Hai mặt của đồng USD mất giá

CAM LĂNG| 29/10/2009 08:35

Cho đến ngày 20/10, chỉ số USD so với 6 loại tiền tệ lớn đã rơi xuống mức 75,24 - mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Đà trượt giá của đồng bạc xanh này dự báo còn tiếp tục.

Hai mặt của đồng USD mất giá

Cho đến ngày 20/10, chỉ số USD so với 6 loại tiền tệ lớn đã rơi xuống mức 75,24 - mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Đà trượt giá của đồng bạc xanh này dự báo còn tiếp tục.

Đà trượt giá của đồng USD thời gian qua gắn liền với tâm lý “muốn tránh rủi ro” của các nhà đầu tư trên thế giới. Nhiều phân tích cho thấy, trong 12 tháng tới, FED không thể nâng lãi suất cơ bản đồng USD từ mức thấp kỷ lục hiện nay.

USD liên tục hạ giá khiến Nga và Trung Quốc, những nước nắm dự trữ bằng đồng USD, lo ngại và tính đến việc chuyển dự trữ ngoại tệ ra đồng tiền khác ngoài USD. Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega công bố áp dụng 2% thuế giao dịch tài chính đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, nhằm góp phần kìm chế sự gia tăng giá trị của đồng Brazil (BRL) so với đồng USD. Các nước châu Âu bắt đầu bộc lộ quan ngại về giá trị của đồng USD. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Jean-Claude Trichet đã cảnh báo tỷ giá hối đoái biến động quá mạnh có thể hủy hoại sự ổn định của ngành tài chính và nền kinh tế.

Nhưng đồng USD yếu có thể đem lại lợi ích lớn cho các nhà sản xuất hàng xuất khẩu của Mỹ, vốn đang chịu áp lực do nhu cầu giảm sút mạnh. Đồng USD mất giá sẽ giúp sản xuất công nghiệp của Mỹ tăng cường sức mạnh, kim ngạch xuất khẩu của nước này được cải thiện. "Sự giảm giá dần dần và có trật tự của USD là lành mạnh. Đồng USD đã lên giá 40% trong thời kỳ 1995-2002, nên sự giảm giá đang diễn ra là cần thiết để tái cân bằng tỷ giá đồng tiền này", ông C. Fred Bergsten, Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận xét. Với đợt giảm giá gần đây, đồng USD đã được định giá hợp lý so với euro, nhưng cần phải mất giá thêm 10% nữa so với các đồng tiền của châu Á như yên Nhật để tạo thế bình đẳng cho các nhà xuất khẩu Mỹ.

Nhìn nhận ở góc độ khác, theo chuyên gia tài chính Neil Mellor thuộc Công ty BNY Mellon Global Markets (London), nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang nhìn nhận lại địa vị của đồng USD với vai trò đồng tiền dự trữ số 1 của thế giới. Trong khi đó, lãi suất cơ bản thấp kỷ lục của USD và thâm hụt ngân sách Liên bang Mỹ cũng tăng kỷ lục càng tạo thêm sức ép làm mất giá USD.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tuyên bố, chính quyền Tổng thống Obama ủng hộ chính sách đồng USD mạnh. Tuy nhiên, thị trường tiền tệ không kỳ vọng nhiều ở việc nước Mỹ sẽ hành động để thực hiện những tuyên bố này, trong đó có việc tăng lãi suất. Chuyên gia tài chính Mellor thuộc Công ty BNY Mellon Global Markets cho rằng: “Chính quyền Obama có thể nói là họ muốn đồng USD mạnh. Nhưng ai cũng biết là họ không có phương tiện để hỗ trợ USD.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không thể sớm tăng lãi suất, mà Nhà Trắng thì không thể sớm cắt giảm thâm hụt ngân sách". Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Sung Won Sohn tại Trường Đại học Kinh tế Smith (California): "Chính quyền Mỹ lại không tỏ ra quá lo lắng và tìm ra các biện pháp để nâng cao giá trị của đồng USD. Bởi vì, đồng USD yếu sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nước Mỹ thông qua việc thúc đẩy xuất khẩu. Nhiệm vụ quan trọng nhất của chính quyền Obama hiện nay là phải tạo ra nhiều việc làm hơn nữa”. Trên cơ sở đó, đồng USD dự báo sẽ còn trượt giá hơn nữa, xuống mức 1,6USD/euro trong thời gian từ nay tới đầu năm 2010.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai mặt của đồng USD mất giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO