Luật Quảng cáo: Vướng ngang, vướng dọc

ĐĂNG KHOA| 07/01/2015 04:51

Hai năm qua, kể từ khi Luật Quảng cáo (LQC) có hiệu lực (1/1/2013), vẫn còn nhiều khó khăn chồng chéo phát sinh làm nản lòng không ít các doanh nghiệp (DN) ngành quảng cáo trong và ngoài nước.

Luật Quảng cáo: Vướng ngang, vướng dọc

Hai năm qua, kể từ khi Luật Quảng cáo (LQC) có hiệu lực (1/1/2013), vẫn còn nhiều khó khăn chồng chéo phát sinh làm nản lòng không ít các doanh nghiệp (DN) ngành quảng cáo trong và ngoài nước.

Đọc E-paper

Mới đây, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (HHQC) tổ chức hội thảo tại Hà Nội và TP.HCM để tiếp thu ý kiến của hội viên và một số DN có hoạt động quảng cáo.

Theo phản ánh của các DN, tại Khoản 2, Điều 19 LQC chỉ yêu cầu "Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt", không quy định các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải xác nhận nội dung trước khi quảng cáo.

Tuy vậy, Điều 12, Nghị định 181 ngày 14/11/2013 của Chính phủ lại quy định: "Việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định từ Điều 3 đến Điều 11 Nghị định này chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo" (Khoản 1); đồng thời giao cho "Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực được phân công quản lý hoặc theo phân cấp thẩm quyền xác nhận theo quy định" (Khoản 2).

Như vậy, Điều 12, Nghị định số 181 có nội dung không phù hợp với Điều 19, LQC vì thực chất làm phát sinh thêm một loại giấy phép quảng cáo.

Điều này, trong quá trình dự thảo Nghị định đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cả HHQC cũng như các nhà quảng cáo có văn bản kiến nghị loại bỏ nhưng không được Chính phủ xem xét, vẫn đưa vào Nghị định 181.

Một khó khăn được các DN phản ánh là việc xin phép xây dựng công trình quảng cáo được giao cho ngành xây dựng quản lý là hợp lý, nhưng quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập.

Do chưa có sự đồng bộ giữa các quy định theo LQC, Luật Xây dựng, Luật Đất đai về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo nên các DN hoạt động quảng cáo ngoài trời rất khó khăn khi làm thủ tục xin phép.

LQC quy định phải có một trong những loại giấy tờ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Điểm c, Khoản 3, Điều 31).

Luật Xây dựng quy định, khi xin phép xây dựng bảng quảng cáo phải có quyền sử dụng đất hợp pháp.

Luật Đất đai 2013 quy định đất phải được sử dụng đúng mục đích; phải xin phép Nhà nước khi "Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ” (Điểm d, Điểm g, Khoản 1, Điều 57).

Trong khi đó, các công trình quảng cáo là công trình nhỏ, đơn lẻ, hầu hết đều dựng trên đất nông nghiệp, đất công cộng, chỉ mang tính chất tạm thời (từ 5-10 năm), mỗi bảng lớn cũng chỉ sử dụng vài chục m2 đất làm móng.

Nếu mỗi bảng phải làm các thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định như các công trình lớn, dài hạn khác thì rất khó khăn và càng phức tạp hơn khi hết hạn thuê đất hoặc thay đổi quy hoạch lại phải chuyển đổi lại mục đích sử dụng về đất nông nghiệp, khó khả thi.

Bất cập hơn nữa, khi hầu hết các quận, huyện chưa được hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo nên không nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cho DN, làm ngưng trệ việc kinh doanh của các DN quảng cáo.

Đây là những thủ tục lòng vòng rất nan giải đối với DN quảng cáo nên đã có nhiều trường hợp DN phải chấp nhận vi phạm quảng cáo " không phép" hoặc tự tìm cách này hay cách khác để có vị trí treo, đặt bảng quảng cáo dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh và phát sinh lối lộ.

Từ những bất cập nêu trên, hai năm qua, hoạt động quảng cáo ở Việt Nam có phần bị ngưng trệ và giảm sút. Theo đánh giá của Quỹ Nghiên cứu Phát triển Quảng cáo (FAR) thuộc Trường Đại học USC, Queensland, Úc, mấy năm gần đây, quảng cáo ở Việt Nam có xu hướng giảm do gặp phải những khó khăn vướng mắc, trong đó có phần do cơ chế quản lý còn hạn chế: Năm 2000 quảng cáo chiếm 0,62% GDP; năm 2010 xuống 0,54%, năm 2014 xuống còn 0,51% và dự báo năm 2016 chỉ còn 0,48% GDP.

Trong khi đó ở Indonesia, năm 2000 quảng cáo mới chiếm 0,34% GDP, năm 2010 đã tăng lên 0,65%, năm nay được dự báo sẽ đạt 0,86% và năm 2016 dự báo đạt tới 1,06%.

Để có sự nhất quán giữa các văn bản pháp quy, HHQC vừa đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho bổ sung vào LQC việc xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; hoặc Chính phủ cần điều chỉnh Nghị định 181/2013/NĐ-CP theo đúng tinh thần của LQC và yêu cầu các bộ sửa lại các thông tư hướng dẫn không phù hợp với LQC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luật Quảng cáo: Vướng ngang, vướng dọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO