Chiến thắng dành cho những dự án vừa tầm

TUYẾT NHUNG| 09/09/2012 05:42

Ngày thi thứ 12 - Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần 2 năm 2012, 6 thí sinh có đề tài thuộc lĩnh vực dịch vụ ăn uống đã bước vào thi tài.

Chiến thắng dành cho những dự án vừa tầm

Ngày thi thứ 12, 6 thí sinh có đề tài thuộc lĩnh vực dịch vụ ăn uống đã bước vào thi tài với ban giám khảo gồm: Ông Văn Đức Mười (Chánh CK) – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), bà Huỳnh Thu Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food.

Thí sinh đầu tiên dự thi là Đặng Thái Mai Phương - sinh viên trường Đại học Ngoại thương TP.HCM, với đề tài "Cửa hàng Viet Dra: Ẩm thực thanh long".

Giám khảo Văn Đức Mười đánh cao sự chuẩn bị và ý tưởng khác biệt của đề tài. Bà Lê Thị Thanh Lâm đặt câu hỏi cho thí sinh về đặc tính của trái thanh long. Thông qua câu hỏi này, bà muốn nhắc nhở thí sinh cần tìm hiểu, phân tích kỹ hơn về sản phẩm, để qua đó hiểu được điểm mạnh và yếu của đề án.

Bà cũng lưu ý thí sinh là không nên áp đặt khách hàng về sản phẩm, việc đưa thanh long vào chế biến món ăn là một ý tưởng lạ nhưng khó thuyết phục khách hàng yêu thích và thường xuyên dùng.

Đồng tình với bà Lâm, bà Huỳnh Thu Hà gợi ý thí sinh nên bắt đầu bằng dịch vụ giải khát, cung cấp các loại nước uống được chế biến từ thanh long. Sau khi đã có thị phần thì mới hướng tới đa dạng bằng các thức ăn được chế biến từ thanh long. Đồng thời, bà cũng nhắc nhở thí sinh cần xem lại nguồn cung thanh long, vì đây không phải là loại trái cây có quanh năm.

Thí sinh Bùi Thị Thu Hiền – sinh viên trường Đại học Ngoại thương TP.HCM với đề tài “Love your stomach” - Quán ăn dành cho người gặp các vấn đề về dạ dày.

Giám khảo Văn Đức Mười đánh giá cao về ý tưởng, nhưng theo ông tiêu chí của dự án vẫn còn “mù mờ”, chưa rõ dự án phục vụ chữa bệnh hay phòng bệnh về bao tử. Ông khuyên thí sinh không nên “tự chĩa mũi dùi vào bản thân”. Bởi, thứ nhất, không thực khách nào thích cảm giác đi ăn lại là đi chữa bệnh. Thứ hai, dịch vụ liên quan đến sức khỏe con người sẽ nhanh chóng có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý y tế. Nên chăng đổi lại thành quán ăn dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe sẽ hợp lý hơn.

Về phần phân tích chi phí, ông Mười lưu ý thí sinh về khoản chi phí dành cho chuyên gia tư vấn sức khỏe và dinh dưỡng, vì trên thực tế thì khoản chi phí này khá cao.

Bà Huỳnh Thu Hà quan ngại, các món ăn không chua, không cay thích hợp cho người bị đau bao tử, nhưng liệu có đủ hấp dẫn thực khách đến với quán ăn hay họ có thể tự nấu ở nhà.

Bà Lê Thị Thanh Lâm nhận xét chung: các thí sinh là luôn tìm kiếm sự khác biệt, nhưng còn thiếu tính thực tế.

Riêng đối với thí sinh Thu Hiền, bà nhấn mạnh việc xác định không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp là hoàn toàn sai và rất nguy hiểm.

Thí sinh Đỗ Ngọc Tuyền - sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM dự thi với đề tài "Trà sữa Handmade Cầu vồng". Đó vừa là nơi giải khát vừa là nơi để các bạn trẻ có thể thỏa sức sáng tạo, tự thiết kế các sản phẩm quà lưu niệm làm bằng tay dành cho bản thân và bạn bè.

Ông Văn Đức Mười cho rằng ý tưởng của bạn đơn giản nhưng phần trình bày hơi phức tạp. Ông khuyên thí sinh không nhất thiết phải rập khuôn theo công thức, mà nên linh động dựa vào điểm cốt lõi của dự án để đưa ra các chiến lược hợp lý và khả thi. Bà Huỳnh Thu Hà thì cho rằng phần phân tích chi phí của chưa hợp lý.

Với việc lựa chọn đối tượng học sinh cấp 2 và cấp 3 là khách hàng mục tiêu, bà Lê Thị Thanh Lâm chia sẻ một thực trạng là học sinh hiện nay rất bận rộn với việc học, và ngoài thời gian học thì thú vui giải trí chủ yếu là lên mạng và chơi trò chơi điện tử. Liệu mô hình kinh doanh của bạn có đủ hấp dẫn đối tượng khách hàng này không.

Thí sinh Trương Vĩnh Phát - sinh viên trường Đại học Cần Thơ dự thi với đề tài Quán kem xôi “Chợt nhớ”.

Giám khảo Văn Đức Mười nhận xét đề tài vừa phải, khả thi. Ông đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo và đầy đủ của thí sinh. Bà Lê Thị Thanh Lâm cảm thấy tiếc cho thí sinh trong khi bạn có một ý tưởng kết hợp kem và xôi thành một món ăn nhẹ, giải khát rất lạ, rất thu hút nhưng lại thiếu hẳn phần phân tích sản phẩm, trong khi tập trung phân tích quá kỹ về thị trường.

Bà gợi ý thí sinh nên phát triển thêm nhiều món ăn từ kem và xôi, như vậy sẽ tạo được nét đặc trưng độc đáo và cũng là đặc điểm nhận diện thương hiệu cho quán.

Thí sinh Võ Huỳnh Ngọc - sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM dự thi với đề tài Du lịch Homestay “Gốm Thanh Hà - Câu chuyện đất và nước”

Ông Văn Đức Mười (Chánh CK) đánh giá cao tình yêu quê hương và hoài bão phát triển ngành nghề truyền thống gia đình của thí sinh. Tuy nhiên ban giám khảo đồng quan điểm là dự án ôm đồm quá nhiều lĩnh vực, quá lớn, kế hoạch mang tính chung chung. Vốn đầu tư chưa xứng tầm với dự án. Điểm quan trọng của loại hình dịch vụ này là chất lượng, nhưng do quy mô của dự án quá lớn nên khó đảm bảo được điều này.

Ban giám khảo khuyên thí sinh nên chọn quy mô nhỏ hơn, vừa tầm, vừa sức để từ đó có được chiến lược cụ thể, chi tiết và khả thi hơn.

Thí sinh Hà Thị Liên - sinh viên trường Đại học Ngoại thương TP.HCM dự thi với đề tài Chuỗi quán ăn “Bánh căn - Chả ram bắp”
.

Bà Lê Thị Thanh Lâm tỏ ra rất hài lòng và dành nhiều lời khen cho đề tài của thí sinh này thể hiện ở phần chuẩn bị tốt, đề án vừa tầm. Liên cũng có phần phân tích sản phẩm rất chi tiết, đặc biệt là tập trung khai thác phát triển sản phẩm. Việc lựa chọn đối tượng khách hàng hợp lý, dẫn đến việc phân tích giá cả và chiến lược tốt.

Kết thúc ngày thi 6/9, có 2 thí sinh đã xuất sắc nhận giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần 2/2012:

1.Trương Vĩnh Phát – sinh viên trường Đại học Cần Thơ với đề tài Quán kem xôi “Chợt nhớ”.

2.Hà Thị Liên - sinh viên trường Đại học Ngoại thương TP.HCM với đề tài Chuỗi quán ăn “Bánh căn – Chả ram bắp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến thắng dành cho những dự án vừa tầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO