TP. Hồ Chí Minh: 5 nhiệm vụ cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh

DUY KHUÊ| 06/07/2016 01:21

Cùng với mục tiêu chung, TP.HCM đã đặt ra 5 nhiệm vụ nhằm cải cách đồng bộ môi trường đầu tư, kinh doanh...

TP. Hồ Chí Minh: 5 nhiệm vụ cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh

Ngày 3/7, Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM đã gặp 174 doanh nghiệp (DN), hội DN 24 quận - huyện và 12 hội ngành nghề trên địa bàn Thành phố để triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ (NQ 35) về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. 

Đọc E-paper

Để triển khai NQ 35, TP.HCM xây dựng mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 500.000 DN, trong đó có những DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; khu vực DN tư nhân đóng góp khoảng 60 - 62% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 6,5%/năm; có khoảng 30% DN đổi mới, sáng tạo mỗi năm.

Cùng với mục tiêu chung, TP.HCM đã đặt ra 5 nhiệm vụ nhằm cải cách đồng bộ môi trường đầu tư, kinh doanh. Thứ nhất, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới, sáng tạo.

Thứ ba, đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN. 

Thứ tư, giảm chi phí kinh doanh cho DN.

Thứ năm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Theo đó, tại mỗi nhiệm vụ, Thành phố đều có những giải pháp khá chi tiết.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) được Lãnh đạo Thành phố giao nhiệm vụ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban ngành có liên quan tổ chức gặp gỡ định kỳ đầu quý với các hiệp hội ngành nghề và DN nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, báo cáo các vấn đề ngoài thẩm quyền, khả năng giải quyết để UBND Thành phố có biện pháp kịp thời tháo gỡ, đồng thời phổ biến các quy định, cơ chế và chính sách để DN nắm bắt thông tin, đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh.

Trước những mục tiêu chung được UBND Thành phố đặt ra nhằm triển khai NQ 35, tại buổi gặp, ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho rằng NQ 35 ra đời rất kịp thời, hữu ích đối với DN, song ở một góc độ khác, phía Hội bày tỏ lo ngại Thành phố khó đạt mục tiêu 500.000 DN chỉ trong vòng 4 năm tới.

Theo ông Quốc Anh, Thành phố nên đặt mục tiêu làm thế nào để các DN nhỏ và siêu nhỏ hiện nay phát triển mạnh lên, thay vì nhắm đến phát triển số lượng DN. Hội Cao su - Nhựa còn đề nghị Lãnh đạo Thành phố nói rõ hơn về những hỗ trợ DN liên quan đến chuỗi cung ứng, hỗ trợ DN liên kết với nhau.

"Hiện nay chi phí logistics tại Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, nên đề nghị lãnh đạo Thành phố tạo điều kiện để DN liên kết, an tâm sản xuất", ông Quốc Anh nói.

Ông Trần Quốc Toản - Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH MTV Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) chia sẻ, DN muốn phát triển phải có thị trường, nhưng thực hiện các hiệp định tự do thương mại nên phải cắt giảm thuế quan theo lộ trình tiến về mức 0% đối với thuế nhập khẩu, thị trường hứa hẹn sẽ rất cạnh tranh.

Do đó, kỳ vọng Nhà nước sớm đưa ra những dự báo để DN có sự chủ động về chất lượng cũng như số lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Hiện nay, các DN sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu cũng như việc xác nhận xuất xứ nguyên vật liệu, nếu để DN tự lực lo liệu thì rất khó, nên Thành phố cần phải có chiến lược vùng nguyên liệu, đặc biệt là đối với các DN ngành cơ khí.

Đại diện DN ngành dây và cáp điện, ông Nguyễn Lộc - Tổng giám đốc Công ty CP Dây Cáp điện Việt Nam (Cadivi) tán đồng kế hoạch chung về phát triển DN của Thành phố. Song theo ông Lộc, trong 500.000 DN, lãnh đạo Thành phố nên đặt vấn đề là dự kiến có bao nhiêu DN cốt lõi, bao nhiêu DN đóng góp cho thương hiệu quốc gia, bao nhiêu DN có thể tự lực hoặc phải có sự hỗ trợ từ chính quyền.

Việt Nam đã và chuẩn bị ký nhiều hiệp định thương mại tự do, song có những ưu đãi dành cho Việt Nam mà chưa được chú trọng. Cụ thể, nhiều công trình vay vốn ODA, DN Việt Nam muốn tham gia phải đạt những chứng nhận do nhà thầu đặt ra. Song để xin được một giấy chứng nhận như thế, DN phải tốn rất nhiều thời gian và mất khoảng 200.000USD. Do đó, Nhà nước và các bộ ngành liên quan nên thông báo sớm để DN biết trước và tự tiên liệu.

Để triển khai NQ 35, HUBA được giao nhiệm vụ tổng hợp danh sách các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh hiện có đồng thời rà soát các DN có tiềm năng phát triển thành DN lớn trong thời gian tới. HUBA còn chịu trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN để chuyển đến các cơ quan quản lý. Định kỳ hằng quý báo cáo UBND Thành phố tình hình triển khai, thực hiện và gửi báo cáo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất điều chỉnh, bổ sung những nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Tại buổi gặp giữa Lãnh đạo TP.HCM và đại diện các hội ngành nghề, HUBA đã báo cáo tổng hợp các ý kiến từ Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện, Hội Lương thực - Thực phẩm, Hội Cao su - Nhựa và Hội Tin học TP.HCM liên quan đến các vấn đề về chính sách, đào tạo, thủ tục hoàn thuế...

DN cũng đề cập đến vấn đề hỗ trợ vay ngoại tệ với lãi suất 0%. Cụ thể, theo ông Võ Tấn Thịnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc - Cáp điện Thịnh Phát, doanh thu năm 2015 Thịnh Phát đạt 9.000 tỷ đồng, năm 2016 đặt mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ đồng, năm 2015 đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Myanmar đạt 150 triệu USD, nếu được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, Thịnh Phát dự kiến sẽ đem về 800 triệu USD trong năm 2016.

Đánh giá cao ý kiến đóng góp của các DN, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh, mọi kế hoạch, chương trình hành động cần phải làm cho NQ 35 trở thành động lực để DN phát triển. Theo Bí thư Đinh La Thăng, mục tiêu có ít nhất 500.000 DN vào năm 2020 của Thành phố là hoàn toàn có cơ sở, thể hiện khát vọng về phát triển kinh tế, thương mại, giáo dục, khoa học - công nghệ.

Thành phố hiện có khoảng 250.000 hộ kinh doanh cá thể, theo thông lệ hội nhập quốc tế, tới đây việc áp dụng hình thức thuế khoán sẽ không còn phù hợp. Vì vậy, hộ kinh doanh cá thể có thể chuyển thành DN nên mục tiêu nửa triệu DN vào năm 2020 là hoàn toàn có khả năng thực hiện.

Tới đây Thành phố sẽ có chương trình tổng kết 5 năm để xem thời gian qua DN trên địa bàn đã phát triển như thế nào và phát triển tới đâu, từ đó biết rõ người, rõ mình, rõ trách nhiệm.

Theo Bí thư Thành ủy, những DN, doanh nhân sản xuất - kinh doanh tốt phải được tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Về việc sử dụng vốn vay ODA, Bí thư Thành ủy cho biết, hiện nay, vốn ODA chỉ có các DN nhà nước tham gia với khoảng 20 tỷ USD. Song nếu DN tư nhân đảm trách được một số công trình thì không nhất thiết chỉ có DN nhà nước vay vốn ODA.

Bí thư Thành ủy khẳng định, Thành phố cam kết luôn đồng hành và sẵn sàng phục vụ DN, chia sẻ với DN những khó khăn, thách thức. Thành công của DN chính là thành công của Thành phố, mong muốn DN cùng chung tay để xây dựng Thành phố trở thành hòn ngọc Viễn Đông.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị chú ý tái cơ cấu DN, hoạt động phải minh bạch, đặc biệt là vai trò của hiệp hội ngành hàng. Chủ tịch đánh giá cao vai trò của các hiệp hội nước ngoài trong vấn đề hỗ trợ DN thành viên đang hoạt động tại TP.HCM. Lãnh đạo Thành phố kỳ vọng các hiệp hội ngành nghề, địa phương trên địa bàn ngày càng gắn kết với DN, với UBND Thành phố.

>Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Phải phục vụ doanh nghiệp vô điều kiện”

>Bí thư Thành ủy TP.HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI

> Năm 2020, TP.HCM phấn đấu đạt 500.000 doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP. Hồ Chí Minh: 5 nhiệm vụ cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO