Cà phê Doanh nhân lần thứ 31: Cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

MAI PHƯƠNG| 11/04/2018 06:08

Để kinh tế Việt Nam phát triển, phải xem doanh nghiệp nhỏ và vừa như là doanh nghiệp quốc gia, gắn kết đối tượng này với doanh nghiệp lớn để tạo sự bền vững.

Cà phê Doanh nhân lần thứ 31: Cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đó là chia sẻ của TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tại chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 31, chủ đề "Dự báo nền kinh tế Việt Nam và thế giới 2018", do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức tuần qua.

Thế nhưng, theo TS. Trần Du Lịch, dù từ năm 2007, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội, nhưng sau đó 2 nhiệm kỳ, vấn đề này mới chính thức được đưa vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song có thể còn khá lâu Luật mới được triển khai và áp dụng vào thực tiễn.

Tại chương trình, đại diện một số doanh nghiệp đã đặt vấn đề liệu Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký vào đầu tháng 3/2018 có tạo thêm cơ hội cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chen chân vào thị trường lớn này?

Ở góc độ người tư vấn chiến lược kinh tế, TS. Trần Du Lịch phân tích, điểm mạnh của CPTPP là làm sao để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nhưng vấn đề lớn là Việt Nam vẫn chưa làm được. TS. Trần Du Lịch dẫn chứng trường hợp Việt Nam chưa cung cấp được những linh kiện có giá trị lớn cho Samsung, mà chỉ là những sản phẩm có giá trị thấp, đơn giản.

Theo ông Trần Du Lịch, trên thực tế, khi thu hút vốn FDI vào Việt Nam, ngay cả Intel hay Samsung tuy hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao cũng chỉ làm những sản phẩm lắp ráp, còn lại đều là chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp lớn cho các doanh nghiệp nhỏ trong cùng quốc gia để giúp khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của quốc gia họ lớn mạnh. Đây không phải là việc làm tự phát mà là chính sách của quốc gia, ông Lịch cho biết.

Link bài viết

Trong khi đó, tại Việt Nam còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể tự giải quyết vấn đề công nghệ, do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề nguồn vốn, mặc dù từ năm 1994, Quỹ Bảo lãnh tín dụng đã được khai sinh với mục đích làm trung gian giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. Trên thực tế, nếu doanh nghiệp và ngân hàng thương mại tin tưởng nhau thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ lớn mạnh, ngược lại sẽ mãi bế tắc.

Ông Hàng Vay Chi - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 11, Chủ tịch HĐQT Việt Hương Group phân tích thêm, với doanh nghiệp nhỏ thì 5 năm sẽ được thanh tra một lần, còn doanh nghiệp lớn thì một năm thanh tra vài lần, nên doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc khi quyết định mở rộng quy mô, phát triển lớn hơn.

Trước phân tích của TS. Trần Du Lịch về việc tại sao doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không chen chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu, hay trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn quốc tế lớn, ông Hàng Vay Chi đã chia sẻ kinh nghiệm hơn 20 năm làm công việc kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Sở dĩ doanh nghiệp Việt Nam luôn "lép vế" so với các doanh nghiệp FDI là do một khi các doanh nghiệp FDI quyết định đầu tư, đặt nhà máy ở quốc gia nào đồng nghĩa họ đã có thị trường ở quốc gia đó và có nguồn khách hàng ổn định, trong khi doanh nghiệp Việt Nam vừa ít vốn, lại không có sẵn nguồn khách hàng.

Kế đến, điều đáng suy ngẫm nữa là kỷ cương trong kinh doanh, đa số doanh nghiệp lớn có thâm niên đứng vững được trên thị trường là nhờ họ biết giữ chữ tín với đối tác, khách hàng, người tiêu dùng và chữ tín còn được thể hiện ở chính sản phẩm họ làm ra. Ông Chi dẫn chứng trường hợp một doanh nghiệp FDI sản xuất giày tại Việt Nam mỗi năm sản xuất 3 tỷ đôi giày và đang ngày càng lớn mạnh.

Tuy nhiên, hầu như họ chỉ đặt gia công ở các doanh nghiệp FDI như họ chứ không đặt các doanh nghiệp Việt Nam làm dù chi phí rẻ hơn và giải thích là do doanh nghiệp Việt Nam không đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và khi đơn hàng không đạt yêu cầu thì chỉ lo "chạy chọt" để giao được hàng chứ không muốn làm lại cho đạt yêu cầu để giữ uy tín.

Ông Chi viện dẫn thêm thực tế tại Khu công nghiệp Việt Hương có đến hơn 40 nhà máy làm đế giày nhưng tuyệt nhiên không có một doanh nghiệp Việt Nam nào. Đây là điều cần suy ngẫm về chữ tín trong kinh doanh mà ông Chi muốn nhắn nhủ đến các doanh nghiệp đã và đang muốn bước chân vào thị trường toàn cầu.

Trên thực tế, những trường hợp vừa nêu còn quá lạ lẫm với đối tượng doanh nghiệp nhỏ. Bởi theo ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (Miti), ở góc độ doanh nghiệp nhỏ, ông thấy hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến dòng vốn và trong kinh doanh, khiến cho bức tranh kinh tế đối với các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn nhiều gam màu tối.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Dũng - TGĐ Công ty CP Dược phẩm An Thiên cũng chia sẻ, trên thực tế, để nền kinh tế của một quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng phát triển, vấn đề quan trọng hơn hết vẫn là nội lực của các doanh nghiệp trong nước, bởi đây mới là nguồn thu thuế chính của Chính phủ. Mặc dù Chính phủ có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chưa tác động tích cực đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

TS. Trần Sĩ Chương, đồng tác giả với GS-TS. James Riedel (Đại học Johns Hopkins) trong báo cáo nghiên cứu đầu tiên của Ngân hàng Thế giới về thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam vào năm 1998, cũng kể lại 20 năm trước ông cùng nhiều chuyên gia kinh tế đã nghiên cứu về vấn đề nền tảng của doanh nghiệp nhỏ Việt Nam và đưa ra kết quả: "Việt Nam nên học hỏi Đài Loan, bởi Đài Loan có nhiều mô hình doanh nghiệp độc lập, không bị phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau. Theo đó, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là nền tảng, đối tượng mà Việt Nam nên tập trung phát triển. Thực tế ở Mỹ đã chỉ ra rằng, nền kinh tế Mỹ phát triển với hơn 90% thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn về việc định hướng kinh tế theo mô hình Nhật Bản, Hàn Quốc với rất nhiều tập đoàn lớn mạnh, Việt Nam chỉ làm được khi nội tại nhân lực có tính kỷ luật cao. Bởi thực tế, tính kỷ luật của các tập đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc rất cao".

Trước những chia sẻ, lo lắng từ phía doanh nghiệp, TS. Trần Du lịch cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, Chính phủ tập trung duy trì những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử như yêu cầu Ngân hàng Trung ương ổn định lãi suất, nếu được vẫn tiếp tục giảm lãi suất cho những đối tượng được ưu đãi. Bên cạnh đó, tiếp tục các hoạt động thoái vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, dự kiến thu hồi 90.000 tỷ đồng.

Điều đáng mừng là Việt Nam không khủng hoảng nợ công vì đang nằm trên ngưỡng an toàn, nên cán cân thương mại hoàn toàn ổn định. Chính phủ nhìn nhận năm 2018 là cơ hội vàng để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt chuyển từ công nghiệp gia công sang sản xuất, nên chính sách tập trung là tái cơ cấu, giảm nợ công, đặc biệt đi vào nông nghiệp công nghệ cao.

Các chương trình khởi nghiệp không nên chỉ là phong trào mà phải có thực chất, dần tiếp cận nền công nghiệp 4.0. Theo đó, khi đưa ra dự báo về nền kinh tế Việt Nam và thế giới 2018, TS. Trần Du Lịch đúc kết, nhìn chung năm 2018 thế giới cũng không có biến động lớn mà là cơ hội để tạo nên sự cân bằng cơ cấu. Còn ở thị trường trong nước, việc tái cơ cấu là điều cần thiết nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cà phê Doanh nhân lần thứ 31: Cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO