Chính sách kinh tế cần tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp

HOÀNG NAM| 03/06/2015 06:00

Một khảo sát gần đây cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn trong khối ASEAN đã chuẩn bị để sau khi AEC có hiệu lực sẽ chiếm lĩnh thị trường phân phối hàng hóa, tạo áp lực và khó khăn cho nền sản xuất, thương mại của Việt Nam.

Chính sách kinh tế cần tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp

Ngày 27/5, hội nghị "Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp gỡ doanh nghiệp TP.HCM" đã diễn ra tại TP.HCM. Tham gia hội nghị có đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và gần 100 doanh nhân trên địa bàn thành phố.

Đọc E-paper

Tại hội nghị, ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch VCCI đã thông tin về tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm nay.

Theo ông Thành, hiện nay có trên 50% các doanh nghiệp (DN) làm ăn không hiệu quả, mặc dù Chính phủ đã ban hành các nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch HUBA, hiện Việt Nam đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại (FTA) với các nước, như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - EFTA (bao gồm Thụy Sĩ, Lichtenstein, Na Uy, Iceland)..., đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương và đã ký kết nhiều FTA, như Việt Nam - Liên minh Thuế quan Nga - Kazachstan - Belarus, FTA Việt Nam - Chile, FTA Việt Nam - Hàn Quốc...

Nếu kết thúc đàm phán, Việt Nam có FTA với 55 nền kinh tế. Do vậy, các DN Việt Nam muốn làm ăn với DN các nước thì phải am hiểu về các hiệp định này.

Điều quan trọng là DN phải xác định việc tham gia vào các hiệp định thương mại là để hợp tác và cạnh tranh, để tiếp thu kỹ năng quản lý, công nghệ chứ không hoàn toàn là vì thị trường, đầu tư.

Hiện nay, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu là nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, học nhanh, khéo tay nhưng kỹ năng thấp. Các ngành dệt - may, da - giày, điện tử có lợi thế cạnh tranh nhưng giá trị gia tăng thấp, hầu hết là gia công cho doanh nghiệp nước ngoài.

Ô tô, thép, cơ khí, mía đường, các sản phẩm chăn nuôi, dịch vụ tài chính - ngân hàng, phần mềm chịu cạnh tranh gay gắt nhất.

Cạnh tranh sẽ còn gia tăng trong các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin.

Một khảo sát gần đây cho thấy nhiều DN lớn trong khối ASEAN đã chuẩn bị để sau khi AEC có hiệu lực sẽ chiếm lĩnh thị trường phân phối hàng hóa, tạo áp lực và khó khăn cho nền sản xuất, thương mại của Việt Nam.

Tại hội nghị, nhiều doanh nhân, đại diện các hội nghề đã đóng góp ý kiến về cải cách thủ tục hành chính, về chống hàng gian, hàng giả, về tiền thuê đất, thuế nhập khẩu ngành nhựa, ngành dây cáp điện, và quan trọng hơn cả là chính sách kinh tế của Nhà nước phải tạo được niềm tin trong cộng đồng DN, hỗ trợ nhiều hơn cho DN tiếp cận nguồn thông tin cần thiết về các FTA.

Bà Lê Thị Giàu, Giám đốc Công ty Tấn Hưng kiến nghị phải ban hành chính sách nhà ở nhằm chăm lo thiết thực cho đội ngũ công nhân.

Với gói kích cầu 30.000 tỷ đồng cho ngành bất động sản, trong đó có cho vay lãi suất thấp để mua nhà ở, nhưng hiện vẫn còn quá ít người đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn này.

Để vay được từ 500 đến 700 triệu đồng, công nhân phải có 100 triệu đồng để nộp cho nhà đầu tư, thì quả là quá khó đối với họ.

Với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng như hiện nay, công nhân rất khó tạo được nơi ở đàng hoàng.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM phản ánh gạo Việt Nam có nguy cơ thua gạo Campuchia trên thị trường thế giới. Nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt làm thương hiệu gạo Việt Nam, chúng ta sẽ thua ngay trên thị trường ASEAN.

Ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận phản ánh, niềm tin của DN đối với chính sách kinh tế của Nhà nước đang bị lung lay.

Có một tình trạng đáng báo động là thay vì tập trung sản xuất để kéo nền kinh tế lên, nhiều DN lại chuyển vốn ra nước ngoài để mua nhà, đầu tư kinh doanh.

Nhiều DN ngao ngán vì chính sách có nhiều bất cập, cụ thể như tiền thuê đất tăng gấp 3 - 4 lần so với trước.

HUBA và các hội DN đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại vấn đề thu thuế đất, cho thuê đất nhưng đến nay thành phố cũng như trung ương vẫn chưa có văn bản trả lời thỏa đáng.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, bà Trương Thị Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kêu gọi các DN và người dân tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, từ đó đẩy mạnh sản xuất và quảng bá hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch HUBA, cho biết, tất cả những kiến nghị của DN sẽ được HUBA tổng hợp gửi Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Chính phủ và các cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết.

>Doanh nghiệp hỗ trợ nông dân bằng vốn và việc làm

>Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp

>Những chuyển động mới của doanh nghiệp VN

>“Doanh nghiệp ca” và những lời nói thật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách kinh tế cần tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO