Vay vốn ngân hàng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng

B.H| 16/04/2011 05:31

Sáng thứ Bảy 16/4/, tại tòa nhà ITAXA, Ban Hỗ trợ Doanh nghiệp – CLB Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với Ngân hàng Phương Đông và Quỹ Bảo lãnh Tín dụng tổ chức Tọa đàm “Tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thông qua Quỹ Bảo lãnh Tín dụng”.

Vay vốn ngân hàng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng

Sáng thứ Bảy 16/4, tại tòa nhà ITAXA, Ban Hỗ trợ Doanh nghiệp – CLB Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với Ngân hàng Phương Đông và Quỹ Bảo lãnh Tín dụng tổ chức Tọa đàm “Tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thông qua Quỹ Bảo lãnh Tín dụng”.

Clip bản tin Tọa đàm “Tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thông qua Quỹ Bảo lãnh Tín dụng”.

Bản tin của HTV9

(Từ trái qua) Ông Phan Hùng Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Ngọc Sơn, thành viên CLB DNSG; Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo lãnh Tín dụng TP.HCM; Phó Giáo sư Tiến Sĩ Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia; Ông Trần Hoài Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông và MC - Ảnh B.H

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam còn nhiều khó khăn sau khủng hoảng tài chính, thì mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp có lẽ là làm cách nào để tiếp cận vốn duy trì hoạt động và phát triển.

Nhằm giải tỏa phần nào trăn trở đó của các doanh nghiệp thành viên CLB DNSG, ban tổ chức hy vọng buổi tọa đàm thân mật và cởi mở, nhận được nhiều ý kiến chia sẻ và hướng dẫn của các diễn giả và khách mời”, ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch CLB DNSG và cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT phát biểu mở màn.

Đến với tọa đàm, Phó Giáo sư Tiến Sĩ Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã điểm qua tình hình kinh tế - chính trị - xã hội phức tạp của thế giới, rồi dẫn dắt đến hoàn cảnh đất nước: “Việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngày 11/2 đã mở màn cơn bão giá hàng hóa, điện, xăng…

Cứ thế đẩy lạm phát lên đến 11,75% và thậm chí trên 13% vào tháng 3, cao nhất khu vực. Dự trữ ngoại hối giảm, nợ công tăng, và còn nhiều vấn đề nữa…”.

Ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch CLB DNSG và cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT - Ảnh B.H

Tuy nhiên, cũng còn một số yếu tố tích cực như tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta thấp, 2,8%, theo IMF. Bên cạnh đó, “nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội được Chính phủ ban hành từ ngày 24/2, đã mở ra hy vọng cho người dân.

Tỷ giá dần ổn định. Chúng ta cũng không vướng vào 3 khủng hoảng hiện tại của thế giới là lương thực, tài chính và chính trị - xã hội.

Và tọa đàm giữa bốn nhà (nhà băng là Ngân hàng Phương Đông, nhà bảo lãnh là Quỹ Bảo lãnh Tín dụng, nhà nước - nhà giáo, và cuối cùng là nhà doanh nghiệp) hôm nay cũng gợi mở tinh thần lạc quan của doanh nghiệp và tương lai tốt đẹp của kinh tế nước nhà”.

Đại diện nhà băng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông Trần Hoài Phương cho biết: “Ngân hàng Phương Đông vừa cải tổ cấu trúc để có những bước đi mạnh mẽ, nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn”.

Ông Phương gợi ý doanh nghiệp càng trình bày rõ bức tranh thực tại công ty mình thì ngân hàng càng dễ dàng hỗ trợ. Vậy nên, “doanh nhân thành viên CLB DNSG sẽ có cầu nối là CLB để được tiếp cận nguồn vốn và mọi sự hỗ trợ của Ngân hàng Phương Đông một cách nhanh chóng và phù hợp”.

Phó Giáo sư Tiến Sĩ Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia - Ảnh B.H

Tất cả chúng ta đều biết rằng ngân hàng nắm quyền quyết định có cho doanh nghiệp vay vốn hay không, nhưng hiếm ai lưu ý để hiểu cho rằng chính sự chuẩn bị của doanh nghiệp dẫn dắt quyết định đó.

Vậy nên, ông Võ Như Tín, Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Điện Quang, gợi ý các doanh nghiệp: “Trước khi hỏi vay vốn, nên trang bị đủ kiến thức tài chính, hồ sơ báo cáo tài chính, báo cáo thuế, đồng thời, nắm bắt yêu cầu của ngân hàng để đáp ứng tốt”.

Ông Ngân cũng khuyên: “Doanh nghiệp nên thực hiện những dự án vừa sức… Nếu mình góp vốn 70% và hỏi vay 30% thì chấp nhận được. Nhưng nếu chỉ có 5% vốn và xin vay 95% cho một dự án trên mây thì khó thành công.

Hơn nữa, ta bị từ chối không quan trọng bằng tại sao ta bị từ chối. Doanh nghiệp đừng nghĩ rằng đến ngân hàng chỉ là để vay vốn. Ngân hàng còn là nơi quy tụ nhiều người tài có thể chỉ ra những thiếu sót, sai lầm của dự án”.

Cũng xoay quanh vấn đề vay vốn, ông Nguyễn Trọng Đức, Giám đốc Công ty TNHH Trí Tuệ Trẻ thắc mắc rằng ông hiện có ý tưởng mới hoàn toàn, nhưng không liên quan đến doanh nghiệp đang điều hành, thì có được ngân hàng cho vay vốn thực hiện?

“Ngân hàng thương mại nói chung, và Ngân hàng Phương Đông nói riêng, có quỹ đầu tư có thể tham gia góp vốn cho những ý tưởng kinh doanh trẻ như vậy, nhưng không phải là phổ biến. Nếu cùng tham gia góp vốn, thì ngân hàng sẽ xem xét việc: Chủ ý tưởng có kinh nghiệm về ngành anh ta sắp kinh doanh? Mức độ an toàn của vốn? Có hợp đồng đầu ra rõ ràng và ổn định chưa?”, ông Phương trả lời.

Bà Phan Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sài Gòn tặng hoa diễn giả - Ảnh B.H

Ông cũng đề xuất những nguồn huy động vốn khác như các tập đoàn tài chính quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, những nhà đầu tư cùng ngành...

Và còn có những vườn ươm tài năng trẻ tại Đại học Nông Lâm TP.HCM, Đại học Bách Khoa TP.HCM, Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TP.HCM…

Đến tham dự tọa đàm, Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sài Gòn, ông Nguyễn Thanh Minh đã nói lên bức xúc của hầu hết doanh nghiệp là: Làm thế nào để quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng gần gũi, gắn bó hơn?... Doanh nghiệp cần vay vốn thì nên đến hội sở chính hay chi nhánh?

Trả lời thắc mắc của ông Minh cùng các doanh nghiệp, ông Phương đã ngay lập tức giới thiệu khoảng 10 lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng Phương Đông đang tham dự tọa đàm. Ông còn đặc biệt đọc số điện thoại cá nhân, để “phục vụ tận tình” các doanh nhân CLB DNSG tham dự tọa đàm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Phương Đông cũng đề ra giải pháp mẫu cho một số trường hợp tín dụng thường gặp và huấn luyện nhân viên thường xuyên, để doanh nghiệp tìm đến ngân hàng hội sở hay chi nhánh thì cũng được “chăm sóc” tốt như nhau.

Thông thường, doanh nhân có thể trực tiếp tìm đến ngân hàng để hỏi vay vốn, nhưng nếu thiếu tài sản thế chấp thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tìm đến Quỹ Bảo lãnh Tín dụng để được tư vấn và bảo lãnh tín dụng.

Phó Giám đốc Quỹ Bảo lãnh Tín dụng TP.HCM Trần Bửu Long đã giới thiệu sơ lược điều kiện bảo lãnh như sau. Một, đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành sản xuất hoặc thương mại dịch vụ. Sản xuất thì có tổng tài sản dưới 100 tỷ đồng, hoặc dưới 300 lao động; thương mại dịch vụ thì tổng tài sản dưới 50 tỷ, hoặc có dưới 50 lao động.

Ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác ba bên: CLB Doanh Nhân Sài Gòn, Quỹ Bảo lãnh Tín dụng và Ngân hàng Phương Đông - Ảnh B.H

Hai, Quỹ TP.HCM tiếp nhận đơn của doanh nghiệp đóng tại địa bàn thành phố, đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM… Cụ thể hơn nữa thì doanh nghiệp cần có phương án kinh doanh, dự án đầu tư, trong đó, vốn chủ sở hữu ít nhất 10%.

Báo cáo tài chính minh bạch. Không nợ đọng thuế. Phí bảo lãnh 0,5% một năm trên số tiền bảo lãnh… Chi tiết hơn, doanh nghiệp có thể tìm đến trực tiếp trụ sở hoặc truy cập website http://www.hcgf.com.vn/gioi-thieu.html.

Về phần mình, với 6 ngân hàng góp vốn và nhiều ngân hàng quan hệ gần gũi, Quỹ bảo đảm khả năng giới thiệu tốt cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Còn về phía doanh nghiệp, ông Long khuyên các doanh nhân hãy lưu ý: “Dự án đầu tư và phương án kinh doanh đưa ra không chỉ có triển vọng, mà còn phải được xây dựng trên nền tảng căn bản của công ty…

Doanh nghiệp cần tự trả lời các câu hỏi: Dự án hoặc phương án đó đã được tư vấn, hỗ trợ để hoàn chỉnh nhất có thể? Doanh nghiệp có “tư thế chiến lược”, tức là sẵn sàng về vốn, nhân sự, hệ thống, để khi có vốn và thời cơ thì bảo đảm thành công?”...

Kết thúc tọa đàm là lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác ba bên. CLB Doanh Nhân Sài Gòn, Quỹ Bảo lãnh Tín dụng và Ngân hàng Phương Đông cùng hy vọng mở ra cơ hội hợp tác lâu dài, sâu rộng trong các chương trình hoạt động và lĩnh vực thuộc lợi ích ba bên; hỗ trợ nhau trong việc tham gia, phát triển các kênh thông tin; và còn thúc đẩy ngân hàng, Quỹ Bảo lãnh đến gần hơn với doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vay vốn ngân hàng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO