Tiếp cận vốn vay: Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

DUY KHUÊ| 19/07/2016 04:44

Nếu không linh hoạt, mở rộng tiêu chí cho vay thì doanh nghiệp nhỏ và vừa và các ngân hàng sẽ rất khó để tìm đến với nhau. Lâu nay, các NH thường "rập khuôn" một điều kiện cho vay: phải có tài sản đảm bảo.

Tiếp cận vốn vay: Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Nếu không linh hoạt, mở rộng tiêu chí cho vay thì doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và các ngân hàng (NH) sẽ rất khó để tìm đến với nhau. Lâu nay, các NH thường "rập khuôn" một điều kiện cho vay: phải có tài sản đảm bảo. 

Đọc E-paper

Vấn đề trên vừa được các DNNVV đề xuất tại tọa đàm "Khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa" diễn ra ngày 18/7 tại TP.HCM. Chương trình do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc World Bank Group và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phối hợp với sự tham dự của hơn 150 DN và đại diện các NH trên địa bàn TP.HCM.

Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ nhiệm CLB Tam Nông thuộc HUBA, hiện nay xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt lương thực đang được nhiều nước quan tâm và phát triển với quy mô lớn. Nhưng tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực này hầu như chỉ có DNNVV và chủ yếu chỉ thu mua, kinh doanh, xuất khẩu, rất ít DN đầu tư vào sản xuất. Nguyên nhân chính được các DN đưa ra là do bị hạn chế nguồn vốn.

Công bố thêm một khảo sát về nhu cầu nguồn vốn đối với DNNVV trong CLB Tam Nông, ông Vũ chia sẻ, có 42/50 DN cho rằng đang có nhu cầu về vốn để mở rộng đầu tư, mở rộng quy mô ngành nghề.

"Theo lý giải của nhiều DN, trước nay khi hoạt động với quy mô nhỏ, DN chủ động được nguồn vốn. Khi có những đơn hàng, hợp đồng lớn thì DN nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu vốn", ông Vũ nói.

Do đó, phía CLB Tam Nông đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên mở rộng điều kiện tiếp cận vốn vay đối với các DNNVV, thay vì chỉ gói gọn với điều khoản tài sản đảm bảo là bất động sản. Cũng cần lãi suất hợp lý, vì lãi suất cao thì DN khó kinh doanh hiệu quả.

Song hành ý kiến của DN, ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc chấp nhận tài sản thế chấp ở các NH Việt Nam đang có sự khập khiễng giữa đối tượng vay là DN quy mô lớn và DNNVV.

Cụ thể, các DN lớn thì dễ dàng vay vốn và thế chấp tài sản nhưng đây là mấu chốt hình thành nguồn nợ khó đòi, trong khi nhiều DNNVV vẫn có nguồn tài sản tốt, kinh doanh hiệu quả nhưng lại khó tiếp cận vốn vay NH.

Tại tọa đàm, nhiều DNNVV cho hay, họ cần các hiệp hội hỗ trợ giới thiệu để DN dễ dàng vay vốn NH. Theo các NH, vừa qua đã có một vài NH kết nối với các hiệp hội DN xây dựng mức lãi suất ưu đãi đối với từng nhóm khách hàng riêng, cụ thể như ngành chế biến hạt điều, xuất khẩu gạo, cà phê, ngành may mặc... Hy vọng đây sẽ là tiền đề để ngày càng nhiều DN có thêm cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi.

Theo ông Thắng, hiện nay ngoài bất động sản và một số tài sản được NH định giá cho vay, ở một số nước, cũng đã có trường hợp NH xem xét, định giá cho DN vay dựa trên thâm niên, uy tín lẫn giá trị tài sản vô hình của DN.

Ông Thắng đặt vấn đề nên chăng cho DNNVV thế chấp tài sản vay vốn bằng bản quyền sáng chế hay những tài sản vô hình khác và xem đây là mô hình thí điểm.

Theo đại diện IFC tại tọa đàm, thẩm định là yếu tố quan trọng trong quyết định tài trợ vốn. Do vậy, DN đừng quá tập trung vào tài sản thế chấp là tài sản trí tuệ hay bất động sản, mà phải chứng minh được hiệu quả của dòng tiền trong DN.

Ở những thị trường kém phát triển, các NH thường từ chối cho DN vay do khó định giá tài sản thế chấp. Khi nói đến việc cho vay có bảo đảm, nhìn bề ngoài thì dễ thấy chỉ có tài sản hay bất động sản, song thực chất là các NH phân tích kỹ nhiều mặt hoạt động của DN.

Bà Nguyễn Xuân Thảo - chuyên gia IFC chia sẻ, các yếu tố luôn được NH lưu ý khi tiến hành thẩm định cho DN vay đó là dòng tiền, sự tăng trưởng, và khả năng thanh toán nợ của DN trong nhiều năm. Theo bà Thảo, ở những quốc gia phát triển như Mỹ thì tài sản trí tuệ cũng rất ít được thẩm định, vì việc làm này rất tốn kém.

"Do đó, các NH thường thẩm định toàn bộ DN để thấy được dòng tiền của DN rồi mới tiến hành cấp vốn. Những đánh giá chung về DN đều phải dựa trên những chỉ số tổng thể chứ không thể dựa trên một mặt hàng, một khía cạnh, một lĩnh vực của DN, hay một nhãn hiệu", bà Thảo nhấn mạnh.

>M&A và 3 ưu thế của doanh nghiệp vừa và nhỏ

>Phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chuẩn bị gì?

>Vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếp cận vốn vay: Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO