Cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X

DOANH NHÂN SÀI GÒN| 29/09/2015 01:09

Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của cộng đồng DN về "Bảy chương trình đột phá”, vai trò của kinh tế tư nhân, đội ngũ doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố...

Cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X

LTS: Sau ba tuần Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 (Dự thảo), Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về "Bảy chương trình đột phá”, vai trò của kinh tế tư nhân, đội ngũ doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố... Sau đây là trích lược một số ý kiến.

Đọc E-paper

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: Doanh nhân là đội ngũ đi đầu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế

Dự thảo về cơ bản đã nêu được những thành tựu kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng như những mặt hạn chế cần khắc phục.

Song, theo tôi, trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố giai đoạn 2015 - 2020 cần nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN.

Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhìn nhận vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Doanh nhân là "người lính trong thời bình", họ phải được trang bị đầy đủ "khí tài" (cơ chế, chính sách, vốn...) để "chiến đấu" thắng lợi.

Trong mục tiêu phát triển 5 năm tới, Đảng bộ và chính quyền mong muốn xây dựng TP.HCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Muốn vậy, ngoài sự quyết tâm, kiên định của cả hệ thống chính trị thì doanh nhân là đội ngũ đi đầu, họ thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế lẫn góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Điển hình như với mục tiêu giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn, theo tôi, giải pháp căn cơ và ổn định nhất là phải tập trung phát triển cộng đồng DN, chăm lo cho DN vững mạnh.

TP.HCM hiện có hơn 200.000 DN, nếu mỗi DN giải quyết tối thiểu 10 lao động thì sẽ có 2 triệu lao động có việc làm. DN có vững mạnh thì đời sống của cán bộ, nhân viên, người lao động mới được cải thiện và ổn định.

Vì thế, muốn có cộng đồng DN mạnh, Thành phố phải tập trung thúc đẩy cải cách kinh tế, tạo điều kiện để DN sản xuất - kinh doanh hiệu quả.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM: Chỉnh trang và phát triển đô thị phải có định hướng cụ thể

Trong "Bảy chương trình đột phá” mà Dự thảo nêu ra có "Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị”.

Theo đó, tập trung hoàn thiện việc di dời, tái bố trí toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, nâng cấp các khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới các chung cư xuống cấp, chỉnh trang đô thị, tạo thêm quỹ đất cho giao thông và công trình công cộng...

Theo tôi, đây là nhiệm vụ cấp bách, bởi đã đặt ra vấn đề chỉnh trang đô thị hiện hữu, giải quyết các vấn đề về nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, chung cư cũ.

Muốn giải quyết những vấn đề trên một cách căn cơ và bền vững, Thành phố phải hướng đến tất cả thành phần dân cư.

Vì nhu cầu về nhà ở không chỉ là những người có thu nhập thấp mà còn lao động trẻ (mới ra trường), những người có thu nhập trung bình, thu nhập cao, Việt kiều và cả người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại TP.HCM.

Cho nên, Dự thảo nên thêm yếu tố này. Hơn nữa, nếu đã đặt trọng tâm vào chỉnh trang, phát triển đô thị thì Dự thảo cũng cần quan tâm đến định hướng phát triển thị trường bất động sản (BĐS) theo hướng minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.

Phát triển đô thị phải đi kèm với phát triển nhà ở, hình thành nên những khu đô thị mới và quan trọng hơn, BĐS là ngành kinh tế đóng góp đáng kể vào thu ngân sách cho Thành phố.

Thêm nữa, Dự thảo nên nói cụ thể hơn về định hướng phát triển các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm.

Có hai vấn đề quan trọng nữa mà tôi thấy Dự thảo cần bổ sung, đó là Thành phố nên kiên trì đề xuất mô hình chính quyền đô thị và thiết lập Đặc khu kinh tế TP.HCM (theo đề án trình Chính phủ, đặc khu kinh tế này gồm địa bàn huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ) để có cơ chế đặc thù nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cũng như khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của Thành phố đối với cả nước.

Ông Nguyễn Phương Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Robot: Thành phố cần đẩy mạnh việc "tạo sân chơi" bình đẳng cho tất cả thành phần kinh tế

Trong mục tiêu phát triển kinh tế TP.HCM 5 năm tới (2015 - 2020), Đảng bộ, chính quyền Thành phố đặt trọng tâm vào việc đưa TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu này, theo tôi, doanh nhân, DN đóng vai trò nòng cốt.

Do đó, Thành phố cần tạo thêm nhiều điều kiện và chính sách để đội ngũ doanh nhân, DN Thành phố phát triển và lớn mạnh hơn nữa.

Cụ thể, ngoài các chính sách mà Thành phố đã ban hành, trong giai đoạn mới, cần đẩy mạnh việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa ba thành phần kinh tế (DN tư nhân, DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài).

Bởi, so với các DN nhà nước thì DN tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa không được thuận lợi khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, các chính sách ưu đãi hay dự án. DN nước ngoài có lợi thế hơn DN Việt Nam vì lãi suất vay ở nước ngoài rất thấp.

Họ cũng được nhiều ưu đãi khi đầu tư, thậm chí, có những trường hợp làm sức cạnh tranh của DN trong nước khó khăn hơn và nhà nước cũng thất thu ngân sách, như tìm mọi cách "chuyển giá” để hưởng lợi riêng.

Theo tôi, pháp luật và quản lý nhà nước phải đi trước hoặc kịp thời với sự phát triển xã hội, tình hình kinh tế của đất nước.

Cần nghiên cứu, học hỏi chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước để giúp DN trong nước cạnh tranh công bằng với các DN nước ngoài. Với TP.HCM, tuy đã là thành phố năng động nhưng ai cũng mong muốn Thành phố phát triển hơn nữa, vươn tầm châu Á và thế giới.

Muốn vậy, cần có nhiều ý tưởng đột phá và hành động quyết liệt hơn. Chúng tôi hy vọng sẽ thực hiện thành công các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ Thành phố lần này đề ra.

Ông Đặng Quốc Hùng - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM: Các chính sách của Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp cần thường xuyên và liên tục

Thành phố đang kêu gọi phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng cơ sở để phát triển ở đâu và sẽ phát triển như thế nào, ngân hàng hỗ trợ tới đâu, tất cả đều đòi hỏi chính sách, biện pháp cụ thể.

Có một điều khiến tôi băn khoăn là trong việc thẩm định cho DN vay vốn, cán bộ tín dụng cứ đòi thẩm tra tài sản thế chấp mà đáng ra phải thẩm tra dự án trước.

Có dự án tốt và được vay vốn mới khuyến khích DN đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất phù hợp với xu thế cạnh tranh trong hội nhập.

Còn nếu cứ lẩn quẩn mấy chuyện này thì DN rất khó phát triển. Vừa rồi, TP.HCM triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp giai đoạn 2012 - 2015, đã giải quyết được cho trên 6.000 DN vay vốn.

Đây là chương trình thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, Chính quyền Thành phố trong vấn đề tháo gỡ khó khăn cho DN. Chúng tôi mong muốn những chương trình, chính sách hỗ trợ DN như thế được nhân rộng và thường xuyên, vì nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh luôn hiện hữu.

Riêng về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, trước hết làm sao cho công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước phải là người đồng hành, hướng dẫn, tư vấn tận tình cho công dân, cho DN.

Nếu đã áp dụng công nghệ số để kê khai thuế, thu thuế, thủ tục hải quan thì cần làm một cách toàn diện chứ không phải là "bấm nút, lấy số để chờ đến lượt giải quyết".

Báo cáo chính trị nên nêu cụ thể phương hướng, kế hoạch phát triển nguồn lực, vì hiện nay, để sử dụng được nguồn nhân lực theo nhu cầu, DN đa phần phải đào tạo lại. Về vấn đề này, Thành phố phải tiên phong trong cải cách giáo dục và đào tạo nghề cho nhân lực trẻ.

>Kinh tế tư nhân – động lực tăng trưởng kinh tế

>Phát triển công nghiệp: Cần tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân

>Kinh tế tư nhân chưa rõ nét trong khung chính sách

>Cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XII

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO