Ung thư cổ tử cung (ung thư CTC) là một trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt phụ nữ ở độ tuổi từ 15 – 44, tỷ lệ tử vong vì ung thư CTC cao thứ 5 so các loại ung thư khác. Theo thống kê của HPV Information Center, năm 2018, Việt Nam có khoảng 4.177 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong do ung thư CTC, trung bình, mỗi ngày có 7 phụ nữ trên cả nước tử vong vì căn bệnh này.
HPV (Human Papilloma virus) là loại vi rút gây u nhú lây nhiễm qua đường tình dục, và thường ảnh hưởng đến sức khỏe của 4 trong 5 phụ nữ ở một số giai đoạn trong cuộc đời. Hầu hết các chủng HPV đều không có triệu chứng, vô hại và được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua hệ miễn dịch tự nhiên của mỗi người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ nữ sẽ không có nguy cơ mắc bệnh ung thư CTC. Bằng cách phát hiện sớm hơn nguy cơ ung thư CTC, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp, đưa ra các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ hoặc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung tiến triển.
Có hơn 100 chủng HPV, trong đó, chủng 16 và 18 là nguyên nhân dẫn đến 70% các trường hợp ung thư CT. Ung thư CTC có thể xảy ra với bất kỳ người phụ nữ nào trong độ tuổi từ 20-45, đây là giai đoạn quan trọng khi phụ nữ bước vào giai đoạn làm vợ, làm mẹ, chăm sóc cho gia đình và con cái. Ung thư CTC gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc về thể chất và tinh thần không chỉ cho người bệnh mà còn với gia đình, xã hội.
Thông thường, người nhiễm HPV không có triệu chứng rõ rệt. Thường mất 10 - 15 năm để phát triển thành bệnh ung thư cổ tử cung7. Một số thống kê cho thấy hơn một nửa số người bệnh đã không được tầm soát ung thư CTC trong 5 năm trước đó, dẫn đến nhiều trường hợp người bệnh chỉ phát hiện mắc ung thư CTC khi bệnh tiến triển. Do đó, mỗi người cần chủ động tầm soát nguy cơ lây nhiễm bằng cách xét nghiệm định kỳ.
Với độ nhạy cao từ 90-95%, xét nghiệm HPV DNA giúp phát hiện sự hiện diện của 14 chủng HPV nguy cơ cao, trong đó có HPV 16 và 18 trong tế bào cổ tử cung, ngay cả khi tế bào cổ tử cung chưa có sự biến đổi bất thường. HPV DNA là phương pháp xét nghiệm đầu tay (xét nghiệm tầm soát chính bước đầu) đã đem lại hiệu quả về lâm sàng, y tế và kinh tế, được đưa vào chương trình tầm soát quốc gia của nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Thụy Điển…
Ung thư CTC cũng là gánh nặng y tế toàn cầu khi là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 5% các bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới. Ung thư CTC ngày càng trẻ hóa vì độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục của bé gái sớm hơn, dẫn đến nguy cơ nhiễm HPV và ung thư ở tuổi đời còn rất trẻ. Do đó, tầm soát ung thư CTC ngày càng quan trọng vì nếu được thực hiện sớm, tỷ lệ phát hiện tiền ung thư CTC là 98%. Nhưng khi bệnh đã tiến triển thành ung thư và xâm lấn các cơ quan khác, chỉ 20% phụ nữ sống sót sau 5 năm.
“Cứ 1 trong 2 phụ nữ Singapore phát hiện bệnh ung thư CTC đều tử vong bởi căn bệnh này. Nguyên nhân lớn nhất là do việc phát hiện bệnh trễ dẫn đến khó khăn trong điều trị bởi vì tỷ lệ điều trị thành công chỉ đạt 16%. Biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện và phòng ngừa bệnh ung thư CTC vẫn là thực hiện tầm soát ung thư CTC bằng những biện pháp tiên tiến. Tại Singapore, phương pháp phết tế bào được áp dụng cho phụ nữ trong độ tuổi từ 25–29, phụ nữ trên 30 tuổi được sàng lọc bằng phương pháp HPV DNA do có độ nhạy cao. Điều quan trọng là nếu HPV âm tính, phụ nữ sẽ có rủi ro không đáng kể về nguy cơ mắc ung thư CTC trong 5 năm tới.” TS.BS. Quek Swee Chong, Giám đốc Y Khoa, Bệnh viện Glenegles, Singapore chia sẻ.