Xuất khẩu xây dựng sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam

Lê Viết Hải*| 06/02/2020 06:00

Trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, để phát huy năng lực cạnh tranh, ngành xây dựng Việt Nam phải vươn ra làm việc ở nước ngoài - một thị trường có quy mô gấp vài trăm lần so với thị trường trong nước.

Xuất khẩu xây dựng sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam

Hơn 30 năm qua, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Bù đắp cho sự thiếu hụt trầm trọng cơ sở hạ tầng trong thời gian quá dài là hàng nghìn công trình hiện đại được xây dựng, từ đường sá, điện, nước đến khách sạn, trụ sở làm việc... Do đó, từ vai trò thầu phụ, các công ty xây dựng Việt Nam đã rất thành công trong vị trí tổng thầu nhiều công trình có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao và đã đủ sức để vươn ra thị trường nước ngoài. 

Xuất khẩu xây dựng ra các nước, tôi tin rằng sẽ có đóng góp to lớn cho nền kinh tế và sẽ sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. 

Có ba lý do cần phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường nước ngoài. Đó là:

Một, các chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ có liên quan như vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, thiết kế, vận chuyển, thầu phụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm sẽ mở rộng thị trường thông qua dịch vụ tổng thầu xây dựng. Dịch vụ tổng thầu xây dựng ngược lại sẽ nâng được lợi thế cạnh tranh khi các chuỗi cung ứng phát triển, tạo nên sự gắn kết và cộng hưởng mạnh mẽ.

Hai, cung cấp việc làm ổn định cho một lượng lớn lao động trong ngành xây dựng ngay cả khi thị trường trong nước không có biến động hoặc bão hòa.

Theo Học viện Cán bộ và Quản lý thuộc Bộ Xây dựng, tính trên đầu người, nhân lực trong ngành xây dựng của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới, riêng số lượng kỹ sư, chuyên gia cao gấp 4 lần so với mức bình quân của các nước đang phát triển. Đó là một lợi thế nếu chúng ta chú ý khai thác và là rủi ro nếu chậm trễ trong việc mở rộng thị trường quốc tế để đảm bảo việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn này. Hiện nay, lực lượng lao động trong ngành du lịch là 3 triệu người và du lịch được xem như là một ngành kinh tế mũi nhọn, đã có quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2030, trong khi ngành xây dựng có đến 4,2 triệu lao động nhưng chỉ được xem như là một ngành kinh tế hỗ trợ.

Ba, phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường nước ngoài còn là phương cách hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo luôn có được cơ hội để tiếp thu và tích hợp kịp thời xu hướng thiết kế, xây dựng của thế giới. Đó là yếu tố mang tính chiến lược, giúp ngành xây dựng nước ta đủ mạnh để bảo vệ được thị trường nội địa. Xin nhớ rằng, mới đây thôi, những công trình quy mô lớn đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật cao như nhà cao tầng, cầu dây văng, hầm đường bộ, nhà ga sân bay quốc tế... là thị trường của nhà thầu ngoại. Nếu bây giờ doanh nghiệp (DN) xây dựng nước ta không tích cực và chủ động ra ngoài đấu thầu thiết kế, thi công công trình để nhanh chóng tiến bộ thì tình trạng “dự án siêu sao chê nhà thầu nội” có thể lặp lại.

Chúng tôi nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của DN xây dựng trong việc thực hiện chiến lược này và sẽ nỗ lực để cùng Chính phủ, cùng đồng nghiệp và các chuỗi cung ứng nhanh chóng đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia khi giai đoạn dân số vàng qua đi (dự báo vào khoảng năm 2030). Như vậy, chỉ có 10 năm cho sự bứt phá này. Đây quả là một thử thách rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm và hợp lực của cả ngành xây dựng.

Chúng tôi nhấn mạnh, phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường các nước chủ yếu là xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp, tức là tổng thầu xây dựng chứ không phải là xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. Cạnh tranh không chỉ về giá mà còn về sự vượt trội trong ứng dụng những thành tựu mới nhất về khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường các nước là xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp, tức là tổng thầu xây dựng chứ không phải là xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. 

Chúng tôi kiến nghị 7 giải pháp sau đây để Chính phủ và các cơ quan hữu trách tham khảo, sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ công nghiệp xây dựng phát triển và xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài. 

Thứ nhất. Đối với những dự án quy mô lớn, như đường cao tốc, đường sắt, tàu điện ngầm, sân bay nên chia nhiều giai đoạn với các gói thầu không quá lớn, điều kiện đấu thầu quốc tế nên có quy định nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước theo tỷ lệ tối thiểu 35%, hình thức liên danh bình đẳng, cùng quản lý, điều phối dự án chứ không theo mô hình phân chia hạng mục công việc, hạng mục công trình, hoặc thầu chính, thầu phụ. 

Thứ hai. Giao cho VCCI hoặc một cơ quan chuyên trách kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để thu thập thông tin về thị trường xây dựng, qua đó giới thiệu đối tác, hỗ trợ DN xây dựng trong nước tiếp cận. 

Thứ ba. Khi đàm phán hoặc tái ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, nên có điều khoản DN xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước sở tại. Đồng thời, hiệp định cũng nên có điều khoản công nhận bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành được cấp bởi các tổ chức giáo dục - đào tạo chính quy của Việt Nam. 

Thứ tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN xây dựng về các thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Ưu tiên cho DN trong nước thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài của Nhà nước, như tòa đại sứ, tòa tổng lãnh sự... Sớm thành lập hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở hải ngoại.

Thứ năm. Khuyến khích DN xây dựng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới bằng cách tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký bằng sáng chế ở trong nước cũng như quốc tế, rút ngắn quy trình cấp bằng sáng chế cho những phát minh kỹ thuật - công nghệ trong xây dựng 

Thứ sáu. Có chính sách tạo động lực cho DN xây dựng phát triển theo hướng chuyên môn hóa cao để tạo nên những DN có đẳng cấp quốc tế trong từng loại công trình, từng hạng mục chuyên môn. 

Thứ bảy. Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển ngành xây dựng Việt Nam.

(*) Tác giả là Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu xây dựng sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO