Triển khai hợp tác công tư: Tìm đầu ra cho hàng Việt

KIẾN ĐẠT| 16/08/2016 04:19

Mô hình hợp tác công - tư đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, mà theo ý kiến của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đây chính là xu hướng hợp tác phổ biến tại nhiều quốc gia.

Triển khai hợp tác công tư: Tìm đầu ra cho hàng Việt

Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp (DN) càng cần được đẩy mạnh thành quan hệ đối tác, tạo cơ hội cho cả hai phía cùng bàn bạc, trao đổi, cùng sáng tạo, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cốt lõi cho sự phát triển của đất nước. 

Đọc E-paper

Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) - bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, tỷ lệ DN Việt Nam gặp khó khăn trong khâu phân phối đang tăng dần. Nguyên nhân là do chính sách pháp lý cho hoạt động phân phối hàng hóa chưa đồng bộ, chưa tạo động lực cho DN phát triển. Theo đó, hầu hết các DN nội địa đều "tự bơi" trong việc "mở đường" đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, thống kê cho thấy chỉ có 23% DN tham gia khảo sát đánh giá thuận lợi khi mua hàng nội địa qua trung gian. Nguyên nhân một phần phụ thuộc vào khâu logistics. Mức chi phí cho khâu này ở Việt Nam tương đương 25% GDP của cả nước, cao gấp 2 lần so với Nhật Bản, gấp 3 lần so với Mỹ và gần 1,5 lần so với Thái Lan.

Với thực trạng này, tại hội thảo "Tăng cường hợp tác công tư kết nối hàng Việt với các kênh phân phối" tổ chức tuần qua tại TP.HCM, đại diện Bộ Công Thương đã cam kết đẩy mạnh chủ trương hợp tác công tư để kết nối hàng Việt với các kênh phân phối. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ của đông đảo DN.

Mô hình hợp tác công - tư đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, mà theo ý kiến của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đây chính là xu hướng hợp tác phổ biến tại nhiều quốc gia.

Đơn cử, để thực hiện Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, Bộ Công Thương đã triển khai ba nhóm chương trình hỗ trợ, gồm thông tin truyền thông, kết nối cung cầu và đào tạo thông qua 148 chương trình, nhiệm vụ tính từ năm 2014 đến nay.

Thông qua đề án này, có thể thấy vai trò liên kết hợp tác công - tư trong việc triển khai Quyết định 634 của Chính phủ là rất quan trọng, từ đó góp phần phát triển thị trường.

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, chương trình đối tác công - tư đang được vận dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực. Đối với sản xuất và bán lẻ, những năm qua, Bộ Công Thương cùng với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác công - tư nhằm hỗ trợ các hiệp hội DN, các DN nhỏ và vừa thông qua những chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, khoa học công nghệ.

Đặc biệt với Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần ấy. Đề án này hướng tới giúp DN tiếp cận được các chủ trương, chính sách hỗ trợ để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh cũng như khuyến khích các DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, phát triển thị trường trong nước và nước ngoài.

Bà Trần Thị Minh Tâm - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho rằng, nhờ mối quan hệ hợp tác công - tư mà phát huy được các chương trình khuyến công.

Hằng năm, với nguồn ngân sách hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng được huy động từ kinh phí trung ương và địa phương, chương trình khuyến công đã động viên và huy động được các nguồn lực trong nước tham gia, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Có thể thấy, dù nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước không nhiều so với tổng mức đầu tư của các DN, nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, xây dựng mô hình trình diễn phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới... tạo động lực lan tỏa trong cộng đồng DN.

Từ đó hỗ trợ DN nâng cao tính chủ động, tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí, sản phẩm đạt chất lượng cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Song, theo bà Tâm, chương trình đối tác công - tư không chỉ đơn giản là cơ chế cấp kinh phí của Nhà nước, mà là cơ chế để khai thác tối đa các thế mạnh về đầu tư, sản xuất, quản lý, khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân ở nông thôn.

Vì vậy, chương trình khuyến công xác định ngân sách không phải là nguồn cung cấp tài chính cho phát triển công nghiệp nông thôn mà là coi trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh nội lực của DN, đồng thời kêu gọi DN chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tối đa hóa lợi ích từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Ngoài những chính sách chung, tại mỗi tỉnh, thành đều có kế hoạch cụ thể để hợp sức với DN. Như Sở Công Thương TP.HCM cam kết không ngừng cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giúp giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của DN, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường, nắm chắc diễn biến thị trường để hỗ trợ thông tin cho DN.

Song song đó, đẩy mạnh việc kết nối giữa các tổ chức tín dụng với DN để giải quyết nguồn vốn cho sản xuất; tập trung phát triển hệ thống phân phối.

"Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, quan hệ giữa chính quyền và DN càng cần được đẩy mạnh thành quan hệ đối tác, tạo cơ hội cho cả hai phía cùng bàn bạc, trao đổi, cùng sáng tạo, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cốt lõi cho sự phát triển của đất nước", bà Tâm nhấn mạnh.

>Trạm Trung chuyển thủy sản Metro: Mô hình hợp tác công tư hiệu quả

>Triển khai dự án công tư: Mấu chốt ở lợi ích tổng thể

> PVFCCo tham gia mô hình hợp tác công tư PPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển khai hợp tác công tư: Tìm đầu ra cho hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO