Có một Ấn Độ hỗn loạn, cân bằng mong manh

Dịch giả PHONG SA| 26/06/2015 06:08

A fine balance cho tôi thấy thực tế khốc liệt tại Ấn Độ trong thời kỳ kinh tế - chính trị biến động mạnh mẽ vào những năm của thập niên 1970, khi chính phủ đương thời khẩn trương chấn chỉnh xã hội.

Có một Ấn Độ hỗn loạn, cân bằng mong manh

Thời gian này, tôi tình cờ đọc liền hai quyển sách viết về đất nước nuôi dưỡng một phần văn minh nhân loại: Ấn Độ.

Đọc E-paper

Nếu như The life of Pi tô đậm thêm những ấn tượng sẵn có trong tôi về Ấn Độ kèm mùi nhang trầm, vệt đất sét trên trán, những tràng hoa cúng lễ và điệu nhảy xoay chuyển đất trời của thần Shiva, thì A fine balance cho tôi thấy thực tế khốc liệt tại đất nước này trong thời kỳ kinh tế - chính trị biến động mạnh mẽ vào những năm của thập niên 1970, khi chính phủ đương thời khẩn trương chấn chỉnh xã hội.

Thật khó hình dung cái nôi văn minh một thời rơi vào tình trạng hỗn loạn đến mức người thuộc đẳng cấp thấp muốn đi bỏ phiếu bầu phải trả giá bằng mạng sống, đi xe đạp ngoài đường là cả một cuộc phiêu lưu mạo hiểm; ở ngôi làng cách thành thị chẳng bao xa, bọn chúa đất vẫn nắm trọn quyền sinh sát; những người mẹ nghèo đêm đêm đi trộm cắp để có cái cho con mình no bụng, bà lão bảy mươi đến thiếu niên mười mấy tuổi cũng bị bắt triệt sản hàng loạt để địa phương đủ chỉ tiêu... Và khó hình dung hơn cả là những phận người mong manh vẫn tồn tại được trong hoàn cảnh ấy.

Bốn nhân vật chính trong tác phẩm A fine balance (Cân bằng mong manh) gồm một góa phụ làm nghề may, hai bác cháu thuộc đẳng cấp thấp nhất lên thành thị mong đổi đời và cậu sinh viên Maneck có tâm hồn dịu dàng, nhạy cảm. Tác giả hẳn có dụng ý khi chọn ra những đại diện dễ tổn thương nhất mà mọi biến động xã hội đều hằn dấu lên cuộc đời họ.

Một Dina xinh đẹp, học giỏi phải nghỉ ở nhà lo cơm nước cho anh trai chỉ vì cô là nữ. Sau khi chồng mất phải làm tất cả mọi việc có thể để kiếm tiền, bởi chỉ cần thiếu hai tháng tiền nhà là cuộc sống tự lập mong manh của cô chấm dứt, phải trở lại cảnh ăn nhờ ở đậu chua xót.

Hai bác cháu Ishvar và Om chỉ vì "cả gan" học nghề may trong khi thuộc hàng tiện dân nên phải bỏ làng kiếm sống, có nghề hẳn hoi mà luôn nơm nớp lo sợ bởi bất kỳ lúc nào cũng có thể bị cảnh sát lùa khỏi khu ổ chuột tạm bợ đang sống, bị cưỡng bức triệt sản, bị ép vào trại lao động công ích...

Rồi Maneck không phải lo chuyện cơm áo, được học hành, nhưng càng hiểu biết càng thấy bất lực trước những nỗi đau nhan nhản quanh mình, cuối cùng phải chọn kết thúc tiêu cực để không phải nghe, phải thấy... Những số phận mong manh đó bị sóng đời đánh dạt lại gần nhau dưới một mái nhà, và sợi dây tình thương, sự đồng cảm cùng với tinh thần lạc quan kỳ lạ đã kết nối họ lại với nhau.

