James Khang và chuyện kinh doanh đoán ý khách hàng

ĐẶNG QUÝ YÊN| 09/03/2016 08:49

Gần 10 năm gắn bó với chương trình Thời trang và Cuộc sống của Đài Truyền hình TP.HCM, lợi thế của đạo diễn Nguyễn Quý Khang khi bước vào thương trường chính là việc anh nắm bắt chính xác thị hiếu.

James Khang và chuyện kinh doanh đoán ý khách hàng

Gần 10 năm gắn bó với chương trình Thời trang và Cuộc sống của Đài Truyền hình TP.HCM, lợi thế của đạo diễn Nguyễn Quý Khang khi bước vào thương trường chính là việc anh nắm bắt chính xác thị hiếu. Biết người dùng cần gì, biết các thương hiệu thời trang Việt Nam đang hạn chế ở điểm nào, thương hiệu thời trang James Khang của anh từng bước chinh phục thị trường. 

Đọc E-paper

Tích lũy kinh nghiệm

"Thú thật, tôi không nghĩ sẽ có ngày mình bước chân vào thương trường", Nguyễn Quý Khang, ông chủ thương hiệu thời trang James Khang, mở đầu câu chuyện như thế. Đam mê nghệ thuật, được đào tạo bài bản để làm đạo diễn sân khấu và đã định hình tên tuổi ở những chương trình nghệ thuật lớn của TP.HCM, những live show của các ca sĩ nổi tiếng nhưng anh lại ghi dấu ấn đậm nét ở lĩnh vực thời trang.

Dễ chừng anh đã có gần 10 năm miệt mài với vai trò dàn dựng chương trình Thời trang và cuộc sống của Đài Truyền hình TP.HCM, các đài truyền hình khác cũng như nhiều cuộc thi sắc đẹp trong cả nước. Khang cho biết, bản thân anh cũng như nhà đài không nghĩ là chương trình ấy lại có tuổi thọ lâu đến vậy.

Những kiến thức về thời trang, những bộ sưu tập của nhà thiết kế trong nước... lại là thứ khán giả rất cần. Tuy không có sự đột phá nhưng rating của chương trình luôn ở mức cao. "Càng làm, càng lắng nghe phản hồi của khán giả về những thiết kế mới, tôi lại càng thấy rõ nhu cầu của thị trường. Đến mức, chỉ cần nhìn mẫu là có thể dự đoán được sản phẩm ấy có thể tiêu thụ tốt hay không", Khang tiết lộ.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt lại là có không nhiều thương hiệu có thể mang đến những thiết kế người tiêu dùng mong đợi. Điều này khiến Nguyễn Quý Khang khá ấm ức. Trao đổi với người em thân thiết, nhà thiết kế trẻ Phùng Thanh Khang, hai anh em mới bật ra ý tưởng kinh doanh thời trang.

Để chắc chắn với dự án của mình, cả hai cùng bỏ thêm thời gian nghiên cứu thị trường, đầu tư khâu thiết kế... Đắn đo hơn một năm, cả hai mới quyết định chính thức kết hợp với nhau. James Khang ra đời, có sự tổng hòa của người chỉ đạo chiến lược, xây dựng thương hiệu là Nguyễn Quý Khang và người làm công tác sáng tạo Phùng Thanh Khang.

Chọn một mặt bằng khá khiêm tốn trên đường Võ Văn Tần, showroom của James Khang cũng là nơi đặt xưởng thiết kế. Nguyễn Quý Khang cho biết: "Giai đoạn khởi nghiệp, nếu đầu tư nhà xưởng may sẽ ngốn nhiều vốn và chi phí nuôi nhân công. Giải pháp tốt nhất là tìm đến đơn vị gia công có uy tín".

Giải quyết xong bài toán sản xuất, ở khâu chọn nguyên liệu, để có được nét riêng, không trùng lắp với những thương hiệu đã định hình, "song Khang" quyết định chọn vải khúc, là những mẫu vải nhập số lượng giới hạn nhưng chất lượng rất tốt, để làm nên sản phẩm. Đó chính là lý do vì sao các thiết kế của James Khang thường không nhiều nhưng là hàng hiếm, tầm 5 - 10 mẫu/thiết kế.

Để gió cuốn đi

Tại James Khang Boutique, không gian mua sắm được phân chia theo từng dòng sản phẩm công sở và đời thường. Khu vực lầu 2 dành hoàn toàn cho những bộ trang phục tiệc tối và là một không gian thu nhỏ, nơi những khách hàng thân thiết của thương hiệu James Khang Boutique được đội ngũ thiết kế trực tiếp tư vấn cho khách những mẫu phù hợp với nhu cầu và sở thích của từng cá nhân.

"Kinh doanh thời trang, khó nhất là giải quyết vấn đề cảm tính bởi người thiết kế và người kinh doanh thường "đụng" nhau trong vấn đề nhìn nhận thị trường", Nguyễn Quý Khang chia sẻ. Không dừng lại ở đó, huấn luyện nhân viên cũng là một thách thức bởi chỉ cần nhân viên bán hàng không hiểu được sản phẩm, không có cung cách phục vụ đúng mực cũng dễ khiến khách hàng phật ý.

Anh bày tỏ: "Đó chính là lý do tôi muốn James Khang đi từng bước một, chậm mà chắc. Nếu cứ chú tâm vào phát triển sản phẩm, tăng doanh số mà bỏ quên khâu đào tạo nhân viên, chăm sóc khách hàng là dễ mất cân bằng". Tết 2016 vừa qua, đội ngũ nhân viên của James Khang phải làm việc hết công suất mới kịp hoàn thành những đơn hàng phục vụ cho kỳ lễ lớn này. "Mệt nhưng vui vì biết mình đã đi đúng hướng", ông chủ trẻ hồ hởi.

Gặp Nguyễn Quý Khang trong chợ Bàn Cờ những ngày Rằm, cái vẻ tất tả của anh khác hẳn sự điềm đạm khi điều hành kinh doanh hay chỉ đạo các chương trình nghệ thuật. Xếp cái này, đặt cái kia..., luôn tay luôn chân vì chỉ trong một đêm, Khang cùng ê-kíp phải hoàn thành hơn 1.200 suất ăn chay từ thiện để sáng ra đem đến các bệnh viện, nhà mở... trao cho những người kém may mắn.

"Đây là công trình của tập thể, tôi chỉ là người đứng ra tổ chức", Khang bảo vậy. Anh kể, từ nhỏ, anh đã giữ truyền thống gia đình là ăn chay ngày Rằm, mùng Một nên khi đi làm, có điều kiện, anh chọn hình thức này để góp tay với cộng đồng. Ban đầu chỉ có anh và vài người bạn, sau nhiều năm miệt mài, nhóm thiện nguyện này đã trở nên chuyên nghiệp với các quy trình được phân công cụ thể và lượng người tham gia khá đông.

Người góp công, người góp của..., tất cả đều vui với đóng góp của mình. Khang cho biết, dù gánh việc thêm, cực hơn nhưng ai cũng nhiệt tình. "Làm từ thiện từ những việc nhỏ nhất, làm bằng chính sức lực của mình là đủ. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim và luôn được trân trọng", anh nhận xét.

>Kinh doanh thời trang: Áp lực từ hàng ngoại

>Kinh doanh thời trang chỉ với 10 triệu đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
James Khang và chuyện kinh doanh đoán ý khách hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO