IR và giá trị doanh nghiệp

NHỊ GIANG| 21/06/2011 07:55

Thị trường chứng khoán Việt Nam không lạ lẫm với những câu chuyện doanh nghiệp niêm yết công bố sai lệch kết quả kinh doanh, và khi nhà đầu tư biết điều này thì giá cổ phiếu đi xuống. Đó là một ví dụ về công tác quan hệ với nhà đầu tư (Investor Relations - IR) kém, gây ảnh hưởng xấu đến giá trị doanh nghiệp.

IR và giá trị doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán Việt Nam không lạ lẫm với những câu chuyện doanh nghiệp niêm yết công bố sai lệch kết quả kinh doanh, và khi nhà đầu tư biết điều này thì giá cổ phiếu đi xuống.

IR tốt sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân cổ đông hiện hữu và thu hút thêm cổ đông mới

Đó là một ví dụ về công tác quan hệ với nhà đầu tư (Investor Relations - IR) kém, gây ảnh hưởng xấu đến giá trị doanh nghiệp. Vậy, vai trò thực sự của IR trong doanh nghiệp là gì? Và ở thời điểm thị trường chứng khoán đang “ảm đạm” như hiện nay, có cần thiết phải chú trọng IR không?

Công cụ tối ưu hóa giá trị doanh nghiệp

Không giống như PR (quan hệ công chúng), IR chưa phải là thuật ngữ phổ biến tại Việt Nam. Nhưng trên thế giới, khi thị trường chứng khoán có tuổi tính bằng con số trăm, IR là khái niệm rất phổ biến.

TS. Matthew Hibberd, Giám đốc chương trình cao học “Quản trị truyền thông” của Đại học Stirling (Anh) tại TP.HCM cho biết: “Khi hệ thống tín dụng quốc tế ngày một phát triển, các luật lệ, quy định về tài chính toàn cầu ngày càng tương đồng, thì hoạt động IR đang trở thành “sống còn” đối với doanh nghiệp”.

Ông cho rằng, “công ty cần phải xây dựng một bộ phận IR đúng nghĩa để giữ chân cổ đông hiện hữu và thu hút thêm nhiều cổ đông mới”. Trên thực tế, IR tốt có thể giúp giá cổ phiếu không thấp hơn giá trị doanh nghiệp, hay giúp công ty huy động vốn dễ dàng hơn
khi cần thiết.

Ông Lương Quang Hiển, Phó tổng giám đốc tài chính Công ty cổ phần Kinh Đô (mã cổ phiếu KDC, giá trị vốn hóa hơn 4.000 tỷ đồng) chia sẻ: “IR là một hoạt động không thể thiếu tại Kinh Đô. Việc niêm yết năm 2005, phát hành cổ phiếu thành công năm 2007, hoặc việc sáp nhập NKD và KIDO vào KDC không thể thiếu vai trò của IR”.

Như vậy, IR phải thật sự chủ động và cần được xem là một trong những công cụ chính để tối ưu hóa giá trị của công ty. Điều này khác với IR truyền thống trước đây chú trọng thuần túy đến việc cung cấp thông tin ra đại chúng, như cung cấp báo cáo thường niên, thông tin tài chính và kinh doanh, thông tin đại hội cổ đông...

IR truyền thống khá “thụ động”, nhắm vào việc phân tích cổ đông, theo dõi phản ứng thị trường, thu thập thông tin phản hồi...

Thời khủng hoảng càng cần IR

Có ý kiến cho rằng, thời khủng hoảng, cổ phiếu nào cũng “rớt giá” trong một thị trường chứng khoán Việt Nam “èo uột”, nên không cần chú trọng đến IR. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng Mai, Giám đốc truyền thông Công ty Vietstock (chuyên tư vấn về IR) nhận định: “Sự lên xuống của thị trường là hoàn toàn bình thường.

Chính trong những giai đoạn khủng hoảng này, doanh nghiệp nào biết làm IR tốt sẽ có khả năng tạo cho mình lợi thế vượt trội để tối ưu hóa giá trị doanh nghiệp”. Bà cho rằng, “Doanh nghiệp không chỉ cần vốn vào thời điểm này mà cả trong tương lai.

Thị trường có thể biến chuyển bất kỳ lúc nào, vì vậy lúc thị trường không sôi động là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp hoàn thiện chiến lược và hoạt động IR.

Doanh nghiệp có thể tạo sự khác biệt và chứng minh được giá trị của mình qua việc làm IR tốt. Có thể thấy rõ điều này khi các mã chứng khoán giảm giá không đáng kể đều là những công ty có bộ phận IR hoạt động khá tích cực và chuyên nghiệp”.

Bên cạnh đó, làm IR không có nghĩa là “giấu nhẹm” mọi tin tức bất lợi để làm hài lòng cổ đông. Ông Võ Đắc Khôi, Giám đốc kế hoạch Công ty Xây dựng Hòa Bình (mã cổ phiếu HBC) cho biết: “Đối với các thông tin tiêu cực, công ty vẫn chủ động cung cấp cho cổ đông theo đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, công ty còn chủ động cung cấp thêm thông tin về các phương án giải quyết khó khăn, các phân tích, nhận định tích cực về triển vọng trong tương lai”.

Ông dẫn chứng: “Năm 2008, giá vật tư tăng vọt nên HĐQT và Ban giám đốc phải chuyển nhượng dự án Hòa Bình Tower ở khu Phú Mỹ Hưng, để cắt lỗ và chuyển tiền mặt vào các dự án xây lắp lớn do HBC làm thầu chính.

HBC hạch toán lỗ trong việc bán dự án này, nhưng sự giải thích rõ lý do và phân tích những mặt tích cực mang lại cho công ty về sau đã làm cổ đông yên lòng”. Sau đó, kết quả kinh doanh của HBC có nhiều chuyển biến tích cực.

Và, liên tiếp hai đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2009 và 2010, tỷ lệ bỏ phiếu đối với các vấn đề trong tờ trình của HĐQT đều đạt đồng thuận tuyệt đối 100%.Tổ chức bộ phận IR thế nào?

IR là một bộ phận của truyền thông doanh nghiệp, bên cạnh truyên thông nhãn hiệu, quan hệ công chúng, truyền thông nội bộ... Vì còn mới mẻ nên IR thường chưa được các doanh nghiệp Việt Nam thiết lập như một bộ phận độc lập. Nhiều công ty đặt bộ phận IR vào
trong phòng marketing với lý luận là IR là xây dựng thương hiệu với nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hồng Mai nhận định: “Đối với phương pháp tiếp cận IR mới, IR phải là một bộ phận độc lập và chịu sự quản lý trực tiếp của CEO (Giám đốc điều hành) hoặc CFO (Giám đốc tài chính).

Phụ trách IR là người phát ngôn, xử lý tình huống, tư vấn cho CEO hay CFO làm thế nào để đưa thông tin mình cần truyền tải ra công chúng một cách hiệu quả nhất”.

Trên thị trường chứng khoán, công ty niêm yết có trách nhiệm cung cấp thông tin ra đại chúng theo quy định công bố thông tin của pháp luật, và Chủ tịch HĐQT chịu trách nhiệm cao nhất trong việc này.

Tuy nhiên, ở Công ty Kinh Đô, việc công bố thông tin được ủy quyền cho tổng giám đốc. IR là một chức năng trực thuộc phòng Tài chính chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các phòng ban khác chuẩn bị thông tin cung cấp cho nhà đầu tư.

Ông Lương Quang Hiển cho rằng, “Đối với một công ty niêm yết, thông tin nhanh chóng, đầy đủ và minh bạch là điều quan trọng nhất. Bên cạnh các kênh thông tin chính thống như truyền thông, báo chí, internet..., việc tiếp xúc riêng với các nhà đầu tư cũng giúp trao đổi thông tin cụ thể, tập trung và sâu sắc hơn. Vì từng nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức, trong nước hoặc nước ngoài) có các mục tiêu và chiến lược đầu tư khác nhau”.

Ông cũng nhận định: “Để hoạt động IR được hiệu quả, bên cạnh các yếu tố nội lực, cần phải phối hợp với các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, các công ty chứng khoán và các cơ quan truyền thông báo chí”.

Ông Võ Đắc Khôi cho biết: “Ngoài công bố thông tin theo đúng quy định của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, HBC rất chú trọng đến truyền tải thông tin trên trang web của công ty và các báo, đặc biệt là báo mạng. Quan hệ tốt, cung cấp thông tin nhanh chóng cho bộ phận phân tích và môi giới của các công ty chứng khoán là một kênh tốt để HBC tiếp cận nhà đầu tư”.

Ông cho rằng, “muốn làm IR thành công, cần có một chiến lược truyền thông hiệu quả để chuyển tải thông điệp truyền thông đến đúng đối tượng nhà đầu tư được nhắm đến.

Thiếu một chiến lược truyền thông hiệu quả, hoạt động IR có thể bị hiểu nhầm, gây tác dụng ngược đối với nỗ lực của doanh nghiệp nhằm thỏa mãn cổ đông”. Cuối cùng, nhân sự cho bộ phận IR cũng là chuyện phải cân nhắc.

Ông Lương Quang Hiển chia sẻ: “Tại Kinh Đô, người làm IR thường phải tiếp xúc với các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, nên nhà IR giỏi trước tiên phải có kiến thức trong lĩnh vực quản trị kinh doanh và tài chính. Kế đó, phải thiết lập được chiến lược và quy trình IR cho công ty, đặc biệt là hoạch định sẵn các giải pháp IR nếu công ty rơi vào hoàn cảnh khó khăn”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Mai đúc kết: “Người làm IR không chỉ am hiểu về truyền thông, marketing cho sản phẩm đặc thù của doanh nghiệp, mà còn phải am hiểu về thị trường tài chính - chứng khoán để có khả năng ứng phó với nhà đầu tư”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
IR và giá trị doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO