Ngày thi thứ 9: SV ĐH Mở thuyết phục với đề án "lạ"

PHÚC AN| 10/09/2013 06:37

Kết quả, trong buổi thi sáng 9/9 có 3 thí sinh đạt giải là Trần Quản Trọng (47,3/50) Nguyễn Trung Hiếu 40,6/50 và Khưu Huệ Nghi (40/50)

Ngày thi thứ 9: SV ĐH Mở thuyết phục với đề án

Sáng 9/9, 6 thí sinh với 6 đề án thuộc lĩnh vực dịch vụ y tế - giáo dục đã bước vào tranh tài sôi nổi trước Ban giám khảo (BGK) gồm: Bà Võ Thị Phương Lan – Giám đốc Công ty cổ phần Giao Nhận Mỹ Á, bà Huỳnh Thị Thu Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn và ông Lại Minh Duy – Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần DV Du lịch & Thương mại TST.

6 thí sinh dự thi trong sáng 9/9

Mở đầu buổi thi là dự án “Olympus – chương trình dạy tiếng Anh tương tác“ của Đặng Hữu Hòa - sinh viên ĐH Mở TP.HCM. Với kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh, Hữu Hòa hy vọng sẽ tạo được một mô hình dạy và học tiếng Anh giao tiếp năng động, hiệu quả.

Giám khảo Lại Minh Duy góp ý khi đưa ra ý tưởng lớp học đứng thì Hòa cần phải có giải pháp để học viên đứng trong một không gian được chuẩn bị chứ không phải một phòng trống. Chẳng hạn, học viên và giáo viên cần những chỗ tựa để ghi chép nhanh. Ý tưởng của Hữu Hòa được đánh giá tốt, trình bày lưu loát nhưng kế hoạch tài chính có nhiều thiếu sót lớn. Đây cũng là điểm yếu của hầu hết dự án dự thi.

Giám khảo Phương Lan đặt câu hỏi cho một số điểm chưa rõ như Olympus là công ty, cơ sở hay tố chức? Địa điểm ở đâu? Tiền thuê ra sao? Đã dự tính chi phí chưa. Nếu Hòa muốn nhượng quyền thì phải định vị thương hiệu, có sản phẩm khác biệt, giá cả phải cụ thể. Chiến lược nhân sự từ đội ngũ giảng viên cho đến nhân viên cần được xây dựng cụ thể hơn.

Thí sinh thứ 2, Trần Quản Trọng – sinh viên ĐH Mở TP.HCM đem đến những bất ngờ thú vị cho BGK với dự án “ Công ty Mẹ và Bé" giảng dạy chương trình thai giáo với slogan “Cùng mẹ yêu thương”.

Xem phần trình bày của Trần Quản Trọng:


Khán phòng cùng cười ồ khi giám khảo Lại Minh Duy thắc mắc liệu thí sinh này đã làm bố hay chưa mà lại có ý tưởng kinh doanh dịch vụ đặc biệt này. Quản Trọng chia sẻ do mẹ mang thai em út khi hơn 40 tuổi, vì thương mẹ vất vả nên Trọng đã tự tìm hiểu các kiến thức về thai phụ và thai giáo để chăm sóc mẹ và em.

Giám khảo Thu Hà đánh giá đây là một ý tưởng rất hay và có tính khả thi cao. Giám khảo Phương Lan có lời khen cho phong cách tự tin, sự chuẩn bị chu đáo, dự án bài bản, tài liệu chỉn chu. Bà tin tưởng là đề án sẽ thành công tuy còn một số vấn đề như nhân sự, chiến lược cần hoàn chỉnh thêm. Giám khảo Lại Minh Duy Tính nhận xét đề án có tính nhân văn rất cao, thể hiện sự tỉ mỉ và cầu toàn của thí sinh.

Huỳnh Minh Bảo, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM là thí sinh thứ 3 dự thi với đề tài ”Thế giới cửa hàng ảo” – một không gian trực tuyến cho phép các công ty đặt gian hàng trưng bày của mình.

Giám khảo Thu Hà cho rằng các trang thương mại điện tử hiện nay nhiều đến mức bão hòa và bà chưa nhìn thấy điểm đặc biệt hay nổi trội từ dự án của Minh Bảo so với các trang khác hiện có. Giám khảo Phương Lan vốn là chủ một công ty vận chuyển hàng hóa nên bà rất quan tâm đến các vấn đề như: Làm sao để kiểm soát chất lượng hàng hóa mà trang này đại diện bán ra? Vấn đề kho bãi, vận chuyển, giao hàng sẽ được tiến hành ra sao? Nếu Minh Bảo chọn thị trường hẹp là những công ty nhỏ không có chi phí làm web thì phải định vị lại trang web của mình thật cụ thể. Bài toán tài chính cũng cần tính xa hơn.

Giám khảo Minh Duy lại cho rằng, hầu hết các công ty đều có trang web riêng nên “Thế giới ảo phải thực sự thú vị, nổi bật, được biết đến rộng rãi” thì mới thu hút được mọi người tin tưởng sử dụng dịch vụ.

Ý tưởng kinh doanh của thí sinh Khưu Huệ Nghi – sinh viên ĐH Mở TP.HCM là Phòng khám di động – một chiếc xe y tế với đầy đủ trang thiết bị để khám chữa bệnh tận nơi cho người dân các vùng nông thôn ở khu vực ĐBSCL.

Huệ Nghi trao đổi với giám khảo Thu Hà

Giám khảo Thu Hà đánh giá đây là một đề án rất táo bạo vì đầu tư vào ngành y tế thu hồi vốn rất chậm. Tính nhân văn cao của đề án rất cao vì hướng đến phục vụ bà con nông thôn. Vốn đầu tư 15 tỷ cho dự án là quá lớn và với cách làm như đã trình bày trong đề án thì 10 năm nữa cũng khó thu hồi vốn. Nếu quyết tâm làm, Huệ Nghi nên chuyển hướng sang phục vụ đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp, tuy là bộ phận thu nhập thấp nhưng có nhu cầu khám chữa bệnh rất cao.

Giám khảo Lại Minh Duy nhấn mạnh, ở ĐBSCL do đời sống còn khó khăn nên đại đa số người dân không có thói quen khám chữa bệnh thường xuyên. Huệ Nghi cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng văn hóa địa phương vì hiện nay dù là khám chữa bệnh từ thiện - miễn phí hoàn toàn thì các đoàn công tác còn phải kết hợp với địa phương vận động người dân ra khám.

Nguyễn Trung Hiếu – sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM giới thiệu dự án “Trung tâm luyện thị BULATS “READY” - giúp học viên vượt qua bài thi kiểm tra ngôn ngữ thương mại BULATS (Business Language Testing Service) được phát triển bởi Hội đồng khảo thí Cambridge. Đối tượng khách hàng mục tiêu của dự án là sinh viên.

Giám khảo Phương Lan đánh giá sản phẩm này không mới và khẳng định trung tâm giảng dạy Anh ngữ có thành công hay không thì giáo viên đóng vai trò quan trọng. Lương thưởng cho giáo viên phải cạnh tranh với các trung tâm khác. Bà khẳng định nhân sự luôn là vấn đề đau đầu nhất trong công ty làm dịch vụ, và Trung Hiếu cần đưa ra nhiều phương án thực hiện và tính đến rủi ro. Dù bài toán tài chính chưa ổn nhưng đề án của Trung Hiếu đã tiệm cận mức khả thi.

Giám khảo Thu Hà khuyên Trung Hiếu phải chủ động trong việc tuyển dụng, tuyển giáo viên thì phải có phương pháp sư phạm chứ không phải bất cứ ai giỏi tiếng Anh cũng có thể dạy tiếng Anh giỏi.

Giám khảo Lại Minh Duy nhắn nhủ với tất cả thí sinh:
“Ai cũng có quyền mơ ước nhưng để thực hiện được ước mơ cần phải đi trên mặt đất.”

Giám khảo Lại Minh Duy đánh giá chung dự án cả hai đề án dạy tiếng Anh: Hữu Hòa và Trung Hiếu có kiến thức ngoại ngữ tốt và mong muốn chia sẻ đam mê tiếng Anh, cơ hội học tiếng Anh cho các bạn sinh viên với tinh thần tự lập rất cao. Tuy các thí sinh đã bắt đầu kinh doanh từ thực tế, từ số vốn nhỏ nhưng về mặt phát triển lâu dài thì đề án chưa thuyết phục. Giữa ý tưởng và thực hiện còn độ chênh. Nếu việc kinh doanh phát triển nhanh sẽ không thể kiểm soát, nếu thất bại thì mất một số tiền lớn mà nguy cơ này là rất cao nếu không tính toán cẩn thận.

Trả lời câu hỏi về định nghĩa “hiếu nghĩa” trong tư tưởng của danh nhân Lương Văn Can, thí sinh Trung Hiếu cho rằng sống hiếu nghĩa tức là sống có đạo đức, có tình nghĩa, từ mối quan hệ trong gia đình đến các mối quan hệ ngoài xã hội. Kinh doanh có hiếu nghĩa, là kinh doanh có trách nhiệm với chính bản thân, với khách hàng, đối tác và với cộng đồng xã hội.

Thí sinh cuối cùng dự thi là Nguyễn Ngọc Trâm – sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM – với Dự án “CSR Concept - Giải pháp trách nhiệm xã hội cho DN Việt Nam vừa và nhỏ”. Mục tiêu của dự án là tư vấn hoạt động CSR cho các doanh nghiệp với chi phí thấp và hiệu quả cao. Đây là dự án mà Trâm đã ấp ủ từ hơn 2 năm qua và đến với cuộc thi, Trâm còn mong muốn “chiêu mộ nhân tài” là các thí sinh tài năng để cùng tham gia vào đội ngũ của mình.

>2 thí sinh đầu tiên đạt giải
>
Ngày thi thứ 2: Nguyễn Lê Minh Triết vượt lên dẫn đầu
> Ngày thi thứ 3: Thí sinh ngành xã hội đạt điểm cao nhất
> Ngày thi thứ 4: Sinh viên ĐH Tân Tạo đạt điểm kỷ lục
> Ngày thi thứ 5: Thí sinh giành giải sau 4 lần dự thi.
> Ngày thi thứ 6: Không có dự án nào đạt giải
> Ngày thi thứ 7: Sinh viên Ngoại thương giành ưu thế

> Ngày thi thứ 8: Amibus đạt điểm kỷ lục 49,6/50

Giám khảo Lại Minh Duy nhận xét Ngọc Trâm có khát khao mãnh liệt và niềm say mê lớn với ý tưởng này. Giám khảo này chia sẻ: "Đề án nhỏ, vừa tầm thì rủi ro không lớn. Nhưng với dự án của Ngọc Trâm thì không thể gọi là ý tưởng mà phải gọi là lý tưởng. Và cũng vì thế mà đoạn đường từ lý tưởng đến ước mơ với Trâm sẽ không đơn giản. Việc thuê tư vấn để can thiệp vào quá trình cải tổ của công ty không phải là một lựa chọn phổ biến của các doanh nghiệp Việt và đây sẽ là rào cản rất lớn của em”.

Giám khảo Thu Hà đánh giá đây là dự án rất lớn, liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều cơ quan ban ngành chức năng và tổ chức. Thực sự thì chính bà cũng chưa nghĩ đến và chưa hình dung được ý tưởng này sẽ trở thành hiện thực như thế nào. Giám khảo này chỉ nhắn nhủ: Để làm được điều này, ngoài nhiệt huyết thì Ngọc Trâm còn cần thêm kiến thức và kinh nghiệm.

Giám khảo Minh Duy khuyên Ngọc Trâm hãy tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình, hãy va chạm thực tế, trải qua quá trình làm việc tại các doanh nghiệp… Giám khảo này cũng chia sẻ kinh nghiệm 20 năm lăn lộn thương trường và khuyên các thí sinh đừng nên làm tới đâu tính tới đó, vì sẽ đến lúc tính không kịp. Có khách hàng đã khó, giữ khách hàng còn khó hơn. Các em cần xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng từ nhân sự tới chiến lược kinh doanh và tài chính. Cả hiệu quả lẫn hậu quả đều phải tính trước phương án dự phòng.

Kết quả, trong buổi thi sáng 9/9 có 3 thí sinh đạt giải là Trần Quản Trọng (47,3/50), Nguyễn Trung Hiếu (40,6/50) và Khưu Huệ Nghi (40/50).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày thi thứ 9: SV ĐH Mở thuyết phục với đề án "lạ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO