Việc áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch sẽ giúp các doanh nghiệp tinh giãn được nhân sự, giảm chi phí. |
Ngày 7/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) đã phối hợp cùng Công ty CP Công nghệ Du lịch (Gotadi) tổ chức hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch – lữ hành” nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều thông tin, góp phần tăng trưởng và phục hồi sau đại dịch, đón đầu làn sóng du khách mới.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc chi nhánh VCCI-HCM, cho biết, cơ hội và tiềm năng trong chuyển đổi số cho ngành du lịch rất lơn. Tuy nhiên, cùng với xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đặt ra yêu cầu ngành du lịch phải đáp ứng các chuẩn mực quốc tế ngày càng cao mới mong nâng được vị thế cạnh tranh với nhiều quốc gia trong khu vực. Vì vậy, việc áp dụng nghệ cao để cung cấp dịch vụ mọi lúc mọi nơi là mục tiêu cần hướng đến đối với các doanh nghiệp ngành du lịch Việt Nam.
“Chuyển đổi số được nhận định là một xu hướng tất yếu, một yêu cầu cấp thiết, nhằm hỗ trợ du lịch phục hồi, phát triển bền vững hơn trong bối cảnh mới”, ông Liêm khẳng định và cho biết việc áp dụng chuyển đổi số trong du lịch cũng là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí cho hoạt động du lịch.
Khẳng định thêm điều này, ông Nguyễn Hoàng Lê - CEO Dr. SME, nhận định việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp du lịch tinh giảm được nhân sự, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành. “Áp dụng chuyển đổi số trong du lịch, các doanh nghiệp lữ hành sẽ không cần nhiều nhân sự điều hành. Thậm chí, hiện nay một số khách sạn khi áp dụng chuyển đổi số cũng không cần tới nhân viên lễ tân, như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí”, ông Lê nói và chia sẻ thêm, trong trường hợp này khách chỉ cần sử dụng mã QR cod để check-in dịch vụ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê, các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là các ứng dụng về du lịch trực tuyến như gotadi, divui.com, vntrip… khó cạnh tranh với các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nước ngoài vì hạn chế về tài chính. “Mỗi năm, các OTA nước ngoài chi rất lớn để bù lỗ nhằm "kéo" khách hàng. Điều này là hạn chế của doanh nghiệp Việt”, ông Lê nhận xét.
VCCI-HCM và Gotadi đã ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) giai đoạn 2022 - 2027 nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên để gắn kết, tương hỗ lẫn nhau |
Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông Ngô Minh Đức - Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ du lịch gotadi, cho biết doanh nghiệp ông đã áp dụng chuyển đổi số từ 2014. Hiện nay, Gotadi đã kết nối với 7.000 khách sạn trong nước; 450.000 khách sạn quốc tế; làm việc trực tiếp với 4 hãng hàng không trong nước và 900 hãng hàng không quốc tế… với đa dạng phương thức thanh toán, giúp du khách tiết kiệm khoảng 20% chi phí.
Ông Đức khuyến nghị: “Với giải pháp của Gotadi, nhà quản lý chỉ cần cấp tài khoản cho nhân viên, hệ thống sẽ tự động 100% tìm kiếm, so sánh giá vé của nhiều hãng trên cùng một màn hình. Nhân viên có thể chủ động việc đi lại, xin phê duyệt và đặt xuất vé”.
Cũng tại buổi hội thảo, VCCI-HCM và Gotadi đã ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) giai đoạn 2022 - 2027 nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên để gắn kết, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình hoạt động và phát triển.
Sau khi Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam đã đón 1.872.900 lượt khách quốc tế. Trong đó, du khách đến bằng đường hàng không đạt 1.659.900 lượt người, chiếm 88,6%; bằng đường bộ đạt 212.500 lượt người, chiếm hơn 11,3%; bằng đường biển đạt 494 lượt người, chiếm 0,03%. |