Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong năm 2022, Nhật Bản thu hút nhiều lao động Việt Nam nhất với trên 67.000 người, tiếp sau là Đài Loan (Trung Quốc) 58.598 người, Hàn Quốc 9.968 người… Trong số hơn 142.000 lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc, có gần 49.000 nữ, chiếm tỷ lệ 34,2%. Trước dịch Covid-19, có tới 147.000 lao động đi nước ngoài làm việc. Khi đó, dẫn đầu thị trường cũng là Nhật Bản (80.002 lao động), kế đến là Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 54.000 lao động, Hàn Quốc trên 7.000 người...
Trong giai đoạn từ năm 2013-2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trong hơn 30 nhóm ngành nghề. Từ năm 2015-2019, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan mỗi năm. Con số này có lúc đã lên tới 152.000 người vào năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, con số này ghi nhận mức sụt giảm đáng kể. Số lao động trong nước đi làm việc ở nước ngoài chỉ đạt 78.000 vào năm 2020 và giảm tới mức 45.000 vào năm 2021.
Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường rất lớn. Nhu cầu lao động nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan tăng cao. Nguyên nhân chính, các nước này vẫn đang đối mặt với tình trạng dân số giảm, già hóa nên ưu tiên lao động từ nước ngoài.
Lao động Việt Nam được đánh giá cần cù, chịu khó, chăm chỉ và tiếp thu công việc nhanh. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài ưa thích, mong muốn tiếp nhận. Ngoài Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc), Đông Âu, Trung Đông, nước ta sẽ mở rộng đưa người lao động đi làm việc ở Đức, Úc... Dự kiến năm 2023, Việt Nam sẽ đưa khoảng 110.000 người lao động đi nước ngoài làm việc.