Công nghệ

Hội thảo khoa học về mô hình kinh tế tuần hoàn ở TP.HCM thu được nhiều tham luận có giá trị

Trần Nam 26/12/2023 - 22:30

Sáng ngày 26/12, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp, nhằm tìm kiếm các giải pháp khoa học công nghệ, cũng như chính sách trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.

z5012104859252_af185e2525903a7eea9edfd1e004226f.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Trần Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Thanh Minh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết: “Trong bối cảnh Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phải đối mặt nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như cam kết về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, thì kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến nền kinh tế xanh - tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội. Bằng việc phục hồi và tái sử dụng chất thải, kinh tế tuần hoàn là triết lý sản xuất sạch hơn và tiết kiệm hơn, góp phần bảo vệ môi trường đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, hướng đến một tương lai bền vững”.

“Chúng tôi muốn lắng nghe, tiếp thu tất cả những ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp về giải pháp, cách thức nhằm xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM”, ông Lê Thanh Minh nhấn mạnh.

z5012429800296_3544b737e2558e5d929cd25e2861c585.jpg
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân trình bày tham luận với chủ đề “Vai trò đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và một số đề xuất đối với TP.HCM - Ảnh: Trần Nam

Trong phần tham luận, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) khẳng định, đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giải quyết các vấn đề về bền vững, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế xanh.

Theo đó, ông Nguyễn Hồng Quân đề xuất 7 nhóm giải pháp: một là tạo các động lực mới nhằm thúc đẩy khởi nghiệp xanh; hai là kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư - phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo xanh; ba là phát triển các khóa đào tạo chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên và những nhà khởi nghiệp xanh; bốn là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh TP.HCM; năm là xây dựng chính sách phát triển thị trường vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, thu hút các quỹ đầu tư quốc tế đầu tư về Việt Nam; sáu là xây dựng chính sách tạo các thị trường mới cho sản phẩm, dịch vụ và quy trình xanh; bảy là xây dựng chính sách tài trợ, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ xanh từ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp.

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển Bền vững (SDLT) nhận định, kinh tế tuần hoàn giúp giải quyết các vấn đề như giảm việc sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, làm giảm lượng khí thải carbon, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các tổ chức. Để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần làm đồng bộ toàn hệ thống từ nhà nước đến các trường đại học lẫn doanh nghiệp. Ông Dũng nhấn mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn 3 chủ thể “Chính phủ - Nhà trường - Doanh nghiệp”. Theo đó, cả 3 bên cùng kiến tạo, với tư duy và tầm nhìn hệ thống, quản trị lẫn vận hành theo xu hướng chuyển đổi số.

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, có những vấn đề cốt lõi mà TP.HCM cần tiếp tục giải quyết, như nhận thức của doanh nghiệp và người dân về lợi ích khi chung tay thực hiện kinh tế tuần hoàn; tạo ra cơ chế chính sách đủ hấp dẫn; tạo ra nguồn nhân lực chuyên nghiệp, thấu hiểu, đủ năng lực và có trách nhiệm; hay vấn đề ngân sách riêng theo từng nhiệm kỳ.

z5012104546182_4035f18ad55f2a74b58f738ed0330535.jpg
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng trình bày tham luận với chủ đề “Giải pháp cần thiết và đồng bộ tạo sự đột phá từ tư duy đến hành động về kinh tế tuần hoàn trong các trường đại học và doanh nghiệp tại TP.HCM” - Ảnh: Trần Nam

Ông Tim Nguyễn, từ Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp (3AI) cũng khẳng định, kinh tế tuần hoàn là một định hướng phát triển bền vững, tận dụng tài nguyên hiệu quả và giảm thiểu tác động đến môi trường. Chuyển đổi kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác và đồng bộ giữa doanh nghiệp, chính phủ, nhà khoa học và cộng đồng. Theo ông Tim Nguyễn, để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần áp dụng 4 trụ cột đồng bộ: công nghệ; quản trị và quản lý hệ thống tuần hoàn bền vững; thay đổi nhận thức và tư duy cấu trúc văn hóa kinh doanh xanh; giáo dục và tạo sự liên kết tuần hoàn thành phần xã hội.

Về phía doanh nghiệp, để thực hiện các mô hình kinh doanh tuần hoàn, TS. Phạm Hồng Hải, Giám đốc Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp có thể sử dụng các nguồn tài trợ dưới hình thức tham gia, cho vay hoặc tài trợ công. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có khả năng gọi tài trợ. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải xác định hình thức tài trợ nào phù hợp nhất với nhu cầu của mình, tùy theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Kết thúc phần tham luận, TS. Phạm Hồng Hải cũng đưa ra các giải pháp giúp mô hình kinh doanh của doanh nghiệp có khả năng gọi tài trợ.

Kết thúc hội thảo, ông Lê Thanh Minh gửi lời cảm ơn đến trường, viện, doanh nghiệp, các chuyên gia vì những ý kiến đóng góp. Ông cho biết trong hội thảo lần này, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM nhận được nhiều bài đóng góp nhất trong số các hội thảo tổ chức năm nay. Ông mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp về ứng dụng khoa học công nghệ, trong xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội thảo khoa học về mô hình kinh tế tuần hoàn ở TP.HCM thu được nhiều tham luận có giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO