* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa cho biết cần một năm để xây dựng và vận hành hệ thống VNTLSAS (hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam) cũng như cơ chế cấp phép FLEGT, ông nhận xét thế nào về kế hoạch này?
- Thời gian một năm là mục tiêu tham vọng. Việc thiết lập hệ thống kiểm soát VNTLSAS là việc rất phức tạp, tôi nghĩ rằng công việc này cần thời gian hai năm. Hệ thống VNTLSAS không chỉ liên quan đến cấp trung ương mà còn cả các địa phương, với những quy trình rất phức tạp, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Đưa ra mục tiêu là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thực hiện mục tiêu đó.
* Nhưng điều gì sẽ đến khi Việt Nam hoàn tất việc xây dựng VNTLSAS cũng như cơ chế cấp phép FLEGT?
- Việt Nam là quốc gia thứ hai ở châu Á mà EU đã ký kết VPA/FLEGT, chỉ sau Indonesia. Ngành gỗ Việt Nam sẽ phát triển mạnh khi VPA/FLEGT được thực thi, bởi Việt Nam đang có nguyên liệu rừng trồng cũng như xuất khẩu lớn và ổn định. Hơn nữa, khi Việt Nam xây dựng được hệ thống VNTLSAS và có được giấy phép FLEGT, các doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp và có khả năng cạnh tranh hơn. Những doanh nghiệp xuất khẩu không có giấy phép FLEGT sẽ bị loại ra khỏi thị trường châu Âu.
* VPA có hiệu lực giữa lúc gỗ lậu từ Campuchia vẫn bị EU cho là “nhạy cảm” đối với đồ gỗ nhập từ Việt Nam. Theo ông, nên hiểu vấn đề này theo hướng nào?
- Xử lý vấn đề gỗ lậu từ Campuchia đòi hỏi mất nhiều thời gian vì đây là vấn đề phức tạp do có nhiều bên liên quan.
Các thành viên Nghị viện Châu Âu đã rất thẳng thắn về vấn đề khai thác gỗ trái phép và buôn lậu gỗ từ Campuchia. Ngoài việc thông báo đến các doanh nghiệp châu Âu, Nghị viện cũng công bố nhiều thông tin và ảnh vệ tinh về tình trạng phá rừng, thậm chí cả biển số xe vận chuyển gỗ ở Campuchia. Phía Liên minh Châu Âu (EU) đã có những trao đổi qua lại với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhưng những vấn đề này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu, tôi và một ông Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã đến khu vực biên giới Campuchia - Việt Nam để xem xét tình hình buôn lậu gỗ. Chúng tôi nhận thức rõ những vấn đề liên quan đến nguồn gốc gỗ và thống nhất cần có những giải pháp phù hợp để xử lý thích đáng vấn đề này.
* Theo quan sát của ông tại phiên điều trần mới đây, có khả năng EU không cấp giấy phép FLEGT cho Việt Nam vì những vấn đề bị cho là nhạy cảm?
- Đúng như vậy. Phía Nghị viện Châu Âu hoàn toàn có quyền phản bác giấy phép do Ủy ban Châu Âu (EC) hỗ trợ Việt Nam xây dựng khi họ cảm thấy không đủ chất lượng. Do đó, Chính phủ Việt Nam bắt buộc phải xây dựng hệ thống giấy phép đảm bảo mức độ tuân thủ như đã cam kết trong VPA/FLEGT. Điều đó có nghĩa, Việt Nam phải rất cặn kẽ trong các điều khoản để đảm bảo không có gỗ bất hợp pháp lọt vào chuỗi này.
* Trong trường hợp Việt Nam không được cấp giấy phép FLEGT thì sẽ tác động thế nào đến việc thực thi VPA/FLEGT?
- Nếu quá trình thực hiện VPA/FLEGT, phía Nghị viện Châu Âu phát hiện có vấn đề về chất lượng, chúng tôi sẽ có các cuộc tham vấn để làm rõ. Sau quá trình tham vấn, nếu vẫn không giải quyết được vấn đề của Việt Nam, phía Nghị viện Châu Âu sẽ đưa thẻ đỏ và đóng cửa thị trường đối với đồ gỗ Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam.
Vì thế, ngay khi Nghị viện Châu Âu chấp nhận hệ thống VNTLSAS, tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực để không xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện. Tôi nghĩ rằng, trong năm tới, Việt Nam sẽ có rất nhiều công việc cần giải quyết để giấy phép FLEGT được ban hành. Áp lực lớn nhưng điều đó rất tốt cho Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công.
* Xin cảm ơn ông!