Phát triển với công nghiệp 4.0: Điều kiện đủ

Minh Minh| 12/01/2023 00:00

Chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 được xem là động lực quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp. Nhưng đâu là những cơ sở thiết yếu để doanh nghiệp Việt thành công trên hành trình này?

TS. Vũ Thị Kim Oanh - Đại học RMIT cho biết: "Kết quả cho thấy doanh nghiệp đã có được điều kiện cần cho sự phát triển, đó là nhận thức rõ nét về cơ hội mà chuyển đổi số tạo ra. Tuy nhiên, việc thực thi chuyển đổi như thế nào đòi hỏi một chùm những điều kiện đủ, có thể quyết định tốc độ phát triển và thành công hay thất bại của doanh nghiệp".

Theo TS. Oanh, điều kiện đủ thứ nhất là sự chuẩn bị của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi tập hợp các nguồn lực dựa trên hiểu biết về chuyển đổi số gồm công cụ công nghệ phù hợp, nhân lực có khả năng thực thi và năng lực "đóng gói" được các kế hoạch triển khai cốt lõi. Trong đó, 82,5% các nhà quản lý muốn dành ưu tiên cho đào tạo, tiếp theo là truyền thông, xây dựng chính sách và tuyển dụng.

Để từng bước thích nghi với chuyển đổi số, bên cạnh sự hỗ trợ từ các yếu tố bên ngoài như chính sách của Chính phủ, bài học thành công từ những người đi trước, đầu ra của các ngành nghề liên quan (ví dụ như đào tạo, công nghệ...), khoảng 86,2% các nhà quản lý cho rằng hỗ trợ nội bộ là rất quan trọng.

"Doanh nghiệp đặc biệt cần sự chủ động từ đội ngũ nhân viên, thể hiện qua tinh thần sẵn sàng học hỏi, nỗ lực đồng hành vượt qua thay đổi khi đưa công nghệ vào vận hành và can đảm đối mặt với nguy cơ thất bại", TS. Oanh giải thích thêm. Theo TS. Abel Duarte Alonso, điều kiện đủ thứ hai là nhận diện kịp thời phản ứng của hệ thống, cụ thể là phản ứng của đội ngũ nhân viên.

-4035-1673321432.jpg

Kết quả nghiên cứu chỉ ra ba nhóm phản ứng chính từ nhân viên: thích nghi tích cực (45,5%), chưa thực sự sẵn sàng (38,2%) và thích nghi tiêu cực (16,3%). Phần lớn nhân viên tích cực thuộc gen Z (sinh năm 1997-2012). Họ chủ động và tiếp nhận công nghệ một cách nhanh nhạy, yêu thích khám phá, đặc biệt khi trải nghiệm được kết quả vượt trội mà công nghệ mang lại.

"Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ nhân viên thể hiện sự hoài nghi hoặc thiếu tự tin trước môi trường công nghệ mới, khiến họ chần chừ và chưa tích cực phối hợp hành động cùng tổ chức. Ngoài việc thiếu kiến thức bài bản về công nghệ và sợ mắc lỗi, họ ngại đối đầu với khối lượng công việc mới phát sinh trong giai đoạn đầu chuyển đổi", TS. Alonso cho biết.

"Nhiều người trong số họ phàn nàn về những tính năng phức tạp của ứng dụng mới và thậm chí quan ngại rằng họ có thể mất việc làm vì công nghệ mới. Ở cấp độ tiêu cực nhất, nhân viên tìm cách trì hoãn việc ứng dụng công nghệ và tệ hơn nữa là quyết định rời bỏ tổ chức".

Đưa ra các chiến lược phù hợp để quản trị quá trình chuyển đổi số là điều kiện đủ thứ ba, theo đánh giá của TS. Oanh. Đứng trước thách thức từ việc bộ máy nhân sự chưa sẵn sàng và có phản ứng tiêu cực như đã đề cập ở trên, 66,2% người đứng đầu doanh nghiệp cho biết họ cần phải thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết vai trò lãnh đạo của mình.

"Họ cần xây dựng niềm tin trong nhân viên, đồng thời cần dẫn dắt, truyền cảm hứng cũng như hỗ trợ nhân viên trong toàn bộ quá trình chuyển đổi thông qua các hoạt động định hướng, truyền thông nội bộ kịp thời, đào tạo giúp nâng cao nhận thức và trình độ cho nhân viên...", TS. Oanh nhận định. Ngoài ra, 41,2% ý kiến cho thấy lãnh đạo doanh nghiệp phải thể hiện quyết tâm thực thi kế hoạch hành động đã đề ra. 

Bên cạnh một tinh thần thép thì 40% ý kiến phản ánh rằng việc lắng nghe phản hồi của nhân viên là cần thiết để doanh nghiệp đưa ra được quyết định đầu tư chất lượng, cũng như chọn ra công cụ công nghệ sát với thực tế vận hành và được "may đo" để thực sự hữu ích cho người trực tiếp sử dụng công nghệ. Cuối cùng, hợp tác trải nghiệm của khách hàng và phương án phòng ngừa rủi ro là một số chiến lược cần thiết khác góp phần làm nên thành công của quá trình chuyển đổi số. 

Chủ nhiệm cấp cao ngành kinh doanh toàn cầu Đại học RMIT - TS. Erhan Atay nhận định: "Điều này cho thấy sự chuyển mình ấn tượng của thị trường Việt Nam trong thế giới số, trong đó phải kể đến đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp Việt thuộc mọi ngành nghề thông qua nhu cầu chuyển đổi số của họ. Việc các doanh nghiệp này đáp ứng được những điều kiện cần và đủ trong quá trình chuyển đổi không chỉ giúp hoạt động kinh doanh của chính họ phát triển, mà còn giúp gia tăng giá trị của cả nền kinh tế quốc dân".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển với công nghiệp 4.0: Điều kiện đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO