DN xuất khẩu thủy sản: Kiến nghị gỡ khó

NGÔN DÂN| 01/10/2013 09:10

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 có thể đạt 6,5 tỷ USD, tăng khoảng 300 triệu USD so với năm 2012.

DN xuất khẩu thủy sản: Kiến nghị gỡ khó

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 có thể đạt 6,5 tỷ USD, tăng khoảng 300 triệu USD so với năm 2012. Các doanh nghiệp (DN) thủy sản, trong đó có hai ngành chủ lực là cá tra và tôm đang nỗ lực vượt khó cùng với sự hỗ trợ nhiều mặt từ các cơ quan quản lý như tài chính, nông nghiệp, ngân hàng, thủ tục hành chính...

Đọc E-paper

Tôm xuất khẩu - Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan quản lý đã có những động thái được đánh giá là khá tích cực. Trong đó, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ NN & PTNN đang sửa đổi dự thảo thay thế Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT (TT 55) ngày 3/8/2011 Quy định việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng thực phẩm thủy sản.

Ngoài ra, để tránh tăng chi phí do chờ đợi kết quả kiểm nghiệm, cơ quan kiểm nghiệm sẽ không yêu cầu lô hàng đủ 70% khối lượng thành phẩm mới được đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP). Khi DN đề nghị, cơ quan kiểm tra có thể cấp ngay chứng thư, tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN.

Về góp ý thay thế Thông tư 55, VASEP đã gửi công văn nêu các kiến nghị của các DN hội viên xung quanh nội dung thông tư này với nhiều vấn đề quan trọng. Thứ nhất, thống nhất phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Thông tư 55 là các nhà máy chế biến thủy sản để xuất khẩu và các lô hàng xuất khẩu vào các nước có yêu cầu chứng thư.

Thứ hai, việc xuất khẩu thủy sản vào các nước có yêu cầu chứng thư (thuộc phạm vi, đối tượng của Thông tư) không phải là "tự nguyện", nên không cần phải "đăng ký tự nguyện" từ DN.

Thứ ba, bỏ quy định lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng xuất khẩu làm điều kiện cấp chứng thư, đề nghị các mức lỗi đánh giá trong bảng đánh giá các mặt hàng (đông lạnh, đồ hộp, hàng khô...) như trong Thông tư 55, việc xếp hạng các DN (1-2-3-4) sẽ được khoanh vùng theo các mức DN đạt được sau đánh giá.

Thứ tư, việc lấy mẫu định kỳ theo tần suất thời gian tại các DN xuất khẩu nên theo thời hạn, điển hình, hạng đặc biệt là 6 tháng/lần, hạng 1 là 3 tháng/lần và hạng 2 là 2 tháng/lần...

Bên cạnh đó, hội nghị "Đánh giá tình hình thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm tra ATTP và kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản xuất, nhập khẩu" mới được tổ chức tại TP. Cà Mau và TP.HCM, hầu hết các DN tham dự hội nghị này đều cho rằng, cách kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản như đã quy định tại Thông tư 55 không giải quyết được vấn đề mà còn làm giảm sức cạnh tranh của DN: vừa lấy mẫu bắt buộc để kiểm nghiệm lô hàng làm điều kiện cấp chứng thư, vừa kiểm soát điều kiện sản xuất của nhà máy.

Trong khi đó, tại khâu nuôi trước chế biến lại bị quản lý một cách lỏng lẻo. Cho đến nay, tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh vẫn tràn lan ở công đoạn này. Vì thế, dù các DN có chú trọng và đầu tư vào khâu tự kiểm, các lô hàng đã được cơ quan thẩm quyền Việt Nam thẩm tra nhưng vẫn còn trường hợp bị bị cảnh báo và trả về.

Hậu quả là nhà xuất khẩu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, bị thiệt hại cả về tài sản lẫn uy tín... Mặt khác, theo ghi nhận, thời gian gần đây, sự không thống nhất giữa các cơ quan hải quan trong việc thực thi quy định văn bản luật đã gây thiệt hại nặng cho DN thủy sản xuất khẩu.

Những vấn đề chưa hợp lý trên do VASEP tập hợp, kiến nghị đã được ông Ngô Hải Phan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) đề nghị xem xét sao cho phù hợp hơn với thực tế, tránh phát sinh chi phí, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, đồng thời xem xét lại quy định cấp giấy chứng nhận điều kiện sản xuất trong thời hạn 3 năm nhưng lại vô hiệu hóa giấy chứng nhận này khi đánh tụt hạng DN...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN xuất khẩu thủy sản: Kiến nghị gỡ khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO