Theo Tổng cục Thống kê, tính riêng trong tháng 10 có khoảng 484.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Tính chung 10 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 2,35 triệu lượt, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 83,7% so cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19).
Hàn Quốc vẫn là thị trường cung cấp lượng khách du lịch lớn nhất tới Việt Nam với hơn 130.000 người, tăng hơn 56 lần so cùng kỳ năm 2021, tiếp theo là thị trường Mỹ với hơn 41.500 lượt. Khách đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines vẫn duy trì mức tăng trưởng đều, trong đó khách đến từ Thái Lan là cao nhất với khoảng 31.650 lượt người.
Du khách quốc tế trở lại giúp các dịch vụ đi kèm như lưu trú, ăn uống cũng có sự phục hồi tích cực. Cụ thể, tính từ đầu năm 2022 đến nay doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt hơn 467.000 tỷ đồng, tăng 51,8% so cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm 2022 ước đạt 19.700 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có doanh thu du lịch tăng cao gồm: Đà Nẵng tăng 741,4%; Cần Thơ tăng 647,4%; Hà Nội tăng 365%; Hải Phòng tăng 236%; TP.HCM tăng 173,6%; Quảng Ninh tăng 47,7%.
Ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của ngành du lịch, tuy nhiên, mức tăng trưởng này chủ yếu dựa trên nền thấp của năm 2021 khi tình hình dịch bệnh diễn ra căng thẳng. Trên thực tế, ngành du lịch vẫn chỉ đang trên đà hồi phục.
Dự báo sẽ còn những thách thức khác cho ngành du lịch trong năm 2023 khi diễn biến kinh tế thế giới vẫn đang phức tạp. Nền kinh tế ở một số nước vốn là thị trường cung cấp lượng khách du lịch chính cho Việt Nam đang đối mặt với lạm phát và nguy cơ suy thoái, người dân sẽ thắt chặt, hạn chế chi tiêu cho những danh mục không thật sự cần thiết.