Hẳn phải có lý do khi Câu lạc bộ Sách Oprah bình luận cuốn sách đoạt giải Giller này gợi nhớ đến Dicken vào thời kỳ đỉnh cao. Tác giả không cố dựng nên một kết thúc có hậu hay kêu gọi một giải pháp lý tưởng, ông cuốn người đọc theo suốt gần nghìn trang viết bằng ngồn ngộn chi tiết sinh động trong đời sống những con người mải bận lo sinh tồn hằng ngày đến nỗi không có thời gian để kêu rằng mình khổ.

Họ bận nhắc con cái đừng đứng gần giếng nước của đẳng cấp cao kẻo bị đánh, bận canh giờ tàu chạy để kịp đi vệ sinh ngay trên đường ray, tính toán tiền bạc hằng ngày để nộp cho "ông trùm" khu vực hòng có chút yên bình tạm bợ; và cũng bởi thầm biết đời mình mong manh, họ cảm kích hết mức mỗi khi được uống một cốc trà, ăn cái bánh chiên, có một đêm ngủ yên hay nhận một cử chỉ tử tế nhỏ bé từ người xa lạ.

Với họ, chính trị gia chỉ là những khuôn mặt trên những tấm panô to tướng dựng bên đường, diễn thuyết vận động tranh cử là dịp kiếm chút tiền trà nước nếu chịu ngồi nghe cho xôm trò, và cảnh sát là thứ tai ương chuyên giật sập nhà và lùa bắt họ...

Con người vẫn luôn là sinh vật mong manh. Và xã hội mong manh đâu chỉ có xã hội Ấn Độ trong thập niên 1970. Cân bằng mong manh của Rohinton Mistry là cuốn sách mà khi gấp lại, ta thấy muốn nhìn quanh và nhìn lên, suy ngẫm.

Tôi tự hỏi một xã hội sẽ như thế nào khi những người dễ tổn thương nhất mất lòng tin vào tòa án, chính phủ, sợ hãi cảnh sát và coi tay trùm tháng tháng đi thu tiền "bảo kê” là chỗ dựa bởi ít ra gã cũng biết giữ lời hứa?

Một dân tộc dù có quá khứ vàng son liệu có trường tồn và phát triển không khi có những người trẻ trong Cân bằng mong manh ban đầu tràn đầy mộng tưởng và sôi sục ý chí đổi đời, song bị bào mòn bởi bất công diễn ra hằng ngày, phải chọn cách kết thúc đầy tiêu cực như Maneck hoặc hoàn toàn đầu hàng số phận như Om?

Một chính sách quốc gia liệu có thể coi là hiệu quả không khi chỉ "đạt" về "chỉ số hiệu quả” trên lý thuyết mà hoàn toàn thất bại trong đa số người dân và thậm chí làm dấy lên nỗi bất bình âm ỉ mà gây sức tàn phá lớn về sau? Chính sách "triệt sản cưỡng bức" của Ấn Độ một thời là ví dụ.

Có những người bạn nói với tôi rằng, họ ngại đọc những tác phẩm khiến phải suy tư nhiều, xúc động nhiều, vì đời đã quá mệt mỏi. Nhưng làm sao đông cứng mãi mãi cảm xúc và tinh thần khi con người vốn là "cây sậy biết suy tư”? Làm sao dám chắc mình không bị ảnh hưởng gì giữa kín cổng cao tường, vì dù ở đâu đi nữa, ta vẫn là một phần của nhân quần, với trách nhiệm lẫn ảnh hưởng từ bên ngoài không thể trốn tránh, nhất là khi mỗi cá nhân đều có thể tác động đến cuộc đời của rất nhiều người khác, hiện tại và sau này?

Cân bằng mong manh kết thúc bằng những nụ cười của những con người tưởng chừng không thể cười nổi nữa. Nhưng đằng sau tiếng cười đó là nỗi tuyệt vọng không đáy và sự dửng dưng hoàn toàn trước tương lai.

>Ấn Độ: Tìm kiếm một giấc mơ

>Các tỷ phú Ấn Độ thư giãn ở đâu?

>Ấn Độ: Kỷ lục về mất cân bằng giới tính 

>Ấn Độ: Tham vọng Mặt trời

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có một Ấn Độ hỗn loạn, cân bằng mong manh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO