thịnh nộ. Chúng ta phải phản đối sự thờ ơ, sợ hãi, căm ghét và ngờ vực. Chúng ta phải bắt đầu và kết thúc bằng việc nói ra sự thật… Sau nhiều năm nữa, con cháu của chúng ta sẽ tìm hiểu và gặng hỏi chúng ta. Chúng sẽ hỏi rằng chúng ta đã ở đâu khi tình hình nghiêm trọng như vậy. Chúng sẽ hỏi ta rằng mọi chuyện là như thế nào. Tôi không muốn chỉ cho chúng biết cảm giác của chúng ta. Tôi muốn kể với chúng những điều chúng ta đã làm”.

Những kinh nghiệm lãnh đạo, giải quyết vấn đề thành công của Kamala Harris, kinh nghiệm nuôi dạy con thành công theo mục tiêu định trước của Shyamala Gopalan (mẹ của Kamala Harris)… là những khía cạnh khác khiến Sự thật ta năm giữ trở thành cuốn sách hấp dẫn với nhiều đối tượng độc giả, từ các nhà lãnh đạo, quản lý, người làm trong bộ Ngoại giao, đến những người muốn được truyền cảm hứng trên con đường sự nghiệp, các bậc phụ huynh muốn nuôi dạy con thành công.

Kamala Harris (sinh ngày 20/10/1964) là một chính trị gia và luật sư người Mỹ, Phó Tổng thống thứ 49 của Hoa Kỳ. Bà là nữ Phó tổng thống đầu tiên, nữ quan chức cấp cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ; đồng thời là người Mỹ gốc Phi, gốc Á đầu tiên giữ chức vụ này. 

Kamala Harris bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Uỷ viên công tố hạt Alameda, sau đó được bầu làm uỷ viên công tố quận San Francisco. Với tư cách là công tố viên liên bang tại California, bà Harris đã truy tố nhiều băng đảng xuyên quốc gia, các ngân hàng lớn, nhóm 5 công ty dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều trường đại học vì lợi nhuận, đồng thời đấu tranh chống các cuộc công kích vào Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền.

Bà còn đấu tranh để giảm tình trạng trốn học ở trường tiểu học, đi tiên phong trong việc phơi bày nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự của quốc gia và triển khai các khoá đào tạo về thành kiến ngầm cho các sĩ quan cảnh sát.

Là người phụ nữ da màu thứ hai được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ, bà Harris luôn nỗ lực cải cách hệ thống tư pháp hình sự, tăng mức lương tối thiểu, miễn học phí bậc đại học cho đa số người Mỹ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tị nạn và người nhập cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành trình xuyên nước Mỹ của đương kim Phó Tổng thống Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO