Hãy trở thành doanh nghiệp số

Lan Ngọc| 09/11/2022 01:00

Đó là thông điệp ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chuyển đổi số, thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, gửi tới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại hội thảo "Doanh nhân trẻ Việt Nam - Chuyển mình đổi số" diễn ra ngày 8/11/2022.

Hãy trở thành doanh nghiệp số

"Chuyển mình đổi số" là khái niệm có nội hàm rất rộng, ở đây được hiểu là doanh nghiệp (DN), doanh nhân trẻ cần chuyển mình tham gia vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, thực hiện CĐS trong DN để từ đó thay đổi số phận của DN mình theo hướng tốt hơn.

Đa số DN đến nay đã nhận thức rõ, nắm rõ xu thế và lợi tích của CĐS; nhiều DN Việt đã và đang thực hiện hoặc có những bước đi để CĐS. Tuy nhiên, theo ông Lê Trí Hải - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, vẫn còn rất nhiều DN đến nay chưa bước vào hành trình CĐS, đặc biệt với DN vừa và nhỏ, do năng lực phát triển, tiềm lực tài chính, công nghệ, trình độ quản trị còn nhiều hạn chế.

Chương trình CĐS quốc gia đã và đang được triển khai, nhưng trong thực tiễn cuộc sống, các bước tiến theo lộ trình CĐS và mục tiêu đặt ra dường như còn chậm và chưa như kỳ vọng. Ngoài việc Nhà nước cần tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật số và có cơ chế, chính sách, quy trình thích hợp phục vụ cho CĐS, chuyển đổi mô hình kinh doanh của DN dựa trên nền tảng số, thương mại điện tử..., thì phía DN cần đánh giá được quy mô, mức độ hạ tầng công nghệ của mình, đánh giá mô hình kinh doanh để định vị, đưa ra chiến lược phù hợp, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực để thích ứng với sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế số, quyết tâm chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, CĐS không phải ứng dụng thiết bị, công nghệ, sử dụng phần mềm… một cách cơ học, mà là phương thức để chủ động tham gia cách mạng 4.0, là cách thức ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số, là áp dụng mô hình kinh doanh mới, chuyển đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng số, sáng tạo theo hoàn cảnh thay vì khuôn phép theo mô hình, chuyển hình thái tổ chức DN từ lĩnh vực sang điểm chạm, từ thứ bậc sang nền tảng... để tạo ra những sự đột phá về giá trị và năng suất.

-6206-1667965277.jpg

Ông Lê Trí Hải cho rằng, chiến lược CĐS của DN được quyết định bởi sự quyết tâm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ quản lý cấp cao, truyền cảm hứng, khích lệ tới người lao động thay đổi văn hóa làm việc, tích cực vận dụng các kỹ năng số, thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Cần phân bổ nguồn lực tài chính cho CĐS một cách thích hợp, sử dụng nguồn vốn với tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý, kế hoạch CĐS phải mang tầm nhìn dài hạn với những lợi ích lâu dài và phải cân nhắc kỹ càng, đó là những vấn đề không dễ đối với nhiều DN Việt Nam khi bước đầu thực hiện CĐS.

Bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM lý giải không phải cuộc chuyển mình nào cũng sẽ thay đổi số phận DN theo hướng tốt hơn. Điều quan trọng là phải xác định được khi nào cần chuyển mình, CĐS như thế nào để DN phát triển tốt hơn?

CĐS không thể chuyển mình theo kiểu đi shopping mua thiết bị, giải pháp phần mềm về để áp dụng thụ động, như vậy DN không định hình được rõ bản chất vấn đề nên dẫn tới các bước đi không hợp lý. DN cần phải nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất của CĐS, xác định được "bức tranh" CĐS như thế nào phù hợp với mình, xây dựng một chiến lược với các bước đi phù hợp thì quyết định CĐS mới thực sự đúng đắn.

Dưới góc nhìn DN, ông Dương Long Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thắng Lợi (tỉnh Long An) cho rằng, tùy đặc thù mỗi DN mà có chiến lược, giải pháp CĐS phù hợp. Theo ông Thành, CĐS là tất yếu với DN nếu muốn tồn tại và vươn lên trong xu thế phát triển kinh tế số, phải mạnh dạn và quyết tâm thực hiện, có thể sẽ tốn kém về chi phí, có thể không thực sự chuyển đổi được số phận tốt hơn như mong đợi, nhưng CĐS sẽ giúp DN có thêm được những lợi thế, có cơ hội để lớn lên, DN nào không CĐS thì chắc chắn DN đó sẽ bị bỏ lại phía sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hãy trở thành doanh nghiệp số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO