Hợp tác công-tư: Kênh huy động vốn quan trọng đưa TPHCM phát triển

Lê Anh| 27/03/2019 07:53

Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) phải là mô hình hợp tác để các bên liên quan đều có lợi. Các khung pháp lý, quy định và thể chế cũng phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp các nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn với mức độ chắc chắn nhất định về những khuôn khổ pháp lý và thể chế nói trên, trong đó đã tính đến các rủi ro.

Hợp tác công-tư: Kênh huy động vốn quan trọng đưa TPHCM phát triển

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại “Hội thảo quốc tế về hợp tác công tư trong một số lĩnh vực ở TPHCM”. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại “Hội thảo quốc tế về hợp tác công tư trong một số lĩnh vực ở TPHCM” do UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank), tổ chức ngày 27/3.

Hợp tác công tư là giải pháp quan trọng huy động vốn

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM cho biết, để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) của Thành phố, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2016-2020 là 326.556 tỷ đồng (khoảng hơn 14 tỷ USD). Trong khi đó, khả năng cân đối từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư.

Chính vì vậy, ngoài nguồn vốn cân đối từ nguồn thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, Thành phố đã tập trung huy động vốn cho đầu tư bằng nhiều hình thức để tạo nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn, trong đó đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là một trong những giải pháp quan trọng.

Theo thống kê từ Sở KH&ĐT TPHCM, tính từ năm 2000 đến thời điểm hiện nay có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 69.869 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD); trong đó có 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa.

Bên cạnh đó, Thành phố đang tiếp tục thực hiện 130 dự án (hiện đang ở bước chuẩn bị đầu tư như lập, phê duyệt đề xuất dự án; lập phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng dự án) với tổng mức đầu tư dự kiến là 380.947 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, hợp tác công tư được xem là một trong giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhất là các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TPHCM.

Điều này thực sự có ý nghĩa hơn khi trong thời gian vừa qua, số lượng dự án hợp tác công tư chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của Thành phố nhưng nguồn lực xã hội đã huy động gấp 3 lần tổng nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Như vậy, một dự án hợp tác công tư có thể giúp Thành phố huy động khoảng 3.000 tỷ đồng từ xã hội. Đây là một nguồn lực đầu tư khá lớn; trong khi mỗi năm ngân sách chỉ có thể cân đối khoảng 30.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, mặc dù đạt được một số mặt tích cực, tuy nhiên trong thực tiễn triển khai cho thấy còn nhiều thách thức, rào cản cần vượt qua để nâng cao hiệu quả giữa các hợp tác công tư trong giai đoạn sắp tới. Đó là hệ thống hành lang pháp lý cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

TPHCM mong muốn các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Thành phố. Năm 2019, Thành phố xác định là năm đột phá về cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội. Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện đầu tư tốt nhất để các nhà đầu tư có những trải nghiệm mới khi lựa chọn TPHCM là điểm đến đầu tư lâu dài của mình.

Minh bạch các dự án – cùng chia sẻ rủi ro

Theo ông Ousmare Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, TPHCM là một đại đô thị, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước. Để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như giải quyết các thách thức từ tốc độ đô thị hóa nhanh, Thành phố cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục vào môi trường. Nhưng nếu chỉ dựa vào đầu tư công thì Thành phố không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ.

"Vì vậy, TPHCM cần cải thiện hiệu quả đầu tư công và hướng đến việc phát huy tốt hơn nguồn lực từ khu vực tư nhân. PPP sẽ một giải pháp cho vấn đề trên, giải quyết được nhu cầu hạ tầng và gia tăng phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, cần có cơ chế công khai, minh bạch trong các dự án PPP”, ông Ousmare Dione nói.

Để thành công trong PPP, ông Ousmare Dione cho rằng phải nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà cả rủi ro. Bên cạnh đó, theo ông Ousmare Dione các khung pháp lý, quy định và thể chế cũng phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp các nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn với mức độ chắc chắn nhất định.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, các dự án PPP tại Việt Nam hiện nay, chưa có được chiến lược dài hạn và thống nhất trong thực hiện dự án PPP; thiếu cơ chế hỗ trợ, bảo lãnh từ cơ quan Nhà nước (do vướng luật).

Đồng thời, thiếu nguồn lực và công cụ tài chính để thực hiện dự án; thiếu các quỹ bảo lãnh dự án; chưa bảo đảm công khai minh bạch và cạnh tranh khi thực hiện. Hiện nay, các dự án do nhà đầu tư chủ động đề xuất chứ Nhà nước chưa chủ động mời gọi; chưa tạo được lòng tin từ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Trương nhấn mạnh, TPHCM có văn phòng PPP thuộc Sở KH&ĐT là đi tiên phong trong cả nước, còn lại các địa phương chỉ làm PPP không theo bài bản. Đối tác là các nhà đầu tư trong nước cũng còn nhiều hạn chế, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn e ngại.

Cũng theo ông Trương, hiện nay nhu cầu thực hiện các dự án PPP tại TPHCM là rất bức thiết, nhất là các dự án về môi trường, hạ tầng đô thị, y tế... Đại diện Bộ KH&ĐT khuyến nghị Thành phố lựa chọn các dự án PPP tiên phong, lựa chọn loại hợp đồng phù hợp để kêu gọi hợp tác đầu tư. Rà soát các quy định về xác định mức giá phù hợp trên nguyên tắc thị trường, bảo đảm tính đúng, tính đủ; nghiên cứu hiệu quả các quỹ đầu tư hiện có.

Hiện Bộ KH&ĐT đang soạn dự thảo về Luật PPP để trình Chính phủ xem xét. Dự kiến tháng 5/2020 Quốc hội thông qua Luật PPP trong đó dự kiến sẽ phân cấp rõ thầm quyền các cấp đối với dự án PPP, cũng như quy định phạm vi điều chỉnh của PPP (chỉ làm những dự án lớn chứ không thực hiện các dự án nhỏ)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải thay đổi cách làm cũ là nhà đầu tư trình dự án lên, và cơ quan Nhà nước phê duyệt. Thành phố phải tự mình đề xuất các dự án trước, để các nhà đầu tư đưa ra các giải pháp của họ; đồng thời có sự trao đổi giữa các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy, sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cũng như hiệu quả mang lại của dự án PPP sẽ tốt hơn.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hợp tác công-tư: Kênh huy động vốn quan trọng đưa TPHCM phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO