Rộng mở cơ hội xuất khẩu
Phát biểu Tọa đàm Hiệp định CPTPP – Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam (tổ chức ngày 28/7 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, CPTPP đã tạo ra xung lực rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 680 tỷ USD, mức tăng trưởng đạt 19%, là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2021 xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 113,6 tỷ USD, tăng 26,7%, nhập khẩu 24,9 tỷ USD, tăng 14,1%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 138,4 tỷ USD, tăng 24,2%. Đây là khu vực thị trường Việt Nam xuất siêu lớn với giá trị xuất siêu khoảng 88,7 tỷ USD.
Xét về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ, nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, máy móc, thiết bị điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,3%); tiếp đó là dệt may, da giày (25%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (8%); nông thủy sản (4%). Về cơ bản, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hiện tại phù hợp với định hướng xuất khẩu của Việt Nam, theo đó các mặt hàng công nghệ, mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn hơn hẳn so với nhóm hàng nông thủy sản.
Tuy nhiên, trong tổng giá trị xuất khẩu, đóng góp của khu vực FDI là tương đối lớn. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của khu vực công nghiệp nội địa Việt Nam sang thị trường châu Mỹ còn khiêm tốn. Đa số sản phẩm mới chỉ dừng ở gia công lắp ráp cho nước ngoài, giá trị gia tăng chưa cao. Ví dụ cụ thể như với thị trường Canada, nếu tính cả dệt may, da giày, đồ gỗ thì khu vực FDI đóng góp tới gần 80% giá trị xuất khẩu, trong khi sản phẩm dệt may, da giày, gỗ nội thất của doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 5% giá trị xuất khẩu.
Khu vực công nghiệp nội địa đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu với các sản phẩm nhựa, cao su, sắt thép, nhôm, hóa chất, gốm sứ khoảng 11%. Bên cạnh đó, hàm lượng chế biến chủ yếu là sản phẩm thô hoặc đông lạnh dẫn tới giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm. Xét về nhu cầu thị trường, các nước châu Mỹ, đặc biệt là các nước thành viên CPTPP có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ và nông thủy sản.
Thực tế cho thấy, sau khi CPTPP có hiệu lực và hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sang khối CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Điều này đã khẳng định nhu cầu và dư địa thị trường hấp dẫn cho hàng xuất khẩu trong nước. Bên cạnh đó, các thị trường này cũng còn có nhu cầu lớn đối với các lĩnh vực mặt hàng mới mà doanh nghiệp Việt có thể khai thác như dây cáp điện và các thiết bị điện nhỏ; sản phẩm cao su, sản phẩm nhựa gia dụng, túi nhựa và đồ chơi; sản phẩm giấy và carton; trang sức; cửa nhôm nhựa và cửa sổ cuốn; dược mỹ phẩm hữu cơ và dầu thơm…
Những thách thức cần giải quyết
Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường châu Âu và châu Mỹ được đánh giá còn gặp nhiều trở ngại như khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận tải cao,thời gian vận chuyển kéo dài cùng các tiêu chuẩn chất lượng cao của các thị trường.
Ngược lại, mức độ nhận thức của các doanh nghiệp nhập khẩu các nước bạn đối với chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam còn thấp. Vì vậy, bên cạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hướng tới sản phẩm xanh, bền vững, tìm hiểu nhu cầu thị trường với phương châm “không bán cái ta có mà phải bán cái thị trường cần”.
Mặt khác, doanh nghiệp cần tập trung vào những mặt như cải tiến công nghệ sản xuất, dây chuyền chế biến, nâng cao hàm lượng gia công, chế tác, đa dạng hóa mẫu mã cũng như quy cách đóng gói sản phẩm… để sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài đáp ứng được không chỉ thị hiếu khách hàng mà còn các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của thị trường nước bạn.
Quy định về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP có nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, doanh nghiệp phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn; cũng như đòi hỏi doanh nghiệp sẽ phải tập hợp các hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chỉ dẫn hàng hóa…
Bên cạnh đó, hạn chế hiện nay chính là thông tin về CPTPP, để đạt ưu đãi thuế quan… còn khá thiếu vắng với doanh nghiệp. Điều này do cách thức cung cấp thông tin từ phía cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp chưa chủ động để tiếp cận nội dung về hiệp định. Còn một khía cạnh khác đó là vấn đề vận tải do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng, khiến cước vận tải tăng cao, càng làm cho việc xuất khẩu trở nên khó khăn hơn.
Cần sự chủ động hơn nữa của doanh nghiệp
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có một chương trình hành động để hiện thực hóa, hỗ trợ cho doanh nghiệp để tận dụng các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP. Tuy nhiên, châu Mỹ rất xa nên ngoài hoạt động xúc tiến mang tính chất trực tiếp, việc xúc tiến trên nền tảng số cũng rất quan trọng nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục được sự bất lợi về vấn đề khoảng cách địa lý.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng triển khai mạnh hoạt động kết nối giao thương cũng như xúc tiến trên nền tảng số và trong thời gian sắp tới cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước CPTPP, nhất là khối các nước ở khu vực châu Mỹ bởi điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các biện pháp phòng vệ thương mại.
4 nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ đều là các nền kinh tế có độ mở cao với mạng lưới FTA rộng khắp. Canada có 15 FTA, Mexico có 13 FTA, Chile 29 FTA, Peru có 22 FTA. Đáng chú ý có thể kể đến như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA) với Canada và Mỹ. Chile có FTA với khối thị trường chung Nam Mỹ.
Với mạng lưới FTA rộng rãi, Việt Nam có thể tận dụng những mối liên kết này để tiếp cận các thị trường mà 4 nước này có quan hệ FTA. Tất nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Canada hay Mexico để từ đó xuất khẩu tiếp sang Mỹ tận dụng ưu đãi thuế quan của Hiệp định USMCA; hay là xuất khẩu hàng hóa sang Chile để xuất khẩu sang khối thị trường chung Nam Mỹ tận dụng ưu đãi thuế quan của FTA Chile với Mercosur. Câu chuyện sẽ không đơn giản vì mỗi FTA có một quy tắc xuất xứ riêng biệt.
Thế nhưng doanh nghiệp cần xem xét khả năng hợp tác sản xuất với các nước đối tác CPTPP như xuất khẩu nguyên vật liệu hoặc sản phẩm sơ chế, sau đó thực hiện gia công hoàn thiện sản phẩm tại nước bạn nhằm thỏa mãn điều kiện về quy tắc xuất xứ của FTA.
Bên cạnh đó, cần xem xét tận dụng hệ thống hạ tầng thương mại của các nước thông qua hệ thống bán lẻ, hệ thống phân phối. Hơn nữa với những thị trường yêu cầu nghiêm ngặt, tức là nguồn nguyên liệu hoàn toàn phải khai thác, đánh bắt ở trong nước, thậm chí là nuôi trồng ở trong nước, doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu thích ứng để đáp ứng tiêu chí xuất xứ, để xuất khẩu sang các thị trường CPTPP hiệu quả và bền vững.
Và điều đặc biệt quan trọng, đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngoài những hoạt động xúc tiến thương mại từ phía Bộ Công Thương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp cần chủ động kết nối và giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài thay vì chờ đợi họ tìm đến tiếp cận như trước kia.
CPTPP gồm 11 nước thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - Hiệp định tiền thân của CPTPP) vào năm 2017.
Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU); có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Úc hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.