Theo đó, về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025, tại Điểm g Khoản 5 Điều 1 dự thảo quyết định có ghi: “Bộ Tài chính chủ trì rà soát, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về quản lý chất lượng môi trường không khí; cân đối, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện các nội dung, chương trình ưu tiên thực hiện kế hoạch này theo quy định của pháp luật về thuế, về ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành”.
Với nội dung này, Bộ Tài chính cho rằng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022 có quy định một số nhiệm vụ mà Bộ Tài chính có trách nhiệm thực hiện. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 45 về phí thẩm định cấp giấy phép môi trường quy định: “Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cơ quan nhà nước ở trung ương.
Cùng với đó, Khoản 3 Điều 136 về chính sách thuế, phí về bảo vệ môi trường quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường, biểu khung, mức thuế, phí bảo vệ môi trường đối với từng đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường và phương pháp tính phí bảo vệ môi trường, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Điểm a Khoản 4 Điều 169 có quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quy định: phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (đối với hoạt động thẩm định do cơ quan trung ương thực hiện).
Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị sửa lại nhiệm vụ của Bộ Tài chính nêu tại Điểm g Khoản 5 Điều 1 dự thảo nghị định thành: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cơ quan nhà nước ở trung ương; phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động thẩm định do cơ quan trung ương thực hiện và các nhiệm vụ khác được giao liên quan đến quản lý chất lượng môi trường không khí theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ bổ sung nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Khoản 3 Điều 136 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về chính sách thuế, phí về bảo vệ môi trường nêu trên để Bộ Tài chính có cơ sở tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được quy định cụ thể, trong đó, có các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất với mức ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật về thuế, tiền thuê đất. Đồng thời, trong dự toán ngân sách hằng năm cũng đã đảm bảo bố trí không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Mặt khác, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công đã đặt ra yêu cầu “hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế". Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua cũng đã đề ra định hướng: “Sửa đổi chính sách thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư; mở rộng cơ sở thu, đảm bảo tính trung lập, công bằng của chính sách thuế...”. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị không đặt vấn đề xây dựng, ban hành thêm các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường.