Hình thành tập đoàn: Không thể “hai hổ nhốt chung một chuồng”

Nguồn Công Thương| 20/08/2009 02:03

Ngày 17/8, VAMI và VEA đã có văn bản kiến nghị chính thức gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước... về việc thành lập Tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Hình thành tập đoàn: Không thể “hai hổ nhốt chung một chuồng”

Ngày 17/8, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã có văn bản kiến nghị chính thức gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Mô hình tập đoàn nào?

"Phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí phải đáp ứng tối thiểu 45- 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng".

Trước đó, ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Hồng Quân đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét phê duyệt đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam.

Theo đề án, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam sẽ do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt. Tập đoàn này sẽ là tổ hợp các doanh nghiệp độc lập, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí nặng.

Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) sẽ làm nòng cốt cho Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển nhà và đô thị, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng các công trình cấp thoát nước...

Liên hiệp hội VAMI và VEA không đồng tình với đề án trên và xin kiến nghị thành lập 2 tập đoàn: Thứ nhất, Tập đoàn Xây dựng Công nghiệp, Dân dụng, Bất động sản Việt Nam (thuộc Bộ Xây dựng) - do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt, bao gồm: các tổng công ty, các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, dân dụng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản… Thứ hai: Tập đoàn Công nghiệp Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (thuộc Bộ Công Thương) - do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm nòng cốt, bao gồm: các tổng công ty, công ty, các viện hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất cơ khí, lắp máy và các hoạt động khác kèm theo.

VAMI và VEA đều thống nhất quan điểm mô hình tập đoàn trên sẽ hội tụ được nhiều ưu điểm: Tập hợp được sức mạnh tổng hợp: tiền vốn, nhân lực, kỹ thuật có tính chất chuyên ngành cao. Hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về xây dựng ngành cơ khí trở thành một ngành kinh tế then chốt. Mô hình tập đoàn sẽ phát huy sự liên kết, chuyên môn hoá cao để thực hiện các dự án do tập đoàn đầu tư, hoặc làm tổng thầu EPC.

Mỗi tập đoàn sẽ phát huy được thế mạnh riêng của mình về kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều thập kỷ qua. Điều quan trọng hơn cả là với mô hình tập đoàn trên, chúng ta sẽ thực hiện đúng theo quan điểm và định hướng của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam. "Phải coi cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng” và "Phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí phải đáp ứng tối thiểu 45- 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng".

Không ai muốn mất thương hiệu

Lý giải thêm về sự hợp lý của mô hình tập đoàn, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết: Ngành cơ khí Việt Nam hiện đang hoạt động phân tán, thiếu sự hợp tác, đầu tư trùng lặp và thiếu sức mạnh tổng hợp chuyên ngành kinh tế kỹ thuật.

Vì vậy, việc thành lập một tập đoàn về cơ khí nặng gắn với lắp máy để tạo sức mạnh chuyên ngành là điều cần thiết hiện nay.
Tại hội thảo: "Bàn về việc thành lập tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, lắp máy Việt Nam" do VEA phối hợp với VAMI tổ chức ngày 7/8, đa số các đại biểu đều cho rằng, nên tách phần xây dựng các công trình công nghiệp và phần cơ khí chế tạo lắp máy thành 2 tập đoàn khác nhau.

Bởi trên thực tế ở các công trình năng lượng cho thấy, nếu là dự án thuỷ điện, phần xây dựng thường chiếm 60 - 70%, còn phần lắp máy thiết bị chiếm 30 - 40%. Nhưng với các công trình nhiệt điện, xi măng thì ngược lại, phần lắp máy thiết bị cơ khí thường chiếm 70%, còn xây dựng chỉ chiếm khoảng 30%.

Ở Việt Nam chúng ta, nói đến nghề cơ khí chế tạo lắp máy là nói đến Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA). Vì vậy, không nên để mất đi một thương hiệu mạnh về cơ khí chế tạo lắp máy Việt Nam như thương hiệu LILAMA và về xây dựng công nghiệp, dân dụng như thương hiệu Tổng công ty Sông Đà.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, bất cứ một sự phát triển nào cần tuân thủ những quy luật trưởng thành nội tại. Việc các Tổng công ty: Sông Đà, HUD và Lilama đề xuất phát triển thành các tập đoàn độc lập được hình thành trên cơ sở thương hiệu đã xác định trên thị trường trong và ngoài nước.

Các đơn vị đi theo 3 trụ cột này để thành lập mô hình tập đoàn cũng là tự nguyện đứng dưới ngọn cờ thương hiệu của các trụ cột này. Mô hình tập đoàn do 3 đơn vị trên làm trụ cột có tính kế thừa kết quả của các đơn vị hiện tại và phát triển thương hiệu trụ cột lên chứ không triệt tiêu thương hiệu.

Nay nếu đem ghép một cách cơ học hai đơn vị nòng cốt của hai đề án khác nhau thì liệu có tạo ra sự đồng thuận hay lại “đem hai hổ nhốt chung chuồng”? Mặt khác những thương hiệu lớn được thành lập lâu nay đều là giá trị tài sản của doanh nghiệp không thể dễ dàng bỏ đi để gây dựng lại từ đầu. Đây sẽ là một sự lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hình thành tập đoàn: Không thể “hai hổ nhốt chung một chuồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO