Từ đầu năm 2012 đến nay, đã có hơn 500 lượt doanh nghiệp sang Dubai để nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, nhưng hầu hết chỉ tập trung ở các thị trường quen thuộc như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… và xuất khẩu gián tiếp qua các đầu mối trung gian.
Cửa ngõ
Thời gian có mặt ở Dubai đã giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy tự tin hơn về hàng hóa và dịch vụ của mình tại khu vực Trung Đông. Điều đáng nói là, khác với những gì họ lo ngại trước khi lên đường, thị trường Trung Đông chấp nhận đa dạng các phân khúc sản phẩm từ bình dân đến siêu sang, do đó, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội ở phân khúc trung cấp. Không chỉ ngang ngửa về chất lượng và mẫu mã, sản phẩm Việt Nam còn rất cạnh tranh về giá thành.
Trong khi đó, khác với các quốc gia phát triển tại châu Âu hay Hoa Kỳ, hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm vào thị trường này không quá khắt khe. Với đặc thù về điều kiện tự nhiên, khu vực này nhập khẩu hầu hết các sản phẩm, từ nước ngọt đến nông sản thực phẩm, cây xanh…
Theo lời của Tham tán Việt Nam tại UAE, ông Ngô Khải Hoàn, Dubai là một trong 3 trung tâm tái xuất lớn nhất thế giới, vì vậy, có mặt tại Dubai, sản phẩm của doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận với cả khu vực Trung Đông, châu Phi rộng lớn, cũng như thị trường toàn cầu.
Hai lần sang Dubai tìm hiểu thị trường, ông Nguyễn Tiến Cường, Tổng giám đốc Công ty Cát Tường chuyên kinh doanh sản phẩm vật liệu cách nhiệt, đã quyết định rằng trong thời gian tới, Dubai sẽ là một thị trường chiến lược của công ty ông.
“Cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt không còn nhiều ở những thị trường truyền thống mà nằm ở những miền đất mới. Tới Dubai tức là đến với cửa ngõ marketing toàn cầu, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có cơ hội trực tiếp kinh doanh với quốc tế, nắm quyền chủ động và có được tâm thế thương thảo trên thị trường, thay vì việc bị ép khi xuất khẩu gián tiếp”, ông Cường nói.
Cùng với Cát Tường, những doanh nghiệp đã khá chắc chân tại thị trường trong nước như Dekko, gạch trang trí Vĩnh Cửu, nhựa Tiền Phong hay Trầm hương Khánh Hòa cũng đang lên kế hoạch để tiếp cận miền đất tiềm năng này.
Đàn chim bay
Ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, cho rằng: “Đàn chim chỉ có thể bay được xa nếu bay theo đàn. Sự thất bại của nhiều doanh nghiệp trong nước khi đi ra thị trường thế giới trong thời gian vừa qua một phần cũng bắt nguồn từ việc đi lẻ tẻ và đơn độc trên thị trường”.
Chính vì vậy, ông Phương nói, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm tay nhau. Một ví dụ là sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt đã hiện diện tại Dubai dưới một mái nhà chung có tên VChoice (Lựa chọn Việt) để tiếp cận với các đối tác và khách hàng lớn.
Sự hiện diện lần đầu tiên của gian hàng Việt Nam tại hội chợ Big 5 Dubai 2013 hồi cuối tháng 11/2014 đã chứng minh rõ rệt hiệu ứng của mô hình “đàn chim bay”. Gian hàng Việt Nam, với sự góp mặt của 18 doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, đã gây ấn tượng tốt với các khách hàng quốc tế.
Bên cạnh việc tiếp cận bước đầu thị trường thông qua hội chợ, nhiều doanh nghiệp đã ngồi lại với nhau để lên kế hoạch triển khai các dự án đầu tư vào Dubai. Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, một trong những cổ đông tích cực của dự án VChoice Greens với mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực cây xanh và dịch vụ cây xanh, nói rằng để thành công tại một sân chơi lớn như Dubai thì việc đoàn kết lại là điều tất yếu, có như thế mới tạo ra sức mạnh tổng lực.
Dự án đầu tư sang Dubai đang được ông Phong cùng với các cổ đông sáng lập Công ty cổ phần VChoice Greens lên kế hoạch thực hiện trong quý I/2014 với tham vọng xanh hóa sa mạc Dubai bằng nền nông nghiệp xanh của Việt Nam.
Trong khi đó, ông Mai Huy Tân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nhịp cầu Việt Đức, cũng đang cùng với một cộng đồng các doanh nhân khác lên kế hoạch phát triển một vườn ươm tại Dubai, bài toán đầu tư và cơ sở khoa học cho tính khả thi của dự án được vị tiến sĩ - doanh nhân này cho biết đã tính toán kỹ.
Sự tự tin của ông Tân và nhóm cổ đông về tiềm năng đầu tư vào vườn ươm tại Dubai là có cơ sở, khi theo công bố của chính quyền UAE, trong 10 năm tới, tổng mức đầu tư vào cảnh quan của quốc gia này dự kiến ở mức 10 tỷ USD. Đó là chưa kể, chính phủ nước này còn có kế hoạch phủ xanh một phần tư đất nước vào năm 2025.
Ông Nguyễn Liên Phương thì hy vọng, với một số thành công ban đầu, có thể, Trung Đông sẽ là nơi chắp cánh cho nhiều giấc mơ Việt trong vài năm tới.
(Theo Vneconomy)