![]() |
Từ ngày 7 - 9/4, Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã đến thăm và làm việc tại Hội Cao su - Nhựa, Hội Dệt May Thêu Đan, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM, CLB Doanh Nhân Sài Gòn nhằm nắm bắt hoạt động của các hội thành viên.
Đọc E-paper
Tại buổi làm việc với đoàn HUBA, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho biết, trong năm 2014, Hội đã kết nạp thêm 8 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 121 doanh nghiệp (DN).
Ban Lãnh đạo Hội thường xuyên tổ chức thăm hỏi hội viên, nắm bắt thông tin cụ thể về công nghiệp hỗ trợ để báo cáo lãnh đạo TP.HCM và HUBA có hướng hỗ trợ, phát triển; thường xuyên phổ biến, cung cấp thông tin, kết nối xúc tiến thương mại, hình thành đầu mối nhập nguyên liệu chung, giá cạnh tranh cho hội viên. Hiện nay, Hội đang chuẩn bị tổ chức đại hội nhiệm kỳ 6 nhân kỷ niệm 25 năm thành lập.
Hướng sắp đến, Hội sẽ thành lập câu lạc bộ doanh nhân trẻ. Các DN trong Hội hiện nay không vướng nợ xấu, không hàng tồn kho. Khoảng 90% DN tăng trưởng bình quân 10%, 5% gặp khó khăn do chọn sai mặt hàng và 5% không phát triển.
Hai khó khăn chính hiện nay là có 20 DN thuộc Hội còn nằm đan xen trong khu dân cư đang cần di dời và 10 DN cần vốn để đầu tư phát triển. Hội kiến nghị lãnh đạo Thành phố hỗ trợ các DN trong khu dân cư di dời ra các khu công nghiệp với diện tích thuê hoặc mua khoảng 2.000 - 3.000m2, trả chậm từ 5 - 15 năm với lãi suất 6%/năm.
Về vốn, khoảng 10 DN hiện nay đang cần vay vốn ưu đãi theo Quyết định 38 của thành phố với số vốn từ 2 - 5 tỷ đồng. Đề nghị Hiệp hội mời các sở ngành liên quan tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho các DN này. Về hội nhập, các DN cần hàng rào kỹ thuật thật chặt chẽ để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.
Thông tin với lãnh đạo HUBA, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, cho biết, năm vừa qua Hội đã kết nạp thêm 8 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 172 DN. Đa số DN trong ngành hiện đang thiếu vốn, các DN có quy mô khoảng 1.000 công nhân cần vốn khoảng 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng còn khó khăn (do không có tài sản thế chấp) hoặc đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của thành phố theo Quyết định 38 nhưng vướng nhiều thủ tục nên không vay được, đề nghị thành phố xem xét, sớm hỗ trợ.
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố, ngoài việc đẩy mạnh đổi mới công nghệ, máy móc cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu (sợi dệt) để các DN được hưởng các ưu đãi từ TPP.
![]() |
Lãnh đạo HUBA và đại diện CLB Doanh Nhân Sài Gòn tại văn phòng CLB |
Sáng 9/4, Chủ tịch HUBA Huỳnh Văn Minh đã đẫn đoàn đến thăm và làm việc tại CLB Doanh Nhân Sài Gòn. Bà Phan Thị Tuyết Mai, Phó chủ tịch Thường trực CLB cho biết, chuẩn bị gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), CLB định hướng đẩy mạnh xúc tiến thương mại với nhiều chương trình tìm hiểu các nước trong khối, trau dồi tiếng Anh giao tiếp và thương mại, dẫn đoàn xúc tiến thương mại đến các nước lân cận trong ASEAN.
Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của CLB là văn phòng chưa ổn định nên chưa đáp ứng quy mô của CLB với hơn 500 DN hội viên, trong đó có 1/4 là nữ. Sắp đến, CLB có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nhân nữ trong điều hành DN.
Chiều 9/4, Phó chủ tịch Thường trực HUBA Phạm Ngọc Hưng đã dẫn đoàn đến thăm và làm việc với Lãnh đạo Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA). Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA, cho biết, Hội đang chuẩn bị đại hội và trong nhiệm kỳ mới tiếp tục hỗ trợ DN hội viên với 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, HAWA tiếp tục tham gia vận động chính sách, liên kết với các hiệp hội tạo tiếng nói chung hỗ trợ DN. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước thông qua các hội chợ thường niên của ngành để quảng bá thương hiệu, giữ vững thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh qua các khóa đào tạo chuyên ngành, đặc biệt chú trọng các DN siêu nhỏ (hiện đang chiếm 90%). Chú trọng công tác chăm sóc hội viên, giải quyết các vướng mắc cho DN trong quá trình hoạt động cũng như hỗ trợ khi xảy ra tranh chấp thương mại quốc tế.