Theo Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA), ước tính sẽ có hơn 4 tỷ hành khách đáp máy bay trong năm 2017. Và 1/3 lượng hành khách này được vận chuyển bởi các hãng hàng không châu Á. Điều này có nghĩa việc đi lại bằng máy bay của số đông hành khách là phần đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các thị trường.
Ở châu Á có hai sân bay lớn luôn được giới chuyên ngành mang ra so sánh về mức độ hiệu quả trong nhiệm vụ kết nối vận chuyển hàng không quốc tế là sân bay quốc tế Hong Kong (HKG) và sân bay quốc tế Singapore Changi (SIN).
Hai sân bay này với mẫu số chung được ghi nhận là không có thị trường nội địa, nên luôn phải nỗ lực phát triển thị trường hải ngoại. Như vậy chúng khác hẳn hai sân bay lớn khác ở châu Á có nhiều hành khách bay nội địa là Bangkok Suvarnabhumi và Kuala Lumpur.
Sân bay quốc tế Changi |
Trong hai thập niên qua, HKG hoạt động hiệu quả nhờ tọa lạc kề cận thị trường Trung Quốc với lượng khách dồi dào và không ngừng gia tăng. Sân bay Changi có lợi thế là điểm trung chuyển quan trọng ở các tuyến bay gọi chung là Kangaroo Route, nối kết Úc với thị trường châu Âu.
Lâu nay, Cathay Pacific là hãng bay hàng đầu ở HKG và Singapore Airlines là hãng bay số 1 tại Changi, nhưng tình hình đang đổi thay do có cạnh tranh ác liệt từ bộ ba "gã khổng lồ” Trung Đông (MEB3 gồm Emirates Airline, Etihad Airways và Qatar Airways) và các hãng vé rẻ (LCC).
HKG - trục hàng không quốc tế của châu Á
Số liệu của Official Airlines Guide (OAG - tổ chức chuyên về hàng không quốc tế) cho biết trong thời gian 12 tháng tính đến tháng 2/2017, HKG đã đón tiếp 66,8 triệu lượt hành khách. Trong đó, 29% hành khách sử dụng HKG là điểm trung chuyển bay tiếp đến địa điểm khác và 71% sử dụng HKG là điểm xuất phát/kết thúc chuyến đi.
Đáng nể là trong năm 2016, hành khách đã sử dụng HKG là điểm nối kết đến 2.891 địa điểm khắp thế giới. Trung bình mỗi ngày các hãng cộng chung có gần 1.000 chuyến bay đến/đi từ HKG, trực tiếp nối kết Hong Kong với 123 thành phố khác ở các châu lục.
Từ khi khánh thành vào mùa hè năm 1998 đến nay, HKG phát triển mạnh nhờ có quan hệ rất tốt với hãng Cathay Pacific. Hãng này chiếm đến 66% lượng hành khách sử dụng HKG làm điểm trung chuyển, Cathay Dragon chiếm 10%, Hong Kong Airlines 6% và 182 hãng bay còn lại là 18%.
Các nguồn hành khách sử dụng HKG là trục hàng không chính gồm có Trung Quốc 35%, Úc 14%, Nhật 7%, Philippines 6%, Indonesia 4%, Canada 4%, Ấn Độ 3%, Đài Loan 3% và các thị trường khác (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore...) là 23%.
Changi - ngôi sao của khu vực
Xếp hạng nhì châu Á, chỉ sau HKG về tầm vóc kết nối toàn cầu chính là SIN. Ngoài thực tế là điểm trung chuyển hàng đầu của Kangaroo Route, Changi Airport còn có lợi thế tọa lạc giữa hai trong số các thị trường đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Indonesia. Vì thế, trong thời gian từ tháng 3/2016 - 2/2017, sân bay này đã xử lý trên 57 triệu lượt hành khách, trong đó có 15 triệu hành khách sử dụng Changi là điểm trung chuyển giữa hai chuyến bay.
Các thị trường của SIN là Úc 19%, Indonesia 13%, Ấn Độ 9%, Malaysia 7%, Thái Lan 5%, Trung Quốc 5%, Nhật 4%, Philippines 4% và các thị trường khác là 34%.
Tập đoàn Singapore Air là khách hàng lớn nhất của Changi với 80% tổng lượng hành khách trung chuyển nhờ có đến bốn hãng bay: Singapore Airlines (bay Hà Nội và TP.HCM) chiếm 72%, SilkAir (bay đến Đà Nẵng) 4%, Scoot 1% và Tigerair là 3%. Trong đó, từ tháng 7/2017, hai hãng Scoot và Tigerair hoạt động chung một thương hiệu Scoot.