Hội nhập AEC: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

LÊ LOAN| 10/08/2016 01:27

Gia nhập AEC, lao động Việt Nam có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các nước có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là kiến thức và kỹ năng lao động phải được công nhận giữa các nước ASEAN.

Hội nhập AEC: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), lao động Việt Nam có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các nước có nền kinh tế phát triển như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là kiến thức và kỹ năng lao động phải được công nhận giữa các nước ASEAN. 

Đọc E-paper

Trong khuôn khổ hội thảo "Brexit và Cộng đồng Kinh tế ASEAN dưới góc nhìn hội nhập" do Trường Đại học Văn Hiến tổ chức tuần qua, các chuyên gia kinh tế đã chia sẻ nhiều quan điểm về hội nhập quốc tế đồng thời bàn luận sâu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó là một số giải pháp cho những vấn đề này.

Đánh giá về nhân lực Việt Nam, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, năm 2015, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 79,3 triệu đồng/năm (khoảng 3.657 USD/năm). Khoảng thu nhập này ở mức thấp so với các nước trong khu vực và không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang rất thiếu đội ngũ lao động lành nghề và công nhân kỹ thuật bậc cao. Về chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam mới đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB.

Thỏa thuận trong khuôn khổ AEC về 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do dịch chuyển có kèm theo yêu cầu lao động phải qua đào tạo và nếu thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, sẽ được di chuyển tự do hơn. Song theo TS. Vũ Đình Ánh, trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn quá thấp và rất ít người có khả năng sử dụng ngôn ngữ Thái Lan, Lào, Campuchia...

Cũng theo TS. Vũ Đình Ánh, một kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, các trường đại học lớn chuyên ngành kế toán - kiểm toán của Việt Nam cho thấy, kiến thức, tư duy về các vấn đề toàn cầu còn hạn chế, khó hội nhập sâu với ngành kế toán, kiểm toán quốc tế.

Có tới 2/3 kết quả trả lời từ cuộc khảo sát cho hay, chưa thể nắm bắt được công việc kế toán hay kiểm toán ngay khi được giao mà phải qua đào tạo lại. Với kiến thức chủ yếu là lý thuyết hàn lâm, nhân lực ngành kế toán - kiểm toán mới tốt nghiệp chưa thể đáp ứng được ngay yêu cầu thực tế của các đơn vị kinh tế trong nước, 100% chưa thể cung ứng ngay cho các đơn vị kinh tế nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Nguyên nhân là do yếu tiếng Anh, chỉ mới biết đọc tài liệu, còn các kỹ năng nghe, nói, viết đều không đạt yêu cầu. Trước kết quả này, theo TS. Vũ Đình Ánh, hệ thống giáo dục, đào tạo của Việt Nam cần áp dụng trình độ quốc tế theo khung tham chiếu của ASEAN đã được phê duyệt, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo các lĩnh vực trong 8 ngành nghề đã được AEC thỏa thuận.

Phân tích vấn đề này, GS-TS. Raymond Gordon, Trường Đại học RMIT cho biết, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều khi tham gia TPP, AEC, nhất là sẽ thúc đẩy cấu trúc lại nền kinh tế. Xét về các chỉ số kinh tế Việt Nam, GDP đã đạt mức tăng trưởng tốt, nhưng cần phải cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Chắc chắn điều này sẽ tác động tiêu cực đến một số ngành, theo đó trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế sẽ có nhiều ngành bị tổn thương. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đã chuẩn bị đủ nguồn nhân lực để ứng phó với những biến đổi đang xảy ra.

Thống kê của WB cho thấy, Việt Nam có chất lượng giáo dục tốt nhưng đang thiếu lực lượng lao động có kỹ năng cao. Đó là thiếu kỹ năng tư duy, kỹ năng ứng xử xã hội, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, truyền thông giao tiếp, khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, quản trị thời gian. Các kỹ năng này cần phải được cải thiện ngay thì mới hưởng lợi được từ các hiệp đinh thương mại tự do đã được ký kết.

Theo GS-TS. Raymond Gordon, Việt Nam đã có những cải cách tốt về giáo dục từ cấp tiểu học đến trung học, nhưng kết quả thường đến sau một tiến trình, đôi khi cần đến cả một thế hệ mới thấy được. Vì vậy, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể nhập khẩu lao động, đồng thời tìm cách triển khai công nghệ giáo dục trong dài hạn. Chính phủ Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn đến chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng để có thể thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp.

>Giải bài toán nguồn nhân lực trước thềm AEC

>Tìm nguồn nhân lực trẻ chất lượng: Không khó!

> Doanh nghiệp trẻ và bài toán nguồn nhân lực

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nhập AEC: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO