Ông Jonathan Hạnh Nguyễn ủng hộ 25 tỷ đồng ứng phó dịch Covid-19 |
Có thể nói, về dịch bệnh, thế giới chưa có thử thách cam go nào như đối với dịch Covid-19 đang lây lan, giết chết nhiều người ở nhiều nước trên thế giới.
Không phải là động đất, sóng thần, hạn hán, cháy rừng, nay là kẻ thù giấu mặt lan tràn giết người ở bất cứ đâu, mà con người chưa thể có cách gì tiêu diệt được chúng. Nào là tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, nào là bom nguyên tử, nào là Internet kết nối cả thế giới, nào là trí tuệ nhân tạo... tất cả “chưa là gì” với con virus biến thể Corona, đến nỗi phải tạm giải thích đây là sự trừng phạt của tự nhiên bởi con người đã làm trái đất tổn thương quá nặng nề. Nhiều chính phủ cũng lúng túng chưa biết có cách nào tốt nhất để chống dịch, bảo vệ người dân.
Việt Nam quyết liệt phát hiện, cách ly người bị nhiễm hay đã tiếp xúc với người bị nhiễm Covid-19. Cả nước vào cuộc chống dịch, đầu tư tiền bạc chữa trị, cách ly miễn phí, toàn dân chấp hành, tin tưởng. Ngành y càng lớn mạnh, lực lượng quân đội càng thể hiện phẩm chất “anh bộ đội Cụ Hồ” cùng toàn dân “chống giặc” Covid-19. Giới nghiên cứu đã nhanh chóng tìm ra cách thức con Corona chui vào cơ thể, sản xuất kit xét nghiệm được nhiều nước đặt hàng. Trong biến cố, nhiều thứ tiêu cực chìm đi, nổi lên bao điều tốt đẹp để giúp nhau sống còn.
Các nước Âu Mỹ giàu có cũng không thoát, có nước đi tìm “miễn dịch cộng đồng”, tức cứ để cho virus Corona lây lan, ai khỏe thì được miễn dịch. Nhưng rồi chính sách được cho là quá nhẫn tâm này đã đặt tính mạng bao người vào may rủi. Và đã chậm trễ. Nước Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha choáng váng vì người chết tăng nhanh.
Trong nguy nan ấy, sứ mệnh của những doanh nhân chân chính càng nặng nề gấp bội. Vừa bảo toàn sinh mạng, vừa phải giữ vững doanh nghiệp, vừa phải làm ra của cải phụng sự xã hội. Lo nghĩa vụ thuế, lo nghĩa vụ với người lao động. Doanh nghiệp không được chết, còn phải mạnh để nuôi sống bao người.
Doanh nhân phải đứng vững khi thiếu nguyên liệu sản xuất và thị trường đình đốn, có thể tan tành sự nghiệp. Nhưng những doanh nhân trưởng thành bắt đầu góp sức với xã hội. Lần lượt những thương hiệu lớn như Vingroup, FLC, Vinamilk, BIDV, Honda Việt Nam, MobiFone, Petrolimex, T&T Group... và rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ khác đang chung sức cùng Chính phủ và đồng bào chống dịch.
Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố (HUBA) cũng kêu gọi các hội, câu lạc bộ thành viên và các hội viên cùng chung tay, góp sức tài trợ, đồng hành cùng Thành phố phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp hội viên đã chung tay ủng hộ cả tiền mặt và hiện vật là các nhu yếu phẩm, sản phẩm để phục vụ người cách ly tập trung, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh (khẩu trang, nước rửa tay, phần ăn, nước uống...). Các doanh nghiệp này đều là những thương hiệu lớn như Ngân hàng SCB, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty Bánh Kẹo Á Châu...
Những doanh nghiệp may nhanh chóng chuyển sang may khẩu trang và áo quần bảo hộ. Doanh nghiệp không để thiếu hàng tiêu dùng, nông dân không để thiếu lương thực, thực phẩm, dù bất cứ tình huống nào. Hàng không thua lỗ nặng nhưng vẫn chở người Việt đang học tập, công tác ở các nước về quê hương để tránh dịch bệnh.
Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành một lực lượng lớn mạnh, rất có trách nhiệm với đất nước. Doanh nhân bây giờ không chỉ làm giàu cho mình mà còn làm giàu để có tiền giúp đỡ người khác.
Thế nên mới có nhiều tỷ phú bỏ rất nhiều tài sản để làm từ thiện. Mà từ thiện không chỉ giúp đỡ người nghèo, mà còn đầu tư vào những công trình nghiên cứu để tìm ra những giống cây chịu hạn, chịu mặn, giàu dinh dưỡng để chống đói cho dân ở những vùng có khí hậu quá khắc nghiệt, là đầu tư trồng rừng cứu hệ sinh thái đang bị con người tàn phá, hay đầu tư nghiên cứu tìm ra thuốc chống bệnh tật...