Công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản: Chưa phổ biến và còn khó

Hoàng Giang - Kim Ngân| 28/10/2022 06:00

Vấn đề ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản đã được bàn luận nhiều trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc phổ biến rộng rãi công nghệ này vào quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản vẫn là một việc khó, cần sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp (DN), nhà nông và người tiêu dùng.

-1893-1666679394.jpg

Xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng

Hiện nay, tỷ lệ người tiêu dùng kiểm tra tem nhãn sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hay không mua hàng đã gia tăng. Theo ông Đỗ Văn Long - CEO Công ty CP Vietnam Blockchain, thời gian gần đây, người dân Việt Nam quan tâm hơn đến thông tin hàng hóa được bày bán trên thị trường, trong đó họ đặc biệt chú ý đến nguồn gốc xuất xứ và quá trình làm ra sản phẩm, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Thậm chí, nhiều người còn sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua được những sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc. Ông Long cho biết, theo nghiên cứu của Tập đoàn IBM (International Business Machines), 71% người tiêu dùng sẵn lòng trả thêm 37% giá thành cho sản phẩm có thông tin xuất xứ minh bạch.

Từ năm 2019, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu tới năm 2025, tối thiểu 30% DN sản xuất phải ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thì mới được luân chuyển hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đều có quy định sản phẩm xuất khẩu nếu muốn được hưởng cơ chế giảm thuế thì phải chứng minh được quá trình sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam.

Trước nhu cầu từ thị trường và quy định xuất khẩu nghiêm ngặt của các tổ chức quốc tế, có thể thấy truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu mà DN và nông dân Việt Nam cần phải áp dụng. Theo ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, truy xuất nguồn gốc chính là nền tảng cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế 4.0. Đây là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của nông dân bằng nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho nhà nông, DN, người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần gia tăng giá trị nông sản địa phương và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch và bình đẳng. Trong đó, blockchain là một trong những công nghệ thường được áp dụng. 

Thông qua blockchain, DN và nhà nông lưu trữ quá trình tạo ra nông sản, từ công đoạn đầu tiên là chọn giống cho đến sản xuất, thu hoạch và phân phối, tạo thành "nhật ký sản xuất" cho mỗi đơn vị sản phẩm.

Hiện nay, nhiều loại nông sản đã ứng dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc, như cà chua bi của hợp tác xã Phong Thúy (Lâm Đồng), sâm Ngọc Linh của hợp tác xã Thanh Tâm (Kon Tum)... đặc biệt là xoài của hợp tác xã Mỹ Xương (Đồng Tháp) được xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2019.

Chưa thực sự phổ biến

Thế nhưng, việc áp dụng blockchain lại không hề dễ dàng, nên 5 năm gần đây, nhiều DN vẫn chưa mạnh dạn triển khai công nghệ này. Cris Duy Trần - Giám đốc Chiến lược của Huobi Global tại Việt Nam chia sẻ, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, server và dung lượng để lưu trữ công nghệ blockchain không phải rẻ. Do vậy, DN cần phải cân đối giữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng với giá trị được tạo ra bởi công nghệ blockchain.

Mặt khác, theo ông Long, là công nghệ mới, blockchain cần thời gian để được thị trường kiểm tra và đánh giá độ hiệu quả, sau đó mới có thể trở nên phổ biến. Về mặt pháp lý, quy định để một mã truy xuất nguồn gốc điện tử được công nhận như bản xác nhận truyền thống bằng giấy vẫn còn chưa hoàn thiện. 

-4865-1666679394.jpg

"Về phía người tiêu dùng, mặc dù đã bắt đầu tìm đến những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, nhưng kiến thức và thói quen quét mã để kiểm tra hoặc tham gia đóng góp ý kiến qua quét mã QR để DN hoàn thiện sản phẩm chưa cao. Vì thế, DN chưa có nhiều động lực để áp dụng triệt để giải pháp truy xuất nguồn gốc vào sản phẩm", ông Long phân tích.

Ông Long lưu ý thêm, blockchain là công cụ hỗ trợ cho những đơn vị thật sự muốn bảo vệ thương hiệu qua việc cung cấp thông tin sản phẩm một cách minh bạch. Vì vậy, nếu các đơn vị cố tình sử dụng sai mục đích, ghi nhận lên hệ thống nhật ký điện tử bằng chứng không trung thực về quy trình sản xuất đã đăng ký và quảng bá thì chính DN và nhà nông sẽ bị ảnh hưởng uy tín. 

Cần sự chung tay

Để việc ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản được phổ biến và phát huy tối đa giá trị, DN phải chuẩn hóa quy trình vận hành, có nguồn lực tham gia, đồng thời điều chỉnh quy trình cũ cho phù hợp khi có công nghệ hỗ trợ. Song song đó, người tiêu dùng phải tích cực quét mã kiểm tra và phản hồi với DN về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, qua đó tạo động lực để DN ghi nhận quá trình làm ra sản phẩm và không ngừng cải tiến chất lượng.

Thông qua blockchain, DN và nhà nông lưu trữ quá trình tạo ra nông sản, từ công đoạn đầu tiên là chọn giống cho đến sản xuất, thu hoạch và phân phối, tạo thành "nhật ký sản xuất" cho mỗi đơn vị sản phẩm.

Theo ông Bùi Bá Chính - Phó giám đốc Trung tâm Mã số - Mã vạch Quốc gia, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn cần tài liệu hướng dẫn, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật để người dân, DN, cơ quan quản lý dựa vào đó thực hiện. Việc có được sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư, ngân hàng, Nhà nước là hết sức cần thiết để DN vừa và nhỏ có đủ vốn áp dụng công nghệ mới.

Đối với trình độ sử dụng công nghệ của nông dân, theo ông Lê Đại Dương - Giám đốc Công ty TNHH VN Trade, các nhà sản xuất thiết bị ứng dụng phải tạo ra những phần mềm đơn giản để mọi người đọc, hiểu khi muốn tham gia chuỗi giá trị truy xuất nguồn gốc.

Chia sẻ cách làm của VN Trade, ông Dương cho hay, với những người không biết dùng điện thoại thông minh, VN Trade có đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ. Khi xuống thăm vườn, đội ngũ này sẽ ghi chép tình trạng cây trồng lên hệ thống, sau đó nông dân sẽ xác nhận lại những thông tin đã được ghi nhận. Để nâng cao hiểu biết về blockchain, cần tổ chức tọa đàm, hội thảo nhằm giúp các tổ chức, DN có cái nhìn toàn diện về xu thế phát triển của công nghệ này, đồng thời giúp các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ tiếp cận thị trường. Nhà nước cũng cần thành lập cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ về blockchain cho học viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản: Chưa phổ biến và còn khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO