Thương hiệu Việt cần làm gì?

Lương Mạnh Hùng| 02/03/2020 09:32

Tôi hy vọng rằng hàng Việt Nam sẽ ngày càng nâng cao về chất lượng và tăng dần độ phủ sóng, ngày càng phát triển mạnh mẽ và được nhiều người tin yêu và sử dụng.

Thương hiệu Việt cần làm gì?

Tôi là người có sở thích là đi sưu tập những đồ hóa mỹ phẩm như: dầu gội, kem đánh răng, bột giặt…Sở dĩ tôi có sở thích này là vào đầu năm 2017, lúc đó kinh tế gia đình tôi khó khăn, nên phải hướng đến những sản phẩm có giá thành rẻ để tiết kiệm tiền. 

Nhà tôi bị hết bột giặt, tôi vào siêu thị mini gần nhà để tìm mua bột giặt. Dạo qua gian hàng bột giặt, đập vào mắt toàn là những thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, dĩ nhiên giá thành thì không hề rẻ chút nào. Đi vào trong góc, tôi phát hiện 1 gói bột giặt 6kg mà giá chỉ có 105.000, lại còn được tặng kèm 1 chai nước rửa chén 1,5 lít, đó là bột giặt Net Extra. Tôi liền mua ngay lập tức, trong lòng hân hoan vì mua được 1 gói bột giặt vừa to, vừa rẻ mà lại có quà tặng nữa. Sau một lần giặt đồ, tôi thấy dòng bột giặt này cũng khá thơm mà lại còn sạch, quả là xứng đáng với cái logo “hàng Việt Nam chất lượng cao”. Mặt hạn chế là khả năng lưu hương kém, khi quần áo đã khô thì hương thơm cũng không còn, tuy nhiên đây chỉ là 1 yếu tố phụ. Với tôi, chỉ cần quần áo sạch là được. Tôi chợt nhận ra, hàng Việt Nam xài cũng tốt đấy chứ, mà giá thành lại rẻ nữa, vậy mà hơn 20 năm qua, gia đình tôi lúc nào cũng dùng bột giặt của công y nước ngoài sản xuất, nếu hồi đó mà dùng hàng Việt thì đã tiết kiệm được biết bao nhiêu là tiền rồi nhỉ!

Vô tình tôi đọc được 1 bài báo nói rằng hàng nội địa đang bị lép vế ngay trong chính sân nhà của mình. Các thương hiệu lớn của nước ngoài chiếm đến 90% thị phần, 10% còn lại của vô số các công ty Việt Nam cùng những hàng ngoại ít nổi tiếng khác. Có những mặt hàng gần như bị rơi vào quên lãng, chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ như: kem đánh răng Dạ Lan, bột giặt Daso…

 “Tại sao người Việt Nam lại không ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam?” Từ đó tôi tâm niệm mình sẽ ủng hộ hàng Việt Nam, sẽ tập trung tìm mua các sản phẩm của Việt Nam. Không dừng lại ở bột giặt, tôi nhìn sang những mặt hàng khác như dầu gội, kem đánh răng, nước rửa chén, tôi ngỡ ngàng phát hiện ra tất cả những thứ này Việt Nam đều tự sản xuất được. Tôi tìm thấy dầu gội Thorakao bồ kết, chai lớn 700ml mà giá chỉ có 36.000, với thể tích như vậy mà là 1 thương hiệu ngoại thì giá phải gấp 3-4 lần. Kem đánh răng Hynos 200g mà giá chỉ có 16.500, lại còn được tặng kèm bàn chải. Tôi rất ấn tượng với Hynos, nó mang hương vị bạc hà rất mạnh, phải nói là đậm hương bạc hà nhất trong tất cả các dòng kem bạc hà, dùng xong thấy sạch miệng. Hóa ra kem đánh răng của Việt Nam vừa rẻ mà lại vừa tốt đấy chứ. Nói đến xà bông cục, hẳn ai cũng nghĩ ngay tới dòng sản phẩm của nước ngoài bán, nhưng tôi cố tình tìm những thương hiệu khác, miễn là của Việt Nam. Tôi lại tìm được xà bông Cỏ May, Hoa Lài của công ty Mỹ Hảo, phải nói là 2 dòng này rất thơm, dù xà bông được đặt trong 1 túi nylon, bên ngoài là hộp giấy còn nguyên, nhưng mùi hương vẫn tỏa ra thoang thoảng bên ngoài.

Tôi nghĩ rằng: hàng Việt đâu chỉ có vài thương hiệu như vậy mà còn rất nhiều thương hiệu khác. Tại sao mình không thử trải nghiệm nhiều sản phẩm khác để thấy được sự khác nhau, ưu điểm, khuyết điểm của từng loại nhỉ? Như vậy từ 2017 đến nay, tôi đã có được một bộ sưu tập hóa mỹ phẩm của Việt Nam. Tôi tự tin nhận định rằng: đa số các sản phẩm Việt về hóa mỹ phẩm là dùng được, chất lượng từ mức trung bình khá cho đến tốt, quan trọng là giá thành rẻ, nhờ vậy mà gia đình tôi đã tiết kiệm được kha khá tiền trong giai đoạn khó khăn. Tôi cho rằng: để sáng chế ra 1 sản phẩm thì đòi hỏi con người phải đầu tư nhiều chất xám, công sức, thời gian, tiền bạc. 1 sản phẩm ra đời là thành quả lao động của cả 1 đội ngũ. Vậy nên bất cứ sản phẩm nào mới ra đời, khách hàng nên mua dùng thử ít nhất 1 lần, để trải nghiệm những giá trị tốt đẹp của nó mang lại.  

Theo tôi, điều mà các doanh nghiệp Việt cần làm bây giờ là phải liên kết với các kênh bán hàng online. Các doanh nghiệp thường có chung 1 thiếu sót rất lớn trong khâu marketing. Đó là các doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm đến khách hàng, nhưng lại không cho khách hàng biết sản phẩm đó đang được bán ở các địa chỉ nào? Trong khi “độ phủ sóng” của sản phẩm lên các tạp hóa, siêu thị lại khá thưa thớt. Tôi là khách hàng, sau khi xem 1 video quảng cáo, tôi muốn mua sản phẩm đó, nhưng khi đi siêu thị thì tôi lại không thấy bán, trong khi siêu thị là nơi tập trung và bán rất đa dạng các mặt hàng

Ngày nay, có những nền tảng như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada…đều có bán đa dạng các mặt hàng của nhiều công ty. Không hiểu tại sao nhiều doanh nghiệp có tiếng tăm nhưng lại không liên kết với những kênh bán hàng online này để phổ biến sản phẩm của mình đến với toàn thể đồng bào trên cả nước? 

Một điều rất quan trọng nữa: doanh nghiệp nên tuyển chọn và đào tạo ra một đội ngũ nhân viên tiếp thị và chăm sóc khách hàng một nhiều thái độ tích cực. Đây là điểm mà một số doanh nghiệp làm chưa tốt. 

Trong quá trình săn lùng các sản phẩm Việt có tiếng tăm nhưng lại không tìm thấy trong các siêu thị. Tôi thường tìm đến trang website, facebook, email của công ty để hỏi mua sản phẩm, một vài công ty thì trả lời, một số công ty thì không trả lời. Có người từ chối bán và cũng không cho tôi biết địa chỉ của cửa hàng bán lẻ. Có người thì nói sẽ bán cho tôi qua đường bưu điện, nhưng rồi chờ mãi không thấy hàng tới, tôi có gọi điện hỏi lại thì người ta bảo rằng do bận nên chưa gửi được, sẽ gửi cho tôi trong vài ngày nữa, nhưng rồi cuối cùng vẫn là không gửi. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể thua kém các tập đoàn nước ngoài về công nghệ, chi phí marketing, còn về những cái như chăm sóc khách hàng, chúng ta hoàn toàn có thể làm ngang ngửa hoặc tốt hơn khó. Sự thật là vẫn có một số công ty trả lời một cách thân thiện, vui vẻ, chấp nhận bán dù tôi mua số lượng ít và không hề tính phí vận chuyển. 

(Bài dự thi Chương trình Doanh Nhân với Người tiêu dùng)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương hiệu Việt cần làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO