Tổng Công ty Cửu Long , UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ khánh thành cầu Vàm Cống ở phía bờ của Cần Thơ. Bộ GTVT cho biết Lễ khánh thành cầu Vàm Cống trên tinh thần đảm bảo tiết kiệm, không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là công trình mà người dân ĐBSCL rất kỳ vọng, nhất là các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; trong đó việc thu hút đầu tư cũng dễ dàng hơn bởi giao thông đã thông suốt, đi lại nhanh chóng.
Cầu Vàm Cống có tổng chiều dài gần 3km, rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và 2 làn đi bộ. Cầu được xây dựng nối liền huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ).
Những chuyến phà cuối cùng trước ngày thông xe cầu Vàm Cống |
Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cầu Vàm Cống do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, nhà thầu Hàn Quốc thực hiện; dự án được khởi công từ tháng 9-2013 đến nay đã hoàn thành.
Cầu Vàm Cống được đánh giá là cây cầu lớn nhất của dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông và là cầu thứ 2 sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu. Công trình này nhằm bổ sung tuyến kết nối từ quốc lộ 91 (phía TP.Cần Thơ) tới tuyến đường tránh TP.Long Xuyên (An Giang).
100 năm đón đưa người qua lại đôi bờ Đồng Tháp - An Giang, có lẽ phà Vàm Cống sẽ trở thành ký ức lịch sử khi cây cầu nối đôi bờ sông Hậu thông xe. Tuy nhiên, UBND TP Cần Thơ cho biết sẽ kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu giữ lại phà Vàm Cống với quy mô hoạt động nhỏ hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu cho một số người dân qua lại bằng phương tiện phà.