DN tại TP.HCM cho biết đang “ngấm đòn” Covid-19 và khủng hoảng Nga - Ukraine. Với ngành may mặc, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt (châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%), tồn kho chiếm 20-25% dẫn đến quý IV/2022 và quý I/2023, khách hàng hạn chế hoặc không đặt hàng.
Cụ thể, đơn hàng cho tháng 11-12/2022 thiếu khoảng 35-50%, hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 40%. Hệ quả là nhiều DN của Hội DN Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022.
Đơn hàng cũng sụt giảm nghiêm trọng ở ngành chế biến gỗ khiến nhiều DN hoạt động cầm chừng, nhất là DN nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do DN nước ngoài và DN FDI). Chỉ có 10% DN còn 50% đơn hàng, có 50% DN còn 30-40% đơn hàng, các DN còn lại không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao và DN thiếu dòng tiền để hoạt động.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành vật liệu xây dựng cũng sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm là Mỹ, Nhật Bản, các nước EU. Thống kê của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM cho thấy, giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%. Thị trường trong nước cũng sụt giảm khi đầu tư công và bất động sản đóng băng, người lao động mất việc làm.
Nguồn lực dự trữ của rất nhiều DN đã cạn và hầu hết rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Lý do được các ngân hàng đưa ra là đang hết room tín dụng, không đủ nguồn tiền gửi để cho vay, DN không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định để vay vốn.
Với những khó khăn trên, thay mặt DN thành phố, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) đã kiến nghị Nhà nước một loạt biện pháp hỗ trợ DN về vốn và tín dụng, thị trường trái phiếu và bất động sản, về thuế...
Về vốn và tín dụng, ngân hàng cần nhận diện khó khăn để hỗ trợ DN bằng cách mở rộng room tín dụng cho các tổ chức tài chính có tiềm lực tài chính lành mạnh, huy động các nguồn tiền gửi chưa dùng tới của ngân sách nhà nước để cho vay, cũng như việc nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay... Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội để đưa vào kinh doanh nhằm hạ lãi suất vay. Việc khống chế tỷ lệ biên độ lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.
Nhà nước cũng cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay một năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ năm 2021. “Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước công bố sớm chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các ngân hàng thương mại cân đối thực hiện, tôn trọng và giữ đúng cam kết giải ngân vốn với khách hàng để tránh đưa DN vào tình trạng bất ngờ”, ông Hòa nhấn mạnh.
Về thị trường trái phiếu và bất động sản, kiến nghị Chính phủ có chính sách cho DN phát hành gia hạn, mua lại hay tất toán các khoản nợ với trái chủ. Theo đó, trái phiếu của tài sản đảm bảo và có kỳ hạn một năm trở xuống được gia hạn 12 tháng, trái phiếu có kỳ hạn ba năm trở lên được gia hạn 18 tháng. Nhà nước cần xây dựng gói chính sách ổn định thị trường bất động sản để không làm tình trạng xấu hơn, ảnh hưởng tới nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này không áp dụng đại trà cho tất cả DN, các bất động sản mà có tiêu chí lựa chọn cụ thể.
Về thị trường trái phiếu và bất động sản, kiến nghị Chính phủ có chính sách cho DN phát hành gia hạn, mua lại hay tất toán các khoản nợ với trái chủ. Theo đó, trái phiếu của tài sản đảm bảo và có kỳ hạn một năm trở xuống được gia hạn 12 tháng, trái phiếu có kỳ hạn ba năm trở lên được gia hạn 18 tháng.
Về thuế, Nhà nước nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% cho tất cả ngành kinh tế, không giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023. Bên cạnh đó, các loại thuế khác (thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt...) cũng cần được xem xét miễn, giảm để chia sẻ khó khăn DN và khuyến khích phát triển kinh tế trong thị trường cạnh tranh quốc tế khó khăn hiện nay.
Nhà nước cũng cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho DN. Những trường hợp bê trễ cần có hình thức xử lý kỷ luật để tạo ra tác phong chuyên nghiệp trong đội ngũ công chức và giúp DN phát triển.
Riêng với lãnh đạo TP.HCM, HUBA đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ, thực hiện thiết chế pháp lý để giảm khoản chi phí không chính thức.
Cần xem xét mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ chương trình kích cầu đầu tư để chương trình có hiệu quả lan tỏa và DN được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn. Cần tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp chủ quyền đất đai, nhà xưởng (thuê hoặc mua), hoàn công để DN, người dân có chủ quyền đất thế chấp vay ngân hàng đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Thành phố cũng cần xem xét lại chính sách cho thuê đất, tạo điều kiện cho DN được thế chấp giá trị đất thuê và tài sản trên đất thuê để vay vốn ngân hàng, từ đó khuyến khích DN ở lại thành phố thay cho xu hướng chuyển dịch về các tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) như hiện nay.
Bên cạnh đó, nên tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại kết nối trực tiếp với các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Ấn Độ, EU... Đặc biệt, tăng cường công tác dự báo, thông tin về thị trường xuất khẩu cũng như kịp thời hướng dẫn DN xuất khẩu thực thi những quy định mới phát sinh để DN tăng khả năng ứng phó hiệu quả.