Triển vọng cho da giày Việt tại EU

KIẾN QUỐC| 21/11/2017 04:26

Thống kê về thị trường EU hiện nay cho thấy, 1/4 thị phần đang thuộc về giày thể thao - sản phẩm mà ngành da giày Việt Nam vốn đang có lợi thế.

Triển vọng cho da giày Việt tại EU

Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) được Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) thực hiện tuần qua, các chuyên gia cho rằng ngành da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng khi Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA) có hiệu lực.  

Đọc E-paper

Cụ thể, tại Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) da giày Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường EU, Lefaso cho biết, Việt Nam chiếm 5,2% sản lượng sản xuất và 7,4% sản lượng xuất khẩu của ngành giày thế giới. Năm 2016, Việt Nam đã sản xuất 1,18 tỷ đôi giày và xuất khẩu 1,021 tỷ đôi giày, đưa ngành da giày Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trong top 10 quốc gia sản xuất giày dép của thế giới. Tuy nhiên, trong hoạt động xuất khẩu, Việt Nam lại đứng sau Trung Quốc.

Dữ liệu của Hải quan Việt Nam trong 10 tháng năm 2017 cũng xếp mặt hàng giày dép Việt Nam nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 10/2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam đạt 11,82 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Các chuyên gia cho rằng, EVFTA sẽ mở ra chặng đường mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU. Theo đó, xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh do phần lớn các dòng thuế liên quan đến nhập khẩu ba lô, túi, cặp và hơn 40% các dòng thuế nhập khẩu giày dép vào thị trường EU sẽ giảm về 0%.

Hiện, thị trường EU được ghi nhận là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành da giày với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD trong năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giày dép đạt trên 4,1 tỷ USD. Đây cũng chính là mặt hàng chủ lực Việt Nam muốn xuất khẩu vào EU.

Các chuyên gia MUTRAP phân tích, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường EU trở thành kỳ vọng lớn nhất của ngành da giày với cú hích là EVFTA, dự kiến chính thức có hiệu lực từ năm 2018.

>>W.Rosenberg: Từ chú bé đánh giày đến ông chủ đế chế Dukin’ Donuts

Đánh giá về khả năng, cơ hội của ngành da giày Việt Nam tại thị trường EU, GS. Sangeeta Khorana - chuyên gia quốc tế Dự án EU-MUTRAP cho biết, ngành da giày Việt Nam có rất nhiều cơ hội tại thị trường EU, đặc biệt ở phân khúc sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu của người tiêu dùng. Theo ông, xu hướng sử dụng giày dép ở EU cũng như trên thế giới đang thay đổi, người tiêu dùng không còn quá coi trọng thương hiệu, trái lại họ tập trung nhiều hơn vào mẫu mã.

Dù khối EU vẫn có những quốc gia sản xuất giày, đơn cử như Ý, Pháp, Anh, Đức, nhưng các nước này chiếm thị phần không đáng kể, chỉ khoảng 2% thị trường của khu vực. Hiện tại, giày dép Việt Nam xuất vào EU đang nắm giữ gần 12% thị phần. Chính vì thế, chuyên gia của Dự án EU-MUTRAP cho rằng, ngoài thị trường EU, Việt Nam còn có cơ hội khả quan bởi Anh sẽ xem xét việc ký hiệp định trực tiếp với Việt Nam nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng trong nước đầy đủ. Do đó, dù Anh có tách ra khỏi EU thì xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu vẫn đảm bảo về độ phủ và kim ngạch thị trường. Thậm chí còn có khả năng mở rộng thị phần khi được áp dụng thuế suất 0% từ EVFTA.

Mặc dù tình hình ngành da giày Việt Nam được đánh giá rất khả quan, nhưng theo các chuyên gia, để được hưởng thuế quan theo EVFTA khi xuất khẩu da giày vào EU, DN phải đáp ứng các quy định về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đồng thời, cần nắm rõ các rào cản kỹ thuật trong thương mại, nhất là các quy định về hạn chế hóa chất độc hại, về an toàn sản phẩm tiêu dùng và các biện pháp phòng vệ (chống bán phá giá, chống trợ cấp giá) được áp dụng tại EU.

Tại hội thảo, các chuyên gia ngành da giày cũng khuyến cáo, thị trường EU vốn có 26 thị trường thành viên với nhiều nhu cầu khác nhau. Do vậy, DN ngành da giày cần có chiến lược tập trung vào từng thị trường cụ thể và sử dụng hiệu quả các kênh phân phối tại các thị trường này thông qua việc kết nối với các nhà phân phối đưa hàng vào các siêu thị lớn và các cửa hàng bán lẻ.

Thậm chí, DN có thể tính toán tới việc tự mở cửa hàng để đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng, hướng tới xây dựng thương hiệu. "Để gia nhập thị trường EU, DN cũng nên tận dụng kênh bán hàng rất hiệu quả trong thời điểm hiện nay là internet để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng với các dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn", GS. Sangeeta Khorana nhấn mạnh.

Thống kê về thị trường EU hiện nay cho thấy, 1/4 thị phần đang thuộc về giày thể thao - sản phẩm mà ngành da giày Việt Nam vốn đang có lợi thế. Do đó, các chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào cơ hội cho Việt Nam sản xuất các dòng sản phẩm giày thể thao. Vì vậy, nên đầu tư để tăng thị phần cho dòng sản phẩm này.

>>Việt Nam là nước xuất khẩu giày leo núi nhiều nhất vào Hàn Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển vọng cho da giày Việt tại EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO