Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức

Hồng Nga| 05/12/2019 08:00

Chuyển đổi số sẽ tiếp tục phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng đi kèm với nhiều cơ hội sẽ là những thách thức rất lớn, nhất là vấn đề an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.

Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức

Tiềm năng lớn

Chuyển đổi số với sự hỗ trợ của các công nghệ đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá sẽ tiếp tục phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) đang nổi lên như một công nghệ của tương lai với nhiều kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển, thậm chí sẽ thay đổi diện mạo và cách vận hành của nhiều ngành kinh tế, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. 

Theo báo cáo của International Data Corporation (IDC), ước tính trong năm 2019, thế giới sẽ chi 1,18 nghìn tỷ USD cho chuyển đổi số. Đến năm 2020, thị trường này sẽ mở rộng thêm 67% lên gần 20 nghìn tỷ USD và đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số (digital economy) dự kiến sẽ đóng góp 24,3% vào GDP toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty, tập đoàn công nghệ tham gia thành công vào lĩnh vực này sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi của kinh tế thế giới. 

Là một trong những quốc gia tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số với sự tăng trưởng vượt bậc trong ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam đang chứng kiến giai đoạn phát triển bùng nổ của các sản phẩm và dự án IoT. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sản xuất, giá trị của thị trường IoT tại Việt Nam đã chạm mức 1 tỷ USD vào năm 2018, dự kiến sẽ vượt ngưỡng 3 tỷ USD trong năm 2024. Trong khi đó, ba thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã đầu tư gần 5 tỷ USD cho các dự án xây dựng đô thị thông minh với ưu tiên hoàn thiện hạ tầng kết nối IoT. 

Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp cũng đầu tư mạnh cho vấn đề này và bắt đầu “gặt hái” thành công. Đơn cử là thương hiệu FPT. Định vị là công ty cung cấp giải pháp công nghệ, FPT Software đặt “chuyển đổi số” làm mũi nhọn với trọng tâm phát triển các dịch vụ chuyển đổi số toàn diện, dựa trên nền tảng các công nghệ cốt lõi như AI, Big Data, Blockchain... Tùy vào đặc thù lĩnh vực và nhu cầu của các doanh nghiệp, FPT Software còn tham gia tư vấn quá trình đào tạo nhân sự, phát triển hệ thống... giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện thành công chuyển đổi số. Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software cho biết, công ty cung cấp trọn gói các dịch vụ từ tư vấn chiến lược chuyển đổi số đến phát triển phần mềm và bảo trì, triển khai ERP, QA, chuyển đổi ứng dụng, hệ thống nhúng, điện toán di động, điện toán đám mây... trong nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào tài chính ngân hàng, sản xuất, logistics. Công ty đã và đang cung cấp dịch vụ cho hơn 600 khách hàng là các tập đoàn lớn trên toàn cầu, trong đó có khoảng 100 khách hàng nằm trong danh sách Fortune Global 500. Năm 2019, công ty đặt mục tiêu đạt 500 triệu USD doanh thu, và kết quả 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 222 triệu USD, lợi nhuận tăng hơn 35%.

Thách thức không nhỏ

Cơ hội mở ra càng nhiều thì thách thức đi kèm cũng không ít. Theo các chuyên gia, xu hướng chuyển đổi số hiện nay cùng những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp kết nối hàng triệu thiết bị IoT và mở ra các cơ hội phát triển đột phá cho các doanh nghiệp, tổ chức. Bởi khi càng nhiều kết nối được thiết lập, sẽ có càng nhiều dữ liệu quan trọng được số hóa và trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị IoT cùng với nguồn dữ liệu khổng lồ được sản sinh sẽ đặt ra những yêu cầu mới trong tiếp cận và triển khai các biện pháp an toàn thông tin cho các cơ quan và tổ chức.

Link bài viết

Chia sẻ tại hội thảo Smart IoT & Cyber Security 2019 do Hiệp hội Internet Việt Nam kết hợp với Tập đoàn IEC tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, IoT mang lại nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng tạo ra những thách thức. Nhất là trong vấn đề an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Nguy cơ sự cố mất an toàn thông tin mạng xuất phát từ thiết bị IoT đang gia tăng. Hiện Việt Nam là một trong ba quốc gia có không gian mạng kém an toàn nhất trên thế giới, với 6.219 vụ tấn công được ghi nhận chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019.

Các chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của các thiết bị IoT, tình hình bảo mật thông tin sẽ diễn biến phức tạp với nhiều lỗ hổng an ninh được hình thành; dẫn tới các hình thức tấn công đa dạng, tinh vi, đặt ra yêu cầu về việc nâng cấp, hoàn thiện năng lực dự báo, phòng ngừa và ứng phó của các cơ quan, tổ chức. Nhận thức được những thách thức và cơ hội đến từ việc ứng dụng IoT và chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, trong đó, tập trung “phát triển hạ tầng số”, đặc biệt là “phát triển hạ tầng IoT” và “bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an ninh, an toàn thông tin” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 

Để có thể phát triển lâu dài và bền vững hệ sinh thái IoT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách và giải pháp tổng thể để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ sinh thái này (dựa trên 5 đối tượng liên quan là cơ quan quản lý nhà nước; nhà sản xuất và phát triển giải pháp cho thiết bị IoT; doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng viễn thông và Internet; doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin và người sử dụng thiết bị IoT). Trong đó, xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nền tảng đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho IoT; xây dựng hành lang pháp lý theo hướng tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa đồng thời với việc xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin, khởi nghiệp cho IoT. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước nhất thiết phải đào tạo nguồn nhân lực phát triển IoT nói riêng và chuyển đổi số nói chung. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO