Cộng đồng doanh nghiệp: Muốn phát triển, phải liên kết

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 15/03/2016 05:44

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng kêu gọi tinh thần liên kết của giới doanh nhân, sự liên kết phải mở rộng ra nhiều ngành và với các tỉnh - thành phố khác.

Cộng đồng doanh nghiệp: Muốn phát triển, phải liên kết

Vấn đề nổi bật mà cả đảng bộ, chính quyền lẫn đại diện hiệp hội, hội ngành nghề, doanh nghiệp TP.HCM đều quan tâm tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nhân với chủ đề "Lắng nghe và đổi mới" diễn ra mới đây là việc tăng số lượng lẫn chất lượng cộng đồng doanh nghiệp. 

Đọc E-paper

Doanh nghiệp phải là đối tượng được phục vụ

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) TP.HCM, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch HUBA cho rằng, giai đoạn 2016 - 2020, với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, DN Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thử thách. Đa phần DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên năng lực cạnh tranh có phần yếu thế so với DN nước ngoài.

Do vậy, để phát triển cộng đồng DN TP.HCM nói riêng và cộng đồng DN cả nước nói chung, bên cạnh việc tăng số lượng DN (con số khoảng 500 ngàn DN hiện nay là rất thấp so với quy mô dân số 90 triệu dân), các cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung tháo gỡ ba nút thắt quan trọng có tác động đến sự phát triển của DN.

Trước hết là cơ chế, chính sách phải ổn định lâu dài, thông thoáng, an toàn, trong đó, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là giải pháp quan trọng nhất.

Song song đó, chính quyền phải chú trọng đến công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực - tài sản quý giá tại DN. Đại diện HUBA kiến nghị lãnh đạo TP.HCM nên cho thành lập một trường đại học hoặc viện đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao kiến thức cho giới doanh nhân.

Và vấn đề thứ ba là việc hỗ trợ tài chính, cụ thể là chính sách để DN, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với lãi suất, thời gian vay hợp lý.

"Cải cách và hoàn thiện cơ chế, chính sách, con người, vốn là những điều kiện tiên quyết để xây dựng cộng đồng DN vững mạnh, có khả năng trụ vững trên "sân nhà” và có đủ sức "đề kháng" khi hội nhập thị trường quốc tế”, ông Huỳnh Văn Minh nhấn mạnh.

Đánh giá cao vai trò của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định, DN là nhân tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của Thành phố, xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt hơn.

Doanh nhân là đội ngũ trực tiếp đưa TP.HCM trở thành đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính - ngân hàng, giáo dục, đào tạo của khu vực Đông Nam Á như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng khẳng định, để xây dựng đội ngũ doanh nhân, lực lượng DN vững mạnh, có trách nhiệm xã hội, có đạo đức kinh doanh, có năng lực hội nhập thì ngoài việc thay đổi nhận thức về vai trò của DN, doanh nhân, các sở, ban, ngành phải coi DN là đối tượng phục vụ vô điều kiện chứ không phải là đối tượng quản lý.

Về phía chính quyền, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, trong chương trình hành động, Thường trực UBND Thành phố đã có kế hoạch tiếp xúc với DN ở từng nhóm chuyên ngành để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và tìm cách giúp DN đạt hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao nhất.

Muốn phát triển, phải liên kết

Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng kêu gọi tinh thần liên kết của giới doanh nhân. Sự liên kết phải mở rộng ra nhiều ngành và với các tỉnh - thành phố khác.

Chẳng hạn, mới đây, ý thức được tầm quan trọng của hệ thống phân phối là "xương sống" để điều tiết sản xuất, các DN bán lẻ trên địa bàn TP.HCM đã cùng ngồi lại với Thường trực UBND Thành phố tìm giải pháp liên kết để kinh doanh hiệu quả trước sự thâm nhập ồ ạt của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

DN trong nước có thể tham khảo, học tập sự liên kết chặt chẽ giữa các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chẳng hạn, với các DN thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa của Nhật Bản, trước khi đặt nền tảng sản xuất ở thị trường mới, họ thường được các DN lớn đi trước, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các cơ quan xúc tiến đầu tư (JICA, JETRO...) tìm hiểu, đánh giá tiềm năng của thị trường trước khi quyết định hỗ trợ vốn, đơn hàng.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, DN trong nước hiện nay thiếu tính liên kết, trong khi chính sự liên kết mới tạo ra sức mạnh cho cộng đồng. Ông Phong chia sẻ, gần đây, trong buổi tiếp Đại sứ EU tại Việt Nam, vị này cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU đang đứng thứ hai nhưng 70% trong số đó là do khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất.

Điều này cộng đồng DN trong nước phải suy ngẫm khi Việt Nam đã, đang và sắp trở thành thành viên của các hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó TPP được xem là hiệp định có chất lượng và tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay.

Do đó, để không bị "lỗi nhịp" với hội nhập, DN TP.HCM phải đoàn kết, cùng phân tích ưu, nhược điểm của từng nhóm DN để có sự tương trợ lẫn nhau, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể để lãnh đạo Thành phố xem xét, quyết định.

Những việc "cần làm ngay" của lãnh đạo TP.HCM và cộng đồng doanh nghiệp

Lãnh đạo TP.HCM cam kết tạo môi trường phát triển bình đẳng, thuận lợi nhất cho DN. Mọi chính sách sẽ được công khai, minh bạch cho tất cả DN. DN càng nhỏ càng được quan tâm. Thành phố trân trọng những DN hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, có đóng góp tích cực cho xã hội. Các DN làm ăn hiệu quả, đóng góp nhiều cho Thành phố sẽ được trân trọng tôn vinh. Đồng thời, lãnh đạo Thành phố kiên quyết xử lý những cán bộ nhũng nhiều, gây khó khăn, phiền hà cho DN. Nếu trong thẩm quyền, Thành phố cam kết giải quyết ngay những vướng mắc của DN, những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền sẽ kiến nghị kịp thời lên Trung ương giải quyết. Lãnh đạo Thành phố sẽ lắng nghe, đối thoại, việc gì làm được cho DN sẽ không nề hà. Phấn đấu từ nay đến 2017 sẽ cơ bản hoàn thành cổ phần hóa toàn bộ DN nhà nước trong diện phải cổ phần, tiếp tục thoái vốn DN nhà nước, tạo sự bình đẳng cho tất cả DN.

Ngược lại, thứ nhất, DN phải có niềm tin vào sự phát triển của Thành phố , có niềm tin vào lãnh đạo Thành phố. Thứ hai, DN đi trước phải tạo điều kiện cho DN đi sau. Để hội nhập, trước hết, bản thân DN phải đẩy mạnh tái cơ cấu trong chính nội bộ DN, đẩy mạnh tiếp cận công nghệ. Thứ ba, DN phải tham gia tích cực vào 7 chương trình đột phá của Thành phố. Phải đề xuất và có chương trình xây dựng thương hiệu lớn có thể sánh với thương hiệu các nước trong khu vực và thế giới. DN phải phối hợp với các cơ quan quản lý để đào tạo nhân lực, đáp ứng được mục tiêu phát triển của DN trong xu hướng mới.

DN cần mạnh dạn đóng góp ý kiến xây dựng Thành phố, nhất là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo ra làn sóng đổi mới, đưa TP.HCM trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

 >Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Phải phục vụ doanh nghiệp vô điều kiện”

>Ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh

>Cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cộng đồng doanh nghiệp: Muốn phát triển, phải liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO