Trung Đông - thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam

DUY KHUÊ| 16/05/2018 05:23

Với khoảng 40 tỷ USD nhập khẩu lương thực, thực phẩm mỗi năm, Trung Đông đang được xem là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam hướng đến.

Trung Đông - thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam

Thông qua Diễn đàn Giao lưu thương mại Việt Nam - Trung Đông, sự kiện hưởng ứng Đề án Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 - 2025 nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư, được biết năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Đông đạt 12 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông đạt 9 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Đông khoảng 3 tỷ USD.

Với kim ngạch xuất khẩu được ghi nhận đang cao gấp 3 lần so với kim ngạch nhập khẩu, hoạt động giao thương giữa 2 thị trường Việt Nam - Trung Đông năm 2017 được đánh giá có mức tăng trưởng tốt. Song nếu xét về mặt hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu của thị trường Trung Đông mỗi năm thì đây vẫn là con số quá nhỏ. Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội có thể nắm bắt để phát huy thế mạnh về nông sản, thực phẩm trong thời gian tới.

Theo dự kiến, đến năm 2035, giá trị nhập khẩu về lương thực ở thị trường Trung Đông sẽ đạt 70 tỷ USD. Nhìn nhận vấn đề này, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng cho rằng, Trung Đông là khu vực thị trường lớn với khả năng chi trả cao không những với các mặt hàng lương thực, nông sản mà còn với các mặt hàng tiêu dùng, da giày... nhưng lại không có quá nhiều yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật.

Link bài viết

Theo đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, thị trường Trung Đông với 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đang được xem là thị trường rất lớn với nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như gạo, cà phê, tiêu, thủy sản... mỗi năm khá cao, và những mặt hàng này đều đang là thế mạnh của Việt Nam. Rõ ràng đây được xem là một lợi thế.

Tuy nhiên, dưới góc độ của người kinh doanh trong ngành tiêu và cà phê, vị đại diện này cũng cho biết, doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Trung Đông thì có thể thông qua thị trường Dubai, bởi đây được xem là cửa ngõ, nơi trung chuyển hàng hóa đi khắp thị trường Trung Đông. Hơn thế nữa, doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận các thị trường này thì cũng nên mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ được tổ chức hằng năm ở Dubai để có thể dễ dàng gặp gỡ trực tiếp các nhà mua hàng từ khắp khu vực Trung Đông đổ về Dubai.

Thêm một hướng đi về cách tiếp cận thị trường Trung Đông, đại sứ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng cho biết, Việt Nam đang được xem là cửa ngõ để các doanh nghiệp UAE tiếp cận thị trường khối ASEAN và ngược lại UAE cũng là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tại khu vực Trung Đông, đặc biệt đối với các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, năng lượng, viễn thông, xây dựng, vật liệu xây dựng...

Theo chia sẻ của đại sứ UAE tại Việt Nam, tính đến nay đã có hơn 14 dự án đầu tư trực tiếp với trị giá khoảng trên 26 triệu USD (không tính góp vốn đầu tư gián tiếp dưới tên các đối tác khác) tại Việt Nam và xu hướng đầu tư này đang tiếp tục tăng lên.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến từ thị trường Trung Đông mở rộng đầu tư kinh doanh, trong thời gian tới, các quỹ đầu tư và các công ty tài chính sẽ hợp tác cho ra mắt trung tâm kết nối các nhà sản xuất, thương mại, cung ứng dịch vụ, tổ chức tài chính và nhà đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Đông.

Trung tâm hỗ trợ này sẽ thực hiện các hoạt động thương mại, giới thiệu các cơ hội đầu tư, kết nối các dịch vụ logistics, tư vấn các phương thức thanh toán phù hợp với từng thị trường cũng như hỗ trợ doanh nghiệp 2 bên kiểm tra năng lực của các đối tác, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro không đáng có trong các hoạt động kinh doanh. Riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sẽ được hỗ trợ để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.

Song, theo các chuyên gia, để thu hút đầu tư từ Trung Đông, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao tính minh bạch trong kinh doanh, cải thiện năng lực quản trị, từng bước hoàn thiện chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Có như vậy mới có thể đáp ứng được các yêu cầu đầu tư của các nhà đầu tư Trung Đông, dần nâng cao năng lực hợp tác, thúc đẩy sự phát triển cho cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn đối tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Đông - thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO