Bà Sherpa cho biết lạm phát của Việt Nam thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực, cho đến gần đây hầu như chỉ giới hạn ở một số loại hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ tiêu thụ nhiều nhiên liệu như vận tải.
Người tiêu dùng hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá thực phẩm toàn cầu vì nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm ngoái và thói quen tiêu thụ gạo vẫn rẻ hơn lúa mì cũng như các loại ngũ cốc khác.
Bà Sherpa cho biết, đầu tiên việc chuyển hướng công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào tháng 3 qua là yếu tố quan trọng và chìa khóa quan trọng đem lại hiệu quả.
Thứ hai, mức lãi suất thấp và chính sách tiền tệ thích ứng nói chung cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng trở lại hoạt động sản xuất khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Thứ ba, việc giảm thuế và hỗ trợ cho người lao động trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (PRD) cũng giúp nền kinh tế lấy lại động lực.
Thứ tư, việc cắt giảm thuế môi trường và các loại thuế, phí khác đối với các sản phẩm dầu mỏ (thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế tiêu thụ đặc biệt) giúp giảm bớt tác động của giá dầu thế giới cao hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp Việt Nam.
Cuối cùng, việc đóng băng giá đối với một số dịch vụ, bao gồm điện, y tế và giáo dục, cũng góp phần giữ cho lạm phát trong tầm kiểm soát cho đến nay.
Tuy nhiên, khi nói về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm tới, bà Sherpa cho rằng sẽ gặp phải những thách thức lớn từ bên ngoài. Ngoài ra, những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang bị chậm lại. Điều này ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Bà cũng dự báo mức tăng trưởng kinh tế 2023 của Việt Nam có thể giảm xuống mức 2,7%.