HUBA sẽ kiến nghị ba vấn đề với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Hồng Nga| 01/10/2021 07:48

Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn trước khi Hội nghị trực tuyến Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM diễn ra vào ngày mai (2/10), ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, để sản xuất được trong trạng thái bình thường mới còn rất nhiều khó khăn mà DN phải đối mặt. HUBA sẽ đưa ra 3 kiến nghị cụ thể về công tác phòng chống dịch; ban hành và tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ DN và điều chỉnh chính sách.

HUBA sẽ kiến nghị ba vấn đề với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

* Ông có thể cho biết những khó khăn của DN TP.HCM trong thời gian qua?

- Thời gian qua, các DN rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh trong thời gian từ ngày 9/7 đến nay. Chỉ chưa đến 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”. 

Các DN còn duy trì hoạt động chủ yếu để bảo đảm sản xuất cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và duy trì chuỗi cung ứng xuất khẩu theo các đơn hàng đã ký kết và duy trì đội ngũ công nhân chủ chốt, nhưng chi phí cao, thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được. Khách hàng tụt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dòng tiền bị thu hẹp đáng kể, thậm chi không đủ trả nợ tiền vay và lãi tiền vay đến hạn. Đã vậy, chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng. 

Trong khi đó, tác động của phí vận chuyển trong hoạt động logistics làm điêu đứng các DN xuất nhập khẩu. Giá phí vận chuyển container tăng 4-5 lần so với trước dịch làm tăng giá sản phẩm Việt Nam bán ở nước ngoài, từ đó giảm mạnh lợi thế so sánh khi xuất khẩu, cũng như gia tăng giá đầu vào hàng nhập khẩu, gây khó khăn cho lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa.

DN đóng cửa, phá sản tăng khiến số lao động mất việc không nhỏ. Có đến vài trăm ngàn người lao động phải rời thành phố về quê để tránh dịch và nương nhờ gia đình. Một bộ phận người lao động bị tác động của đại dịch có tâm lý hoảng loạn, sang chấn tâm tý, không muốn quay lại DN làm việc, hoặc về tỉnh rồi không muốn quay lại thành phố tiếp tục làm việc. Đây sẽ là khó khăn lớn khi các DN đang phục hồi sản xuất, và có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phục hồi kinh tế thành phố trong thời gian tới.

* Hiện TP.HCM đã mở cửa, các DN đã tái sản xuất, kinh doanh nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, thưa ông? 

- Việc được trở lại sản xuất là mong muốn bao lâu nay của DN nhưng để sản xuất được trong trạng thái bình thường mới còn rất nhiều khó khăn mà DN phải đối mặt. 

Đầu tiên là phải tổ chức lại sản xuất theo điều kiện bình thường với phương thức sản xuất, kinh doanh phải thay đổi so với trước. DN phải bỏ công sức, tiền của để thay đổi mọi thứ cho an toàn, thậm chí là thay đổi cả thói quen. Nhưng để sự thay đổi đó thống nhất trong một tổ chức thì toàn bộ quy chế hoạt động, văn hoá DN cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp. Những điều này, DN không thể thay đổi ngay được mà cần nhiều thời gian và có tiến trình.

Thứ hai là khó khăn liên quan đến tài chính. Sau thời gian sản xuất theo mô hình mới, gần như các DN đã cạn dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh. Vì thế, để tái hoạt động DN rất cần hỗ trợ dòng tiền.

Khó khăn thứ ba là nguồn người lao động. Có hai vấn đề mà DN đang đối mặt. Đó là quản lý người lao động hiện nay rất khác với người lao động ngày xưa. Người lao động phải đảm bảo “3 xanh”: nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh. Đã vậy, sự thiếu hụt lao động đang diễn ra ở hầu hết các DN và làm cách nào để “thu dung” những lao động đã nghỉ việc về các tỉnh thời gian qua là cả một vấn đề. Trong vài ba tháng đầu, chắc chắn DN rất khó tuyển dụng đủ cho nhu cầu sản xuất vì bản thân người lao động trở về quê đã không muốn quay trở lại. 

* Vậy trong tiếp xúc cử tri DN trên địa bàn TP.HCM của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào ngày mai (2/10), các DN TP.HCM sẽ kiến nghị những vấn đề cụ thể nào, thưa ông?

-  Sẽ có 3 kiến nghị cụ thể về công tác phòng chống dịch, về ban hành và tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ DN, và về điều chỉnh chính sách ban hành được HUBA trình bày với các đại biểu Quốc hội.

Về công tác phòng chống dịch, các DN mong muốn Chính phủ, chính quyền địa phương công bố công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch, bộ tiêu chí phòng chống dịch, kịch bản điều hành kinh tế xã hội tương ứng với các tình huống. Song song đó, phải có hướng dẫn người dân, DN xử lý các tình huống để DN và người dân có đủ thông tin, hiểu biết, sự đồng thuận cao và chủ động điều chỉnh kế hoạch mục tiêu sản xuất kinh doanh kịp thời, phù hợp với điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ và địa phương.

Thời gian qua, nhiều cơ quan ban hành các ứng dụng, chồng chéo, Chính phủ cần khẩn trương ban hành một ứng dụng duy nhất áp dụng toàn quốc để người dân, DN sử dụng. Từ đó, các DN có có cơ hội tra cứu, nắm bắt được thông tin liên quan đến nguồn nhân lực lao động của DN, thuận lợi trong bố trí sử dụng lao động phù hợp với tiêu chí an toàn.

Về các chính sách hỗ trợ DN, phục hồi kinh tế cần ban hành theo đối tượng DN và mục tiêu phục hồi kinh tế. Cụ thể, với DN có khả năng phục hồi nhanh, có khả năng đóng góp cao cho nên kinh tế cần tập trung các hỗ trợ để họ phục hồi nhanh để nâng hiệu quả nền kinh tế, để làm đầu tàu kéo các DN khác.

Các DN còn có khả năng phục hồi thì áp dụng chính sách để giảm số DN phá sản, chấm dứt sản xuất do tác động của dịch bệnh. Với nhóm DN không thể quay lại sản xuất nữa, cần chính sách hỗ trợ an sinh xã hội để DN và người lao động ổn định cuộc sống chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất khác. 

Bên cạnh đó, các DN đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tài chính, để các tổ chức tài chính có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, hỗ trợ DN được tiếp cận vay vốn mới, với lãi suất vay thấp phục hồi lại được sản xuất. 

Về điều chỉnh chính sách đã ban hành, các DN thuộc HUBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo để ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và kéo dãn thời gian trả nợ vốn, lãi vay tương ứng với thời gian cơ cấu lại các khoản nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 14 vừa ban hành. Đồng thời cho phép mở rộng room cho vay đối với các DN để có vốn phục hồi sản xuất.

Để giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ phục hồi sản xuất sau dịch, các DN đề nghị Chính phủ chỉ đạo giảm thu phí giao thông đường bộ ít nhất 50% hoặc miễn thu trong thời gian 2 năm, giúp DN giảm các chi phí vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu.

Với gói hỗ trợ tiền điện, nên mở rộng đối tượng và giảm mạnh hơn cho người dân và DN. Với gói hỗ trợ viễn thông, nên thiết thực hơn để nhiều người có thể tiếp cận và được hưởng, chẳng hạn nên giảm giá cước 20-30% trong 3 tháng, thay vì cách hỗ trợ bằng nâng cấp hạ tầng, khuyến mại cho một số đối tượng như hiện nay…

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
HUBA sẽ kiến nghị ba vấn đề với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO