Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh: Kịp thời lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tư duy nhanh, giải quyết gọn

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 22/03/2016 00:33

Sau hai cuộc gặp giữa lãnh đạo TP.HCM với DN trong nước và DN nước ngoài với chủ đề "Lắng nghe và đổi mới", cộng đồng DN ở TP.HCM đang có thêm niềm tin vào sự kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh: Kịp thời lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tư duy nhanh, giải quyết gọn

Sau hai cuộc gặp giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp (DN) trong nước và DN nước ngoài với chủ đề "Lắng nghe và đổi mới", có thể thấy, cộng đồng DN ở TP.HCM đang có thêm niềm tin vào sự kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước. 

Đọc E-paper

Hiệu ứng từ "đường dây nóng"

Một ngàn hai trăm cuộc gọi, hơn 800 tin nhắn từ người dân gửi vào số điện thoại của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chỉ trong vòng 43 giờ sau khi Văn phòng Thành ủy công bố đường dây nóng 0899247247 (từ 21 giờ ngày 19/2 đến 16 giờ ngày 21/2) với đa số phản ánh những vấn đề cấp bách của Thành phố, như quản lý đô thị, an ninh trật tự..., cho thấy sự quan tâm, nhu cầu chia sẻ thông tin cũng như nguyện vọng đóng góp của người dân vào sự phát triển chung của TP.HCM là rất lớn.

Hiệu ứng "đường dây nóng" của ông Đinh La Thăng không chỉ nhận được phản hồi tích cực từ người dân, mà mới đây, trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và DN nước ngoài trên địa bàn với chủ đề "Lắng nghe và đổi mới", diễn ra hôm 16/3, các DN nước ngoài đánh giá cao tính thiết thực của phương thức tiếp cận này.

Ông Han Dong Hee, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham), bày tỏ, điều mà DN nước ngoài nói chung và DN Hàn Quốc đang kinh doanh tại TP.HCM nói riêng quan tâm là chính sách đầu tư lẫn mối quan hệ với chính quyền, nhất là các sở liên quan.

"Chúng tôi rất vui vì TP.HCM đã thiết lập đường dây nóng với người lãnh đạo cao nhất của Thành phố. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông báo rộng rãi cho các DN Hàn Quốc về đường dây nóng này", ông Han Dong Hee nói. Hiện, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại TP.HCM, với 900 DN đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Liên quan đến "đường dây nóng", ông Motoshisa Nakagawa, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAH) đánh giá cao sự đổi mới của TP.HCM trong cách tiếp cận với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, đặc biệt là chương trình bàn tròn giữa DN Nhật Bản và lãnh đạo TP.HCM được tổ chức thường xuyên và gần đây là đường dây trực tiếp đến Bí thư Thành ủy.

Trước đó không lâu, trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 2/2016, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM đã đề cập đến việc chính quyền Thành phố đang xem xét lập đường dây nóng ở các sở, ngành, quận, huyện để kịp thời nắm bắt nguyện vọng của người dân, của cộng đồng DN.

Trong cả hai lần tiếp DN trong nước và nước ngoài, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đều nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề đối thoại của năm nay là "Lắng nghe và đổi mới", bởi quá trình hội nhập đang diễn ra nhanh chóng, trong khi TP.HCM đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Với đội ngũ doanh nhân, lực lượng DN là động lực chính cho sự phát triển thì việc lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN để có hướng đổi mới về chính sách, tạo môi trường đầu tư phù hợp với xu thế chung là rất cần thiết.

Trong những đổi mới đó, có sự đổi mới cách làm việc giữa các sở, ngành với DN, đòi hỏi sự chính xác và có thời hạn cụ thể để giải quyết dứt điểm các vấn đề DN nêu, chấm dứt việc trả lời chung chung làm mất thời gian của đôi bên và không đạt hiệu quả mà mục tiêu chương trình đã đề ra như Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã nhấn mạnh, đó là kịp thời lắng nghe ý kiến của DN, tư duy nhanh và giải quyết gọn.

Cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Trong những lần đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và cộng đồng DN, ông Đinh La Thăng thường đề cập đến vấn đề "niềm tin". Cộng đồng DN trong nước, NĐT nước ngoài phải có niềm tin vào lãnh đạo, vào sự phát triển của TP.HCM.

Đảng bộ và chính quyền đang tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X với mục tiêu đưa TP.HCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo đó, bên cạnh "ba đột phá” chung mà Chính phủ đề ra là hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, TP.HCM đã đề ra bảy chương trình đột phá để phát triển nhanh, bền vững, trong đó đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh.

Điều này phụ thuộc nhiều vào lực lượng DN trong và ngoài nước, do đó, lãnh đạo Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện để DN đầu tư, kinh doanh, phát triển. Hơn nữa, theo Bí thư Đinh La Thăng, TP.HCM đang triển khai chính quyền điện tử, giải quyết công việc chủ yếu qua internet, vừa phù hợp với xu thế quốc tế, vừa giảm thiểu thời gian của DN và nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý.

>Bí thư Thành ủy TP.HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI

>Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Phải phục vụ doanh nghiệp vô điều kiện”

> TP. Hồ Chí Minh - Vẫn là lựa chọn số 1 của doanh nghiệp FDI?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh: Kịp thời lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tư duy nhanh, giải quyết gọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